Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Với mong muốn tiếp tục thu hút khán giả, các đoàn xiếc, diễn viên, nghệ sĩ xiếc đều đang nỗ lực đổi mới không ngừng nhằm mang đến cho người xem những màn trình diễn ngày càng đặc sắc, hấp dẫn. Tuy nhiên, một nghịch lý đáng buồn là nghệ thuật Xiếc Việt Nam thành công và gặt hái nhiều huy chương tại các Liên hoan Xiếc quốc tế nhưng sân khấu Xiếc vẫn thưa vắng khán giả.

Đẳng cấp nghệ thuật ngang tầm thế giới

Gần 100 năm qua, Xiếc Việt Nam hiện đại đã được công chúng đón nhận, yêu mến. Các đoàn xiếc, nghệ sĩ, diễn viên đã khẳng định tài năng, tên tuổi bằng các danh hiệu, giải thưởng qua các liên hoan xiếc quốc tế tại Việt Nam năm 1997, 2004, 2006, 2012 và các liên hoan xiếc tại Pháp, Ý, Monaco, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc…

Xiếc Việt Nam: Nhiều huy chương nhưng vắng khán giả - Ảnh 1.

Nhiều nghệ sĩ Xiếc Việt Nam đã khẳng định được vị trí của mình trong các sân chơi lớn như nghệ sĩ Trà My, Quốc Cơ, Quốc Nghiệp hay các chương trình gây tiếng vang lớn trên sân khấu Xiếc quốc tế như xiếc "Làng tôi", "Sông trăng"… Điều này khẳng định vị thế của Xiếc Việt Nam trên sân khấu xiếc thế giới cũng như vị trí của Xiếc Việt Nam trong hệ thống sân khấu nước nhà.

Tuy nhiên cùng chung những khó khăn của nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật Xiếc đang trong bối cảnh cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí.

Xiếc Việt Nam: Nhiều huy chương nhưng vắng khán giả - Ảnh 2.

Ông Vũ Ngoạn Hợp - nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, nghệ thuật Xiếc đang có những cạnh tranh khốc liệt như giữa Xiếc với các bộ môn nghệ thuật sân khấu khác; Xiếc với ca nhạc; Xiếc với truyền hình, đặc biệt bây giờ cạnh tranh của tất cả các loại hình truyền thống đó với mạng internet. Trong khí đó, hình thức tiếp cận khán giả hiện nay của xiếc Việt quá lạc hậu. Đó là lối tư duy nặng nề bao cấp với việc tự làm truyền thông bằng việc ôm loa đi rao khắp phố phường hay treo băng rôn ngoài đường.

NSND Vũ Ngoạn Hợp cũng cho rằng, việc đỏ đèn liên tục cũng không phải tốt đối với các đơn vị xiếc. Bởi các đơn vị cần tạo ra các chương trình có chất lượng, chương trình sau phải khác với các chương trình trước. Như thế, khán giả mới hào hứng đi xem. Điều đó có nghĩa, các đơn vị cần có sự chuẩn bị cho đáo cho các tiết mục trước khi "lên sàn", còn hôm nay tung hứng 5 quả, hôm sau tung hứng 7 quả mà bảo hay hơn, hấp dẫn hơn thì cũng chưa chắc đã được đón nhận. Trong thời gian rạp tạm dừng hoạt động thì xoay sang hướng khai thác khác để tránh lãng phí.

Xiếc Việt Nam: Nhiều huy chương nhưng vắng khán giả - Ảnh 3.

Còn NSND Nguyễn Ngọc Trúc thì cho rằng, qua một số tiết mục dự thi đạt chất lượng cao tại Cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc 2018 cũng như các chương trình, tiết mục đã đạt giải thưởng và được dư luận quốc tế đánh giá cao thì những người làm nghệ thuật xiếc Việt Nam không thiếu tài năng, nghệ sĩ xiếc đang có sự vận động, trăn trở từ việc áp dụng khai thác những tiến bộ trong khoa học, nâng được độ khó cho các kỹ năng, kỹ xảo xiếc, đồng thời cũng nghiên cứu đổi mới theo xu hướng tổng hợp hoá, dung nạp thêm các loại hình như kịch, kịch hình thể, kịch câm, ballet… để làm mới, đa dạng và phong phú hơn cho ngôn ngữ loại hình, đưa nội dung xuyên suốt vào tiết mục tạo nên những tác phẩm xiếc hiện đại sinh động hơn, hấp dẫn hơn.

Xiếc Việt Nam: Nhiều huy chương nhưng vắng khán giả - Ảnh 4.

"Xiếc Việt Nam vẫn đang thiếu vắng khán giả, đang tìm cách mưu sinh tồn tại hay không tồn tại. Để hấp dẫn khán giả, cần nâng cao tiết mục xiếc. Những tiến bộ trong khoa học đã giúp sức cho nghệ thuật xiếc đạt nhiều đỉnh cao mới, vì vậy, hiện nay, trên thế giới có xu thế nâng cao động tác kĩ thuật trong tiết mục xiếc. Muốn nâng cao được kỹ thuật tiết mục xiếc thì kỹ thuật kĩ xảo của người diễn viên là quan trọng"- NSND Ngọc Trúc khẳng định.

Kéo khán giả đến rạp, nghệ sĩ phải tự truyền thông

Theo NSND Vũ Ngoạn Hợp, trong bối cảnh hiện nay, không ít đơn vị có tiết mục hay nhưng vấn đề làm thế nào cho xã hội biết đến. "Trong khi những ca sĩ, nghệ sĩ ca nhạc giải trí họ có các công ty truyền thông để quảng bá thì ngành xiếc vẫn xa lạ với làm truyền thông. Nhiều nghệ sĩ đoạt giải quốc tế nhưng về Việt Nam không ai biết. Chúng ta đang thiếu truyền thông về xiếc và cần bổ sung"- NSND Vũ Ngoạn Hợp bày tỏ.

Theo NSND Vũ Ngoạn Hợp, trong bối cảnh hiện nay, dù khó khăn trong bán vé thì cũng không thể làm rẻ xiếc mà phải có cách đầu tư biểu diễn. Phải bỏ tiền ra PR truyền thông, giới thiệu nghệ thuật và chương trình.

Xiếc Việt Nam: Nhiều huy chương nhưng vắng khán giả - Ảnh 5.

"Tại sao chúng ta không giao cho một đơn vị chuyên làm công việc tổ chức sự kiện, còn nghệ sỹ xiếc chỉ lo về chuyên môn. Cách tiếp cận với khán giả của nghệ thuật xiếc vẫn rất lạc hậu. Bây giờ vẫn dùng loa đi khắp phố phường, treo băng rôn..."- NSND Vũ Ngoạn Hợp đặt vấn đề.

Đồng quan điểm, NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, xiếc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển đồng bộ, dài hạn tổng thể trong tương lai để khắc phục những hạn chế và đề ra phương hướng phát triển ổn định, vững mạnh về mọi mặt. Chiến lược phát triển phải tận dụng được hết nội lực hiện có đẩy mạnh công việc một cách khoa học sáng tạo, định hướng phong cách nghệ thuật, xây dựng các chương trình tiết mục có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả trong xu thế mới và khẳng định chỗ đứng của nghệ thuật xiếc Việt Nam đáp ứng yêu cầu giao lưu, hợp tác với các đối tác nước ngoài trong thời kỳ hội nhập.

Tiết mục biểu diễn tại lễ Khai mạc cuộc thi tài năng diễn viên xiếc Việt Nam 2018

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thì lo ngại nghệ thuật xiếc sẽ đánh mất bản sắc. "Chúng tôi rất lo xiếc Việt sẽ đánh mất bản sắc khi mà một số địa phương, do khó khăn nên đã ghép xiếc với một số loại hình nghệ thuật khác thành một đơn vị. Chúng tôi rất mong cơ quan quản lý nhà nước cần lập đề án, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ cho ngành xiếc, để xiếc cũng như các loại hình nghệ thuật khác giữ được bản sắc riêng".

Nghệ thuật xiếc Việt Nam cần nhất là phải được các cấp lãnh đạo quan tâm đề ra các chính sách đào tạo dài hơi với đặc thù như: chính sách phát hiện tài năng nghệ thuật, chính sách đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật; chính sách sử dụng và đãi ngộ tài năng nghệ thuật để đào tạo được đội ngũ diễn viên có trình độ xây dựng được những tiết mục xiếc đỉnh cao, ngang tầm thế giới. Quan tâm đến con người, biết phát huy khả năng của từng cá nhân, động viên đúng lúc, kịp thời bằng cả tinh thần và vật chất sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ để họ đem hết khả năng của mình cống hiến cho sự nghiệp./.

Hà An - Mỹ Dạ