• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xuất hiện các nguy cơ tiềm ẩn đối với kinh tế toàn cầu

Kinh tế 15/07/2019 10:01

(Tổ Quốc)-Kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại trong sự lo ngại hình thành các bong bóng đầu cơ.

Kinh tế tăng trưởng chậm, nhưng các thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục khởi sắc. S.Broyer, Chuyên gia Kinh tế trưởng của S&P Global Ratings, nhận xét: "Chúng ta đang chứng kiến nghịch lý của sự yên ắng này".

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 2,7% năm 2019, so với 3,1% năm 2018

Hiện các nhà phân tích đều hướng về Mỹ nơi các chỉ số kinh tế cho thấy xu hướng chững lại của hoạt động sản xuất, tuy kinh tế Mỹ đang được kích thích bởi chính sách thuế của Tổng thống D.Trump. Song, các công ty Mỹ bắt đầu giảm chi trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Trung Quốc tiếp tục căng thẳng. Tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm tốc, xuống còn 2,5% vào năm 2019, thấp hơn 0,4 điểm so với năm trước.

Tăng trưởng đang chững lại tại Trung Quốc. Theo báo cáo của Ngân hàng Bảo hiểm - Tín dụng Coface, "cuộc chiến thương mại đã làm giảm 10% xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong 4 tháng đầu 2019".

ktvn

Kinh tế Việt Nam đứng trước hai vấn đề mấu chốt là tăng năng suất lao động và vượt qua nền kinh tế thâm dụng lao động để tiến đến có hàm lượng trí tuệ cao.

Trong khi chứng khoán Phố Wall đang có chu kỳ đi lên dài nhất trong lịch sử, triển vọng kinh tế tăng trưởng chậm lại về nguyên tắc sẽ khiến các nhà đầu tư có thái độ thận trọng. Tuy nhiên, thực tế diễn ra ngược lại với kịch bản thông thường. Kể từ đầu 2019, chỉ số tham chiếu của các nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán New York S&P 500 tăng 19,29%, Dow Jones tăng 15,41 % ; tại Pháp, chỉ số CAC 40 tăng 18,24 % và chỉ số Euro Stoxx 50 tăng trên 17 %.

Theo Frédéric Rollin, Cố vấn Chiến lược Đầu tư của Pictet Asset Management, "chúng ta đang ở cuối chu kỳ, theo ước tính trong 12 tháng tới, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty toàn cầu sẽ ở mức gần bằng không. Tuy nhiên, các nhân viên giao dịch trên thị trường chứng khoán vẫn đang nhắm tới khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất, giảm một điểm trong vòng một năm" nhằm kích thích cỗ máy kinh tế phục hồi. Theo Stéphane Déo, Chuyên gia Chiến lược của Ngân hàng Bưu điện Asset Management, "nếu Ngân hàng Trung ương Mỹ không có động thái sau cuộc họp về chính sách tiền tệ ngày 31/7 tới thì nhiều khả năng sẽ có sự cố".

Tháng 6/2019, chính Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi tuyên bố sẵn sàng linh hoạt ở mức tối đa nếu không đạt được mục tiêu lạm phát ở mức gần 2%, thậm chí kể cả thông qua mua lại tài sản và giảm thêm lãi suất.

Mathilde Lemoine, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Edmond de Rothschild, cho biết: "Các Ngân hàng Trung ương mua thời gian và đánh lận con đen về đánh giá rủi ro, đã giảm các chi phí lãi vay một cách giả tạo với lãi suất thấp và là sai lệch hoàn toàn khoảng cách giữa nền kinh tế thực và giá trị tài sản".

Nợ thế giới đã tăng khoảng 50% kể từ 10 năm nay

Kể từ khủng hoảng năm 2008, doanh nghiệp và một số Chính phủ đã hưởng lợi nhiều từ chính sách ưu ái của các Ngân hàng Trung ương. Bằng cách duy trì lãi suất chủ đạo ở mức rất thấp và tung ra các chương trình mua lại nợ công và nợ tư nhân, các ngân hành này đã tăng mạnh thanh khoản và khuyến khích cho vay.

Kết quả là nợ thế giới đã tăng khoảng 50% kể từ 10 năm nay, theo nghiên cứu do Standard & Poor’s công bố tháng 3/2019, dưới tác động của các nước phát triển và các doanh nghiệp thuộc các quốc gia mới nổi đặc biệt là Trung Quốc. Tổng nợ toàn cầu (cả công và tư nhân) hiện chiếm 234% GDP, so với 208% năm 2008. Tại Pháp, nợ công lên tới gần 100% GDP, đạt mốc gần 2.359 tỷ euro.

Tuy nhiên, ông Olivier Blanchard, nguyên Chuyên gia Kinh tế trưởng thuộc IMF, lại cho rằng: "Khi lãi suất vay thấp, nợ công sẽ tích tụ chậm hơn, chi phí đối với ngân sách và nền kinh tế sẽ thấp hơn". Với nhận định lãi vay vẫn ở mức sàn, ông khuyến khích các nước Châu Âu điều chỉnh chính sách ngân sách, đồng thời tăng cường đầu tư trước khi cuộc khủng hoảng kế tiếp nổ ra.

Trong một môi trường lãi suất rất thấp, đi vay không mất gì, tuy nhiên đầu tư vào các quỹ trái phiếu cũng gần như cũng không mang lại gì. Do vậy, những năm gần đây, các nhà đầu tư lao vào tìm kiếm hiệu suất đầu tư. Thành công của các khoản cho vay với hiệu ứng đòn bẩy (dành cho các công ty nợ cao) kể từ 5 năm trở lại đây tại Mỹ cho thấy "cơn thèm" đối với các tài sản có độ rủi ro cao hơn.

Không chỉ các công ty đi vay các khoản vay đòn bẩy có độ rủi ro cao (một phần trong số họ thậm chí không còn khả năng phát hành trái phiếu trên thị trường) mà các khoản vay này còn được tích hợp vào các sản phẩm tài chính đã được chứng khoán hóa và phân phối trên thị trường. Còn nhớ, các khoản cho vay bất động sản dưới chuẩn đã làm nổ ra khủng hoảng 2008, ngay cả khi hiện "các ngân hàng có độ phơi nhiễm với các khoản cho vay đòn bẩy thấp hơn so với nợ dưới chuẩn thời gian 2007-2008", theo nhận định của các chuyên gia Ngân hàng Trung ương Pháp.

Các tác nhân thị trường không còn sự lựa chọn. Họ bắt đầu ngày làm việc bằng cách lướt các dòng Twitter mới nhất của Tổng thống Mỹ. Việc cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nối lại đối thoại tại G20 tại Osaka và tuyên bố tạm ngừng căng thẳng đối đầu đều vô ích, chiến tranh thương mại chưa đến hồi kết./.


Hoài Nam (Theo các báo Pháp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ