• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xung đột biên giới Trung-Ấn: Lịch sử chiến tranh khó lặp lại vì thay đổi chiến lược của Bắc Kinh?

Thế giới 07/06/2020 08:01

(Tổ Quốc) - Tờ SCMP dẫn lời giới quan sát nhận định, một mặt các nhà ngoại giao và quan chức quốc phòng tại cả Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết làm việc cùng nhau để làm giảm căng thẳng biên giới; mặt khác họ cũng phải tìm cách xoa dịu làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang lan rộng tại quê nhà.

Mặc dù năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 70 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng trong tháng qua, căng thẳng biên giới một lần nữa bùng phát. Quân đội Trung, Ấn đã giáp mặt nhau tại thung lũng Sông Galwan giữa Ladakh thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát và vùng Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát.

Kể từ lần đối đầu quân sự kéo dài 2 tháng tại Doklam vào mùa hè năm 2017, Bắc Kinh và New Delhi không ngừng tăng cường phòng thủ biên giới. Mâu thuẫn năm đó được châm ngòi từ quyết định của Bắc Kinh xây dựng một con đường trong khu vực lãnh thổ tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan (một đồng minh của Ấn Độ).

Xung đột biên giới Trung-Ấn: Lịch sử chiến tranh khó lặp lại vì thay đổi chiến lược của Bắc Kinh? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (ảnh: SCMP)


Trong khi nguyên nhân của xung đột lần này chưa rõ ràng, ông Sun Shihai – một học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Tứ Xuyên đánh giá, Ấn Độ đang lợi dụng căng thẳng trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.

"Đảng cầm quyền Bharatiya Janata của Ấn Độ cổ súy cho chủ nghĩa đơn phương gây hấn khi xử lý các vấn đề biên giới liên quan tới Trung Quốc, Pakistan và Myanmar", ông Sun nói. "Có những dấu hiệu và nguy cơ nổi lên cho thấy, một số quan chức Ấn Độ tin rằng họ có thể lợi dụng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ trong bối cảnh Washington đang cố gắng đưa Ấn Độ vào chiến lược Ấn Độ Dương của mình để kiềm chế một nước Trung Quốc đang lên".

Còn theo chuyên gia về các vấn đề Trung - Ấn đến từ New Delhi, ông Manoranjan Mohanty quyết định của Ấn Độ chấm dứt vị thế bán tự trị của vùng Kashmir và áp dụng các quy tắc lãnh đạo liên bang trực tiếp cũng như tăng cường các chiến dịch ngăn chặn nổi dậy tại Kashmir trong thời gian phong tỏa COVID-19 – đã khiến Bắc Kinh lo lắng, nhất là khi con đường kết nối trực tiếp duy nhất của Trung Quốc giữa Tân Cương và Tây Tạng là đi qua Aksai Chin.

Lịch sử tranh chấp biên giới kéo dài nhiều năm giữa Trung Quốc và Ấn Độ là di sản của nhiều hiệp ước, như Ranh giới Ardagh-Johnson và Ranh giới McMahon – được ký kết bởi chính phủ thuộc địa Anh cai trị Ấn Độ và triều Thanh Trung Quốc vào thế kỷ thứ 19 và 20.

Tuy nhiên sau đó Bắc Kinh từ chối công nhận các hiệp ước trên, từ đó châm ngòi cho các mâu thuẫn lãnh thổ dọc theo biên giới Trung-Ấn, bao gồm 3 khu vực riêng biệt có tổng diện tích hơn 120.000 km vuông xung quanh dãy Himalayas và ở độ cao 4.300m so với mực nước biển.

Khu vực phía đông, rộng khoảng 90.000 km vuông hiện thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ nhưng lại bị Trung Quốc tuyên bố là "Nam Tây Tạng". Khu vực giữa ở phía tây Nepal có diện tích nhỏ nhất (khoảng 2.100 km vuông) và phần lớn đang do Ấn Độ kiểm soát. Khu vực phía tây, Aksai Chin có diện tích khoảng 33.000 km vuông và một số quận ở Tân Cương – thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc từ năm 1962 sau khi hai nước rơi vào một cuộc chiến tranh khiến hơn 2.000 người thiệt mạng.

Xung đột biên giới Trung-Ấn: Lịch sử chiến tranh khó lặp lại vì thay đổi chiến lược của Bắc Kinh? - Ảnh 2.

Một hình ảnh về cuộc chiến biên giới Trung-Ấn năm 1962 (ảnh: getty)

Cuộc xung đột năm 1962 diễn ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi thế giới bị chia rẽ giữa một bên là Mỹ và các đồng minh và bên kia là Liên Xô cùng các nước ủng hộ. Vào thời điểm đó, Delhi nghiêng về Moscow.

"Vào năm 1962, Ấn Độ chấp nhận chiến tranh với Trung Quốc, lúc đó đang cắt đứt quan hệ với Moscow trong khi vấp phải loạt vấn đề lớn tại cả trong và ngoài nước", ông Sun cho hay.

Chiến tranh biên giới Trung-Ấn bắt đầu vào ngày 20/10 khi quân đội Trung Quốc chiếm Ladakh do Ấn Độ kiểm soát và vượt qua Ranh giới McMahon. Cuộc chiến chỉ kéo dài trong khoảng 1 tháng và kết thúc khi Bắc Kinh tuyên bố ngừng bắn vào ngày 20/11. Tuy nhiên, sự kiện đã phủ một bóng đen khó xóa mờ lên cách New Delhi giải mã những ý định của Bắc Kinh.

"Mặc dù chúng tôi không muốn chiến tranh nhưng chúng tôi sẽ không nhượng bộ cho bất kỳ hành động bắt nạt nào từ Bắc Kinh. Hiện không phải là năm 1962", ông Amarinder Singh, một quan chức cấp cao của bang Punjab, Ấn Độ tuyên bố về cuộc xung đột mới nhất với Trung Quốc.

Theo ông Mohanty, sự hiện diện ngày càng mở rộng của hải quân Trung Quốc tại Ấn Độ Dương đã khiến các nhà làm chính sách Ấn Độ phải sử dụng một chính sách "đa nhánh" trên các mặt trận ngoại giao và quân sự, trong đó có cả tăng cường quan hệ với Mỹ.


Còn nhà phân tích quân sự từ Bắc Kinh Zhou Chenming nhận định, bất chấp sự thiếu tin tưởng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi hiểu được những hậu quả tiềm tàng nếu hai quốc gia đông dân nhất thế giới rơi vào chiến tranh.

"Bắc Kinh và New Delhi đã thiết lập một cơ chế liên lạc quan sự 5 cấp để giải quyết các tranh chấp biên giới và thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ để chia sẻ thông tin", ông Zhou chỉ ra. "Trung Quốc và Ấn Độ phải ưu tiên cho phát triển kinh tế bởi vì họ là quê nhà của hơn 1/3 dân số toàn cầu".

Trong khi đó, nhà quan sát quân sự từ Hong Kong Liang Guoliang cho rằng, kể từ năm 2015, Bắc Kinh đã thay đổi chiến lược phòng thủ của mình từ các khu vực tây bắc tới các khu vực bờ biển, điều đó có nghĩa là các tranh chấp biên giới với Ấn Độ giờ đây chỉ là một vấn đề "thứ yếu".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ