• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

2 quốc gia đã phủ vaccine COVID-19 trên 70%: Bài học về tầm quan trọng của các biện pháp y tế công cộng sau tiêm vaccine

Sức khỏe 29/08/2021 11:09

(Tổ Quốc) - GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Úc - cho rằng vaccine có hiệu quả nhưng không phải là 'viên đạn bạc' chống Covid-19, và các biện pháp giãn cách xã hội có lẽ vẫn phải duy trì sau khi tiêm chủng vaccine.

Có lẽ cần phải lặp lại câu nói 'vaccine không phải viên đạn bạc' để nhắc nhở rằng các biện pháp y tế công cộng khác cũng quan trọng. Trường hợp Iceland là một ví dụ tiêu biểu cho câu nói đó.

Iceland là một quốc đảo vùng Bắc Âu, với dân số chỉ 357,000 người. Nói là ốc đảo, nhưng quốc gia này có trình độ khoa học, nhất là di truyền học, thuộc hàng 'đỉnh' trên thế giới. Đó cũng là một nơi được nhiều người trong giới khoa học phân tích để hiểu tình hình dịch bệnh.

Iceland bắt đầu tiêm chủng vaccine vào cuối năm 2020. Tính đến nay (8/2021) thì 77% dân số đã được tiêm 2 liều vaccine. Các vaccine phổ biến ở đây là Pfizer, J&J, AstraZeneca.

Tính từ đầu năm ngoái (2020) đến nay, Iceland đã trải qua 3 đợt dịch bùng phát. Đợt thứ nhất là khoảng tháng 3/2020, đợt thứ hai là tháng 9-10/2020, và đợt hiện nay bắt đầu từ giữa tháng 7/2021.

Tính từ đầu năm 2021 đến giữa tháng 7/2021, số ca nhiễm dao động trong khoảng 1-2 ca mỗi ngày, và cao nhất là 7 ca. Nhưng từ giữa tháng 7 trở đi thì số ca tăng đột biến, có khi lên đến 87 ca một ngày.

2 quốc gia đã phủ vaccine COVID-19 trên 70%: Bài học về tầm quan trọng của các biện pháp y tế công cộng sau tiêm vaccine - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin Covid-19 tại TP HCM.

Nhưng con số đó chưa nói lên bức tranh toàn cảnh. Có 3 điều đáng chú ý mà con số đó chưa thể hiện được:

• Thứ nhất là trong số những ca nhiễm mới, 82% đã được tiêm vaccine đầy đủ 2 liều.

• Thứ hai là 97% những ca nhiễm mới là nhẹ hoặc không có triệu chứng.

• Thứ ba là chỉ có 18 ca cần nhập viện.

• Từ tháng 4/2020 đến 10/2020 (chưa tiêm vaccine) không có ca tử vong. Từ đầu tháng 1/2021 đến nay (tức đã tiêm vaccine) có thêm 2 ca tử vong.

Những con số này nói lên điều gì? Tôi nghĩ trước hết nó cho thấy nhiễm đột phát (breakthrough infection) sau khi tiêm vaccine là khá cao. Và ở Iceland, hiệu quả của vaccine có vẻ khiêm tốn vì ngay cả số ca tử vong chẳng thay đổi bao nhiêu trước và sau tiêm vaccine, nhưng số liệu còn quá ít để khẳng định.

Tóm lại, vaccine có hiệu quả nhưng không phải là 'viên đạn bạc' chống Covid-19, và các biện pháp giãn cách xã hội có lẽ vẫn phải duy trì sau khi tiêm chủng vaccine.

Nhưng Iceland không phải ngoại lệ, vì Do Thái cũng đang trải qua một đợt dịch mới dù 78% dân số đã được tiêm vaccine, chủ yếu là Pfizer. Số ca nhiễm mỗi ngày tăng gần đạt đỉnh điểm so với thời gian trước khi tiêm vaccine. Ngay cả số ca nhập viện cũng tăng 31% so với tuần trước, và đa số đều đã được tiêm vaccine.

Bài báo cho biết tính đến ngày 15/8/2021, 514 người đã nhập viện, và trong số này gần 60% là đã được tiêm đủ 2 liều vaccine [1]. Tác giả cho biết con số nhiễm đột phá quá nhiều, đến nổi chiếm đa số bệnh nhân nhập viện.

Một phân tích mới công bố trên MedrXiv cho thấy hiệu quả của vaccine suy giảm theo thời gian [2]. Một viên chức y tế gửi một thông điệp đến các nước giàu có rằng: "Đừng nghĩ rằng tiêm thêm liều vaccine tăng cường (booster) là giải pháp". 

Tài liệu tham khảo

[1] https://www.sciencemag.org/.../grim-warning-israel...

[2] https://www.medrxiv.org/.../2021.07.29.21261317v1.full.pdf

GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Úc

NỔI BẬT TRANG CHỦ