3 thói quen nấu ăn vô tình nhưng độc ngang với thạch tín, có thể khiến cả gia đình bệnh tật liên miên, thậm chí mắc bệnh ung thư

Phương Thuý | 30-10-2021 - 18:46 PM

(Tổ Quốc) - Các chuyên gia y tế và dinh dưỡng đã không ít lần cảnh báo về những thói quen nấu ăn tưởng chừng vụn vặt và vô hại, nhưng có thể giải phóng ra các chất gây ung thư cực kỳ nguy hiểm. Thế nhưng vẫn có rất nhiều người vô tình thực hiện hàng ngày.

Đối với nhiều người, trở về nhà sau một ngày bận rộn và tự nấu cho bản thân, gia đình một bữa ngon chính là một món quà tuyệt vời. Tuy nhiên, điều không thể ngờ là, thức ăn được chế biến tại nhà vẫn có thể trở thành “liều thuốc độc” gây bệnh nguy hiểm.

Nguyên nhân do đâu? Đó là aflatoxin, độc tố vi nấm sản sinh tự nhiên bởi một số loài nấm mốc. Loại độc tố này gây nguy hại cho sức khỏe một cách nghiêm trọng.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO từng xếp aflatoxin vào nhóm gây ung thư số 1. Aflatoxin mang độc tính cực kỳ mạnh, thậm chí độc gấp 68 lần asen và 10 lần so với kali xyanua, có khả năng phá hủy mô gan nghiêm trọng. Chỉ 1mg aflatoxin cũng có thể gây ung thư, và 20mg có thể gây tử vong.

Chúng xuất hiện từ chính những thói quen nấu ăn vô tình mà bản thân người nội trợ không thể ngờ đến.

3 thói quen khiến đồ dùng bếp nhiễm aflatoxin

1. Không thay đũa gỗ sau khi dùng quá lâu

Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, đất nước ta luôn có những giai đoạn độ ẩm khá cao. Tình trạng này là điều kiện lý tưởng để nấm mốc sinh sôi, nảy nở.

Khi dùng đũa bằng gỗ lâu ngày, chúng rất dễ bị nhiễm khuẩn và bị mốc từ bên trong. Thấy đũa mốc, nhiều gia đình không thay mới mà cho rằng mình rửa sạch mỗi ngày là đủ để diệt hết vi khuẩn mà không biết nguy hại, ảnh hưởng tới nền tảng sống khỏe của mỗi người.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng, đũa mốc rất có thể chứa độc tố aflatoxin. Bản thân các loại vi khuẩn tồn tại trên đũa còn có thể phát tán vào trong không gian của nhà bếp, bám vào các thực phẩm. Chúng có thể phát triển và tích tụ thành độc tố nguy hại nhất là khi gặp những thực phẩm càng giàu lipit (chất béo) như đậu lạc, đậu tương...

3 thói quen nấu ăn vô tình nhưng độc ngang với thạch tín, có thể khiến cả gia đình bệnh tật liên miên, thậm chí mắc bệnh ung thư - Ảnh 1.

2. Để thớt gỗ ở nơi ẩm thấp

Thớt gỗ dùng lâu năm không thể tránh được nhiều vết nứt nẻ. Trong quá trình sử dụng, nhiều loại thực phẩm, bụi bẩn dễ bám vào đây, khó có thể lau rửa sạch sẽ. Đây sẽ là môi trường lý tưởng để vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, tăng nguy cơ sản sinh ra độc tố aflatoxin.

Bên cạnh đó, thói quen dùng chung thớt cho thực phẩm tươi sống và thực phẩm chín cũng khiến vi khuẩn, độc tố lây nhiễm chéo. Dù trải qua đun nấu ở nhiệt độ cao, vẫn có nhiều loại độc tố khó tiêu diệt còn tồn đọng trong thức ăn, gây nguy cơ ngộ độc hoặc tổn hại sức khỏe về lâu dài.

3. Tích trữ và tái sử dụng can đựng dầu không đúng cách

Các loại chai, can nhựa được sử dụng lâu ngày, trong môi trường nhà bếp có nhiệt độ cao rất có thể bị thôi nhiễm. Các chất hóa học độc hại trực tiếp đi vào thực phẩm được cất chứa bên trong, gây hại trực tiếp cho người sử dụng.

Trong điều kiện ẩm thấp, nếu can đựng dầu không được vệ sinh sạch sẽ trước khi tái sử dụng cũng sẽ sinh ra nhiều vi khuẩn, nấm mốc.

Những điều cần thay đổi ngay để bảo vệ sức khỏe gia đình:

Bảo quản đồ dùng nhà bếp đúng cách và để nơi thông thoáng, mát mẻ để tránh ẩm mốc.

Có thể dùng nước nóng đun sôi để rửa đũa gỗ, thớt gỗ sau mỗi lần sử dụng, sau đó đem phơi khô dưới ánh nắng rồi mới đem đi cất.

3 thói quen nấu ăn vô tình nhưng độc ngang với thạch tín, có thể khiến cả gia đình bệnh tật liên miên, thậm chí mắc bệnh ung thư - Ảnh 2.

Sử dụng nước sôi để diệt khuẩn cho các vật dụng, đảm bảo vệ sinh an toàn khi nấu ăn cho gia đình. Ảnh: Naver

Nên vệ sinh các chai, lọ, can cũ hàng tháng hoặc 3 tháng một lần, sau khi phơi khô thì mới tái sử dụng.

Dù là đũa gỗ hay thớt gỗ cũng cần thay mới trong vòng 6 tháng - 1 năm.

Nếu thớt gỗ, đũa gỗ, chai dầu có dấu hiệu nấm mốc thì nên loại bỏ ngay.

Một số thói quen khác khi nấu ăn gây hại cho sức khỏe cần tránh

Không bật máy hút mùi khi nấu ăn khiến người nấu thường xuyên phải hít khói dầu bếp, gây kích ứng, buồn nôn, chóng mặt, khó chịu và có hại cho sức khỏe lâu dài.

Thời gian đun nấu càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi càng cao.

Nấu ăn với nhiệt độ dầu quá cao, dầu đun đi đun lại nhiều lần thường sinh ra một lượng lớn chất độc hại và chất gây ung thư, chẳng hạn như acrylamide.

Khi dầu sôi đến bốc khói cũng phá hủy tác dụng chống oxy hóa của dầu và các thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm, thậm chí sản sinh ra peroxide tác nhân gây ung thư.

Không cọ rửa sạch các vết cháy khét trên dụng cụ nấu nướng, sinh ra chất độc hại khi tiếp tục đun nấu.

Trên đây là những chi tiết nhỏ trong gian bếp mà chúng ta cần nhớ. Chỉ cần mỗi gia đình chú ý một chút là có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư, giúp bữa ăn thêm phần trọn vẹn.

*Theo Aboluowang

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM