Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Trong chỉ 1.000 từ của bản di chúc, Bác đã 7 lần nhắc đến từ Đoàn kết và khẳng định, đoàn kết là truyền thống quý báu của Đảng ta, dân tộc ta và cũng là tầm nhìn của Người trong việc khẳng định sự đoàn kết trong Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Khẳng định Đoàn kết là truyền thống quý báu

Di chúc Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn ở nhiều phương diện. Di chúc ngoài việc thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Người đối với toàn Đảng, toàn dân ta còn phản ánh những trăn trở, tâm nguyện của Người về một loạt những vấn đề hệ trọng của Đảng, của đất nước ta: sự đoàn kết trong Đảng, phát triển con người, phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội của đất nước mà theo Người "đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm"- những nhận định, trù liệu trên đến nay lịch sử đã kiểm chứng sự đúng đắn, ở góc độ khoa học lãnh đạo đó là minh chứng về năng lực nhìn xa, trông rộng hay tư duy lãnh đạo chiến lược, vươn tầm thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng - Ảnh 1.

Bút tích Bác Hồ qua bản Di chúc

Trong chỉ 1.000 từ của bản di chúc, Bác đã 7 lần nhắc đến từ Đoàn kết và khẳng định, đoàn kết là truyền thống quý báu của Đảng ta, dân tộc ta và cũng là tầm nhìn của Người trong việc khẳng định sự đoàn kết trong Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.

PGS,TS Nguyễn Thế Thắng cho biết: "Trong quá trình lãnh đạo nhân dân xây dựng và phát triển đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ Đảng biết dựa vào nhân dân thì việc gì, dù khó đến đâu cũng có thể làm được. Đảng đoàn kết được toàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng thì sức mạnh của nhân dân trở thành vô dịch. "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân".

Trong Di chúc, mở đầu phần nói về Đảng, Hồ Chí Minh đã chỉ ra tầm quan trọng của đoàn kết thống nhất trong Đảng đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam: "Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác".

50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng - Ảnh 2.

Những hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ

Do đó, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên từ Trung ương cho đến cơ sở đều phải có trách nhiệm thực hiện đoàn kết, thống nhất như một nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, đồng thời là một phẩm chất đạo đức cần có của mỗi cán bộ, đảng viên: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".

Trước hết nói về Đảng, Người tiên liệu trong mỗi "khúc quanh", mỗi bước ngoặt của cách mạng, sẽ có những yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra cho Đảng với tư cách là "Đảng cầm quyền". Do đó, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trước tiên đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta trở thành một đảng cầm quyền trong sạch vững mạnh. Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy". Đảng là người lãnh đạo, là "trí khôn", "là bàn chỉ Nam" dẫn dắt cách mạng nước ta đi đến thắng lợi. Chính vì vậy, phải thường xuyên chăm lo công tác xây dựng.

Các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh thu hút sự quan tâm của nhân dân và bạn bè quốc tế

PGS.TS.Trần Minh Trưởng- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Muốn làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, thì vấn đề đoàn kết trong Đảng phải đặt lên hàng đầu. Trong Di chúc, Người viết: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".

Hiện nay, bên cạnh việc duy trì truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng nói trên, Đảng ta cũng đã chỉ ra những những hạn chế khuyết điểm trong việc thực hiện đoàn kết. Vẫn còn có: "Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty". Một biểu hiện suy thoái đạo đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là: "Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành".

GS.TSKH. Vũ Minh Giang- Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam


Giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng hôm nay

Theo PGS.TS. Vũ Văn Phúc- Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Trung ương, trong tình hình đó, càng phải thực hiện nghiêm túc những định hướng của Hồ Chí Minh trong Di chúc về những biện pháp cơ bản nhằm thực hiện đoàn kết thống nhất trong Đảng. Đó là phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Dân chủ trên cơ sở tập trung, tập trung trên cơ sở dân chủ. Thường xuyên thực hiện tốt tự phê bình và phê bình trong Đảng. Đặc biệt là phải thực hiện những nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng đó trên cơ sở tình đồng chí thương yêu lẫn nhau: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau".

50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng - Ảnh 5.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và bút tích Di chúc của Người (ảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Đoàn kết thống nhất trong Đảng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải thật thà tự phê bình và phê bình, đây chính là một hình thức rèn luyện đảng viên để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Bởi theo Người: "Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa. Do tự phê bình và phê bình… mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ". Đây cũng là quy luật phát triển của Đảng, tự phê bình và phê bình là để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, để công việc được hiệu quả hơn, để đoàn kết và thống nhất trong nội bộ.

Để có sự đoàn kết thật sự, không chỉ cần thực hiện nguyên tắc, bản lĩnh, lý trí mà còn rất cần tình thương yêu, sự đồng cảm và chia sẻ với nhau.

"Để thực hiện đoàn kết thống nhất trong Đảng, Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Trong Di chúc, Người căn dặn "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng"

PGS.TS. Vũ Văn Phúc- Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Trung ương

Năm 1966, Người bổ sung vào bản Di chúc cụm từ "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Để có sự đoàn kết thống nhất thực sự thì bên cạnh tinh thần, lý trí, trong mỗi cán bộ, đảng viên phải có tình thương yêu đồng chí, có lòng nhân ái, nhân hậu. Trong thực hành công việc không chỉ là đặt ra yêu cầu hoàn thành công việc mà còn phải có sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành công việc. Vì vậy, để duy trì và bồi đắp đoàn kết thống nhất thì từng tổ chức Đảng bên cạnh việc phải chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, còn phải thường xuyên bồi dưỡng tình thân ái, tình thương yêu cảm thông chia sẻ, tình đồng chí./.

.