Nếu chia năm 2018 thành hai nửa theo thời gian thì 6 tháng đầu năm có thể xem là nửa năm 'êm đềm' hơn của giáo dục Việt Nam. Những sự việc xảy ra đến giờ mà nhiều người vẫn nhớ là sự việc cô giáo bắt học sinh quỳ rồi phụ huynh bức xúc bắt cô giáo quỳ lại, giáo viên lên lớp không giảng bài suốt bốn tháng, giáo viên bắt học sinh súc miệng bằng nước giẻ lau bảng ở Hải Phòng.
Cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 4.3 Trường Tiểu học Bình Chánh, tỉnh Long An, chính là cô giáo đã bắt học sinh trong lớp quỳ gối khiến sau đó, ngày 28/02, bốn phụ huynh đến trường để phản ánh cô Nhung ép học sinh quỳ gối là sai chuẩn mực sư phạm. Cô Nhung đã xin lỗi và Hiệu trưởng trường có mặt khi đó cũng đề nghị sẽ tìm hiểu rõ vụ việc, xử lý cô Nhung nhưng các phụ huynh đã không đồng ý và một phụ huynh buộc cô giáo này phải quỳ 40 phút trước mặt các phụ huynh học sinh và đồng nghiệp khác. Ngày 06/3, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị bảo vệ danh dự, uy tín của nhà giáo.
Sau đó không lâu, sáng 23/3, tại buổi gặp gỡ đối thoại với lãnh đạo Sở GDĐT TP. Hồ Chí Minh, học sinh Phạm Song Toàn (học sinh lớp 11A1, trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè) đã phản ánh giáo viên dạy Toán của lớp em đã không giảng bài, không nói chuyện mà chỉ chép bài lên bảng và giao bài tập về nhà cho học sinh suốt bốn tháng, các học sinh trong lớp tự học môn Toán. Sau khi nữ sinh này phản ánh, Sở đã kiểm tra và xác định, cô giáo dạy Toán của lớp này, là cô Trần Thị Minh Châu, đã có những sai phạm về chuyên môn, không thực hiện nhiệm vụ của một giáo viên. Sự việc đã khiến nữ sinh này phải chuyển trường do không chịu được áp lực từ ngay trong lớp học của mình.
Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt của học sinh khi nói về giáo viên lên lớp không giảng bài suốt bốn tháng (ảnh: VTV)
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A5 trường Tiểu học An Đồng, huyện An Dương, TP. Hải Phòng, tiếp tục là giáo viên khiến dư luận phẫn nộ khi bắt học sinh trong lớp mình dạy súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng do học sinh này nói chuyện riêng trong giờ học. Tìm hiểu nguyên do tại sao giáo viên này lại làm được một việc mà nhiều giáo viên không dám nghĩ đến như vậy thì được biết, cô giáo sinh năm 1993 là con của một Phó phòng GDĐT huyện An Dương, mới được nhận về trường giảy dạy và cũng không được tuyển dụng đúng quy trình mà được đưa vào dạy hợp đồng do có mẹ là lãnh đạo.
Tuy nhiên, sóng gió lớn trong giáo dục Việt Nam bắt đầu từ tháng 7/2018 mà những ồn ào bắt đầu từ hàng loạt gian lận, sai phạm trong thi cử liên tiếp bị phát hiện khiến Bộ GDĐT lập tức phải vào cuộc.
Gian lận, sai phạm trong thi cử chưa từng có trong lịch sử với những sai phạm cực kỳ nghiêm trọng xảy ra ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình cùng nhiều tỉnh thành cũng vào diện nghi vấn trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Tại Hà Giang, hơn 330 bài thi của 114 thí sinh đã được can thiệp chỉnh sửa điểm; tại Sơn La, kết luận sau khi xác minh những dấu hiệu bất thường đã chỉ ra 6 sai phạm lớn trong quá trình tổ chức thi, hàng chục bài thi được chỉnh sửa, phát hiện 42 bài Ngữ văn được nâng điểm, nhiều bài thi gốc đến giờ vẫn chưa thể khôi phục; tại Hòa Bình, gian lận thi cử xảy ra khi một số đối tượng sử dụng công nghệ cao để can thiệp vào bài thi dẫn đến sai lệch kết quả của các bài thi trắc nghiệm. Liên quan đến những sai phạm này, 11 đối tượng đang công tác trong ngành giáo dục bị khởi tố, bắt giam, đáng chú ý là trong số các đối tượng này có những người là lãnh đạo ngành giáo dục của địa phương đó. Trước áp lực của dư luận, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã phải nhận trách nhiệm khi để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng này.
Những hình ảnh ngày khai giảng năm học mới cũng khiến nhiều người chạnh lòng khi ở các thành phố lớn cờ hoa rợp trời thì vẫn còn hình ảnh học sinh vùng cao khai giảng bên suối, hình ảnh những lớp học đầy bùn đất do hậu quả của sạt lở, mưa lũ. Những nỗi lo của các bậc cha mẹ học sinh có con vào lớp 1 khi sĩ số lớp lên đến hơn 60 học sinh hay những tranh cãi về SGK Công nghệ giáo dục. Cùng đó là tình trạng lạm thu đầu năm học vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều trường học trên khắp cả nước dù Bộ GDĐT và các Sở GDĐT ngay đầu năm học mới đã có những văn bản yêu cầu chấn chỉnh tình trạng này.
Những áp lực sĩ số, áp lực trường lớp, áp lực thành tích… được xem là một trong những nguyên nhân khiến những cơn mưa "tát" đổ xuống đầu các học sinh. Ngay sau vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Thanh - giáo viên chủ nhiệm lớp 5/2 trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Tp. Hồ Chí Minh) dùng hình phạt đối với học sinh là những cái tát, đỉnh điểm là vào giữa tháng 10/2018, giáo viên này đã bắt phạt học sinh tự tát 32 cái vì nói chuyện trong lớp thì trước ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (trường THCS Duy Ninh, Quảng Bình) lại dùng hình phạt là những cái tát để phạt học sinh trong lớp, học sinh này sau khi bị các bạn trong lớp tát 230 cái thì chính cô giáo này tát thêm 1 cái khiến em phải nhập viện để điều trị. Đáng buồn là trong khi sự việc chưa lắng xuống thì ngay giữa Thủ đô Hà Nội, cô giáo Nguyễn Hà Trang - giáo viên chủ nhiệm lớp 2A5 trường Tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa) bị tố yêu cầu học sinh tát bạn 50 cái.
Cơn bão cuối năm dậy sóng ngành giáo dục chính là vụ việc Hiệu trưởng trường THPT nội trú Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ Đinh Bằng My bị tố lạm dụng tình dục hàng chục nam sinh của trường này trong thời gian dài. Sự việc xảy ra gióng lên hồi chuông báo động tình trạng lạm dụng học sinh trong trường học, không chỉ các học sinh nữ mà cả các học sinh nam cũng là đối tượng có những nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng. Đau lòng hơn cả, chính người lạm dụng là người lãnh đạo cao nhất - Hiệu trưởng Nhà trường, cũng chính người này chỉ vài tháng trước đó đã đứng trên bục rao giảng về phòng chống xâm hại trẻ em cho các học sinh trong trường.
Những sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng cũng đã có những kết luận và hình thức xử lý vi phạm, tuy nhiên, người dân và cả xã hội vẫn không khỏi lo lắng vì tình trạng xuống cấp của đạo đức nhà giáo, đạo đức xã hội. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh ảm đạm của giáo dục Việt Nam năm qua cũng có những mảng màu tươi sáng.
'Mùa Vàng bội thu' của các thí sinh Olympic Việt Nam khi thí sinh Việt Nam đoạt thành tích cao nhất tại các cuộc thi quốc tế và khu vực từ trước tới nay, được bạn bè thế giới đánh giá cao. Các học sinh Việt Nam đã đoạt 13 Huy chương Vàng; 15 Huy chương Bạc và 12 Huy chương Đồng. Những cái tên đã mang lại vinh quang cho đất nước như "Cô gái vàng" Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Ngọc Long, Trần Đức Huy, Nguyễn Quang Bin, Phạm Đức Thắng.
Lần đầu tiên Việt Nam có hai trường đại học lọt vào Top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới (theo xếp hạng của Quacquarelli Symonds- World University Rankings- Anh): ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội. Và lần đầu tiên 7 trường đại học Việt Nam lọt top các trường đại học hàng đầu Châu Á (cũng theo bảng xếp hạng QS) : ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường ĐH Cần Thơ, ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng.
Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học với nhiều điểm mới như: Xác định rõ hệ thống cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tiệm cận với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam nhưng không gây xáo trộn trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học hiện hành; tạo sự bình đẳng giữa cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục, thúc đẩy sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học tư thục; tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học. Tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học; đổi mới quản trị đại học, xác định mô hình cơ cấu tổ chức và cơ chế quản trị phù hợp với tính chất của từng loại hình cơ sở giáo dục để quản trị đại học được hiệu quả; trao thực quyền cho Hội đồng trường; đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.
Những ngày cuối cùng của năm 2018, sau nhiều lần lỡ hẹn thì Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng chính thức được Bộ GDĐT công bố hôm 27/12, chấm dứt những chuỗi ngày thấp thỏm của người dân về nỗi lo con em mình sẽ phải học chương trình mới như thế nào. Theo lộ trình, tới năm 2020 học sinh lớp 1 sẽ được học theo chương trình mới. Như vậy, chúng ta sẽ có hơn một năm học nữa để chuẩn bị mọi thứ cho chương trình này, từ con người, tài liệu, cơ sở vật chất và những phương án đảm bảo thành công cho công trình.
Trong sự cố gắng nỗ lực của toàn bộ hệ thống từ Chính phủ, các cấp Bộ, Ngành, cho tới người dân, trong lộ trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hy vọng bức tranh giáo dục Việt Nam trong năm 2019 sẽ là những gam màu tươi sáng bởi sự bứt phá và người dân Việt Nam sẽ có lại niềm tin vào những tư lệnh ngành, vào những giáo viên, vào những gì con em họ đáng được hưởng khi sinh sống và học tập trong một môi trường giáo dục lành mạnh.