Bác sĩ 9x bỏ thu nhập cao để lên biên giới, dành tiền lương và xin tiền mẹ để cứu người

Trang Trần | 27-05-2022 - 07:48 AM

(Tổ Quốc) - Chưa từng nghĩ sẽ tự bỏ tiền túi để hỗ trợ, cứu giúp bệnh nhân, nhưng bác sĩ trẻ đã dần thay đổi sau khi chứng kiến một câu chuyện đặc biệt.

Dương Minh Tuấn (SN 1991, Hà Nội) – hiện là bác sĩ tình nguyện tại bệnh viện đa khoa Minh Hoá, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình (vùng đất biên giới hai nước Việt – Lào). Không chỉ xứng danh "trai phố cổ chính hiệu", anh còn tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, là con của chủ một doanh nghiệp thành đạt và phát triển hơn 20 năm. Trước "profile khủng", quyết định bỏ phố lên biên giới của bác sĩ trẻ không khỏi khiến nhiều người bất ngờ. 

Từ bỏ mức lương cao gấp 6 lần ở thành phố vì… tò mò

Trước khi làm việc ở bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Dương Minh Tuấn từng công tác tại một bệnh viện tư nhân có tiếng ở TP. Hồ Chí Minh được 2 năm rưỡi. Được biết, lương khởi điểm của anh lúc bấy giờ đã hơn 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi biết được dự án kêu gọi bác sĩ trẻ về vùng sâu vùng xa, hải đảo do Bộ Y tế phát động, bác sĩ Tuấn đã không ngần ngại từ bỏ công việc lương cao, xin làm tại một bệnh viện công để đủ tiêu chí tham gia. Từ đây, bác sĩ trẻ mặc kệ mọi can ngăn, quyết tâm thực hiện mục tiêu đã đặt ra.

Bác sĩ 9x bỏ thu nhập cao để lên biên giới, dành tiền lương và xin tiền mẹ để cứu người - Ảnh 1.

Bác sĩ trẻ Dương Minh Tuấn.

Bác sĩ Tuấn cho biết lý do đưa ra quyết định táo là vì sự tò mò. Anh bộc bạch: "Tại sao lại chọn biên giới? Vì mình luôn thắc mắc những người bác sĩ đang công tác tại nơi khó khăn: Từ xưa đến nay họ đã làm như thế nào? Sống như thế nào để có thể giúp đỡ được bà con nơi đấy? Vì khi mình ở thành phố, có đầy đủ cơ sở vật chất, có máy móc, thiết bị, điện lực, con người… còn những nơi khó khăn như vậy thì vô cùng thiếu thốn. Mình rất tò mò với câu hỏi như thế, từ đó quyết tâm lên đường."

Cũng theo bác sĩ trẻ, anh đã có những trải nghiệm công việc ở nhiều nơi từ Hà Nội cho đến các tỉnh phía Nam. Và miền Trung, chính là nơi anh vẫn luôn hướng tới để tiếp tục con đường trải nghiệm.

Được biết, mức lương khởi điểm của anh tại vùng biên giới chỉ rơi vào khoảng hơn 3 triệu, thấp hơn 6 lần so với con số tại bệnh viện thành phố lớn. Tuy nhiên, lương không là vấn đề đối với vị bác sĩ trẻ, vì theo anh: "Mình mà quan tâm đến lương, mình đã không lên đây rồi. Chỉ biết đơn giản, chọn con đường này sẽ vất vả, khó khăn hơn mà thôi."

Nhớ lại thời điểm bắt điểm mới bắt đầu, anh Tuấn đã từng cảm thấy bị cô lập trong 3 tháng. Vì môi trường, văn hóa khá khác biệt; anh Tuấn phải nỗ lực rất nhiều để dần thích nghi: "Lúc đó mình cảm giác không ai hiểu mình. Và mình cũng chẳng hiểu được mọi người đang nghĩ gì."

Song những khó khăn không thể nào cản trở được nhiệt huyết của bác sĩ 9x. Đến nay, anh đã quen thuộc, hiểu được nhiều điều nơi đây từ người dân, bệnh nhân đến đồng nghiệp. Nhờ đó, anh cũng thường nói đùa: "Bây giờ người ta chửi mình bằng tiếng của họ, mình đều hiểu được hết."

Dành tiền lương và xin tiền mẹ để cứu người nhiều đến mức… không nhớ nổi

Chưa bao giờ có ý định bỏ tiền để hỗ trợ bệnh nhân, nhưng khi gặp được câu chuyện ý nghĩa, bác sĩ Dương Minh Tuấn đã không ngần ngại "quay xe".

Đó là khi anh gặp trường hợp bệnh nhân 44 tuổi bị hở van tim lâu năm. Vì hoàn cảnh khó khăn, nên gia đình gần như không thể đáp ứng được chi phí để phẫu thuật. Thấy vậy, anh Tuấn nảy ý tưởng muốn sử dụng sức ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội để kêu gọi một khoản tiền từ thiện. Kết quả, anh đã kêu gọi được 120 triệu đồng – một con số giúp bệnh nhân nọ được phẫu thuật trực tiếp tại TP. Hà Nội.

Ngày bệnh nhân được anh Tuấn kêu gọi giúp đỡ trở về nhà, quay lại với cuộc sống thường nhật, chính là khoảnh khắc khơi dậy hết lòng trắc ẩn ở vị bác sĩ trẻ. Bởi lẽ, anh cảm thấy hành động giúp đỡ được những người khó khăn, thiếu thốn đặc biệt thiêng liêng và ý nghĩa.

Bác sĩ 9x bỏ thu nhập cao để lên biên giới, dành tiền lương và xin tiền mẹ để cứu người - Ảnh 3.

Bác sĩ Dương Minh Tuấn cùng đồng nghiệp tại bệnh viện Đa khoa Minh Hóa nhân ngày Quốc Tế Điều Dưỡng 12/5.

Từ đó, bác sĩ Dương Minh Tuấn quyết định trích một khoản tiền lương mỗi tháng để góp vào quỹ từ thiện do chính anh lập ra. Khi gặp trường hợp bệnh nhân khó khăn, anh sẽ dùng số quỹ đó để hành động hỗ trợ, giúp đỡ.

Tuy nhiên, vì mức lương không cao, cộng thêm có nhiều trường hợp quá khẩn cấp nên bác sĩ trẻ thường xuyên phải "cầu cứu" mẹ. Anh cười tâm sự: "Mình gọi xin tiền mẹ nhiều đến mức mẹ mình bảo "mày nợ tao cả cuộc đời, tao quen lắm rồi"."

Cũng theo anh Tuấn, mẹ là người hiểu và ủng hộ mọi lựa chọn của anh nhất. Sau cú "sốc" bố mất vào đúng dịp tốt nghiệp, đã có những lúc anh muốn từ bỏ con đường làm bác sĩ để trở về tiếp quản doanh nghiệp bố để lại. Song vì hiểu được sự nỗ lực hơn 6 năm của con, mẹ anh đã động viên người con trai bước tiếp với niềm đam mê đã chọn.

Đến nay, con số mà bác sĩ Tuấn tích góp và giúp đỡ không thể đếm nổi. Mỗi lần nhận được tin các bệnh nhân đã khoẻ mạnh và có cuộc sống tốt hơn, anh không khỏi hạnh phúc.

Bên cạnh là một bác sĩ với chuyên môn nghề nghiệp cao, anh Dương Minh Tuấn còn là một tác giả, một người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Từ năm 2016 đến nay, anh đã ra mắt được 3 cuốn sách. Đặc biệt là cuốn "Sài Gòn và đại dịch" được xuất bản năm 2021, kể lại hành trình anh đã xung phong cùng đoàn bác sĩ Quảng Bình vào TP. Hồ Chí Minh tăng cường hỗ trợ chống đại dịch Covid-19 trong 3 tháng.

Thông qua sự giúp đỡ của huyện Đoàn, Mặt trận Tổ quốc, mọi doanh thu từ ba cuốn sách đều được anh dành tặng tới đúng những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Minh Hóa.

Hiện tại, bác sĩ Tuấn đã công tác tại biên giới được 2 năm 3 tháng. Trước khi trở về Hà Nội để phụng dưỡng mẹ già, anh đã và đang nỗ lực thực hiện những dự định còn dang dở. Gần nhất, anh đã có ý tưởng và muốn xây dựng sân chơi cho trẻ em trong bệnh viện, cùng một số dự án tình nguyện biên giới khác.

Trong khoảng 3 năm ấy, vị bác sĩ "rich kid" đã chiêm nghiệm và nhận được nhiều bài học đáng quý. Từ những câu chuyện của bệnh nhân, thực hiện những việc vốn không theo chuyên môn như đỡ đẻ, đứng phụ mổ phẫu thuật, điều trị cho bệnh nhân nhi… cho đến việc tự lên ý tưởng sáng chế vài đồ vật đơn giản khi bệnh viện thiếu thốn.

Bác sĩ Minh Tuấn tự nhận thấy tính cách của bản thân đã dần có sự thay đổi lớn. Giờ đây, anh đã điềm tĩnh hơn trong các mối quan hệ cũng như khi giải quyết các sự việc. Là một người có nhiều trải nghiệm, bác sĩ trẻ có những lời khuyên chân thành, sâu sắc: "Mình muốn mọi người sống lúc nào cũng nên hạnh phúc với lựa chọn của mình. Hãy dũng cảm bước ra khỏi vòng tròn an toàn của bản thân khi vẫn còn thời gian và có cơ hội. Để sau này không bao giờ phải hối tiếc…"

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Ngại đường xa, nắng nóng, nhiều người chọn vui hè tại gia với bầu không khí không khác gì Đà Lạt

Cuối tháng 3, người người, nhà nhà bắt đầu lên "plan" cho những chuyến đi chơi xa. Thế nhưng, ngán cảnh nắng nóng gay gắt kéo dài ở miền Nam hay thất thường "sáng nắng, chiều mưa" ở miền Bắc, năm nay, thay vì Đà Lạt, nhiều gia đình quyết định chọn địa điểm quen thuộc này làm điểm đến, vừa tiện nghi, mát mẻ, lại thoải mái bên nhau.