• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài học kinh nghiệm từ đối tác quốc tế và địa phương giúp thúc đẩy thương mại Việt Nam

Thế giới 13/12/2021 22:48

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế đang dần mở cửa sau đại dịch Covid-19, việc nhìn nhận đóng góp của hiệp hội doanh nghiệp các nước và thực tiễn phát triển kinh tế tại địa phương sẽ giúp tìm ra câu trả lời cho tiến trình phục hồi kinh tế đất nước.

Góc nhìn từ các đối tác

Trong thời gian qua, sự thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác cũng như những đóng góp tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong việc chủ động thúc đẩy đàm phán, ký kết và triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP... đã được tất cả bạn bè và đối tác công nhận và đánh giá cao.

Chia sẻ về Hiệp định thương mại tự do châu Âu-Việt Nam (EVFTA), ông Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, EVFTA mở ra một kỷ nguyên mới trong hợp tác thương mại Việt Nam-EU thông qua việc loại bỏ dần thuế quan và mở cửa thị trường. EVFTA sẽ loại bỏ gần như 99% dòng thuế, xoá bỏ các rào cản thương mại và hỗ trợ Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về khung pháp lý, tiêu chuẩn về môi trường và đầu tư. Đây thực sự là một thoả thuận đôi bên cùng có lợi.

Bài học kinh nghiệm từ đối tác quốc tế và địa phương giúp thúc đẩy thương mại Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham). Ảnh: VIR.

Về quan hệ với đối tác kinh tế hàng đầu là Mỹ, doanh nghiệp hai bên cũng đã có sự hợp tác từ hàng chục năm trước thông qua sự phát triển của Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ (Amcham) với các thành viên trải dài khắp các miền của Việt Nam, cũng như lập các văn phòng ở Hà Nội, TP. HCM, Huế và Đà Nẵng.

Tại châu Á, quan hệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nhiều đối tác tại các quốc gia lớn cũng liên tục được tăng cường. Chia sẻ về sự hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) Hong Sun cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, Hàn Quốc và Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Hiện tại, có khoảng 200.000 người Hàn Quốc sinh sống tại Việt Nam, cũng như có khoảng hơn 500 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Nhờ vậy, kim ngạch thương mại giữa hai nước từ vỏn vẹn 500 triệu USD năm 1992 dự kiến vượt qua 70 tỷ USD trong năm nay. Hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đạt được mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2023.

Tuy nhiên, để phát huy được hết tiềm năng của các quan hệ đối tác và hiệp định thương mại hiện tại, Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất nhiều điều cần làm. Đối với thị trường châu Âu, ông Minko đề xuất Việt Nam cân nhắc việc cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam-EU, tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính, nâng cấp cơ sở hạ tầng hậu cần và cải thiện kết nối vận tải của Việt Nam, và tìm hiểu toàn diện về sở thích và nhu cầu của người tiêu dùng châu Âu.

Đồng tình với nhận định trên, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ (AmCham) Virginia Foote cũng đề nghị Việt Nam đẩy nhanh quá trình xây dựng chính phủ điện tử, ngân hàng điện tử, giảm bớt thủ tục giấy tờ, đảm bảo hệ thống thuế và quy định, cũng như việc triển khai được thực hiện cẩn thận và hiệu quả. Bên cạnh đó, AmCham cũng chia sẻ sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam về các vấn đề như tạo thuận lợi thương mại, năng lượng và chuyển đổi kỹ thuật số trên toàn quốc, quan sát các xu hướng toàn cầu và tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với các địa phương ở Việt Nam.

Bài học từ địa phương

Trong bối cảnh dịch Covid-19, vượt lên tình hình khó khăn chung của toàn cầu, nhiều địa phương tại Việt Nam như Quảng Ninh và Bắc Giang vẫn ghi nhận kết quả phát triển kinh tế tích cực, trong đó có việc thu hút lượng đầu tư nước ngoài (FDI) đáng kể.

Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng, trong 11 tháng năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được 10 dự án FDI mới, điều chỉnh tăng vốn cho 4 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,156 tỷ USD, tăng 2,73 lần so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến đến hết năm 2021, thu hút FDI cấp mới và điều chỉnh trên địa bàn sẽ đạt khoảng 1,3 tỷ USD, tăng gần 2,5 lần so với cả năm 2020.

Theo thông tin của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn, trong năm 2021, Bắc Giang tiếp tục duy trì trong top 10 của cả nước với 20 dự án FDI thu hút mới với vốn đăng ký 637,5 triệu USD; 44 dự án FDI vốn đăng ký bổ sung 376 triệu USD (GRDP quý III tăng đạt 10,43%, quý IV tăng 14,1%). Số liệu này đã góp phần đưa GRDP cả năm của Bắc Giang tăng 7,82%, nằm trong top đầu của cả nước.

Bài học kinh nghiệm từ đối tác quốc tế và địa phương giúp thúc đẩy thương mại Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Tọa đàm “Gặp gỡ Đoàn Ngoại giao, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam”. Ảnh: Baoquocte.

Xuất phát từ những kinh nghiệm thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng đã tổng kết thành những giải pháp cụ thể là: Đề ra mục tiêu, định hướng rõ ràng, cụ thể cùng sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của lãnh đạo tỉnh; luôn kêu gọi các sở, ban, ngành phải tăng cường đoàn kết, trên dưới đồng lòng để tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành 2 năm qua; nhận được sự hỗ trợ, kết nối nhịp nhàng từ các nhà ngoại giao, các cơ quan đối ngoại trong và ngoài nước; luôn xác định, muốn thu hút được đầu tư cần phải có quy hoạch tốt, có nhà đầu tư tốt thì sẽ có tăng trưởng tốt; chú trọng công tác cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện, mọi lúc mọi nơi, từ trước đầu tư, trong đầu tư và sau đầu tư và phát triển các dự án chiến lược về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh.

Về phía Bắc Giang, chính sự nỗ lực và hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền tỉnh và các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cũng như sự đồng hành, quan tâm của tỉnh tới lợi ích của doanh nghiệp, sự chia sẻ của doanh nghiệp với những khó khăn với địa phương đã giúp tất cả các bên vượt qua những khó khăn. Từ đó phấn đấu đưa tỉnh Bắc Giang tiếp tục là điểm đến an toàn và thành công của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ