• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài học từ Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vẫn còn nguyên giá trị

Thời sự 03/09/2021 14:02

(Tổ Quốc) - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9 đã để lại cho Đảng và nhân dân Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, làm phong phú thêm hệ thống lý luận của cách mạng Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bài học từ Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vẫn còn nguyên giá trị - Ảnh 1.

Hình ảnh những ngày Tháng Tám lịch sử ở Hà Nội... (Ảnh: hochiminh.vn)

Dựa vào nhân dân để vượt qua mọi khó khăn

Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học. Trong đó có bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào nhân dân làm nên thắng lợi, vượt qua mọi khó khăn.

Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Việt Nam đã từng đánh thắng những đế quốc lớn bằng nghệ thuật quân sự Việt Nam, bằng chiến tranh nhân dân Việt Nam, bằng truyền thống quật cường của nhân dân Việt Nam từ ngàn đời: "Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn/Lấy trí nhân thay cường bạo".

"Các trận đánh như Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh đã nói lên sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Đó là những đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân" - Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói.

Cũng theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, trong tình hình hiện nay không chỉ có dịch bệnh, thiên tai cũng thế, đều rất khủng khiếp. Chúng ta vận dụng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác dân vận: "Dễ trăm lần, không dân cũng chịu. Khó vạn lần, dân liệu cũng xong" để một lần nữa khẳng định sức mạnh của lòng dân. Và có sự đoàn kết, giúp sức của nhân dân chắc chắn, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đi tới thắng lợi.

Bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn còn nguyên giá trị

Theo PGS.TS Lê Quốc Lý - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 76 năm trôi qua, những bài học quý báu của Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Sau 35 năm đổi mới, bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã đưa thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, việc phát huy bài học về tinh thần đại đoàn kết để chiến thắng đại dịch càng cần được phát huy.

Theo PGS.TS Lê Quốc Lý, qua nghiên cứu cho thấy, trong những ngày tiến hành Cách mạng tháng Tám 1945, đại bộ phận các tầng lớp nhân dân Việt Nam nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ đường lối cách mạng và kiên quyết đi theo Đảng, đánh đổ đế quốc, phong kiến, giải phóng dân tộc. Sức mạnh "dời non, lấp biển" mà Đảng ta có được trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 chính là từ sức mạnh của nhân dân và cũng chính điều này đã khiến cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành được thắng lợi mau chóng trên cả nước.

"Trong Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta đã thực hiện nhuần nhuyễn tinh thần đoàn kết dân tộc và đảm bảo lợi ích cho người dân. Thời điểm đó chúng ta đã phá kho thóc của Nhật và cứu đói cho người dân, sau đó hàng loạt các hoạt động tương thân, tương ái vì người nghèo…Còn biểu hiện của ngày hôm nay đó chính là sự quan tâm đến người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay" - PGS.TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh.

Nhìn từ bài học của Cách mạng Tháng Tám, bên cạnh với sức mạnh từ sự đoàn kết, một trong những yếu tố giúp chúng ta thành công đó chính là sự sáng tạo. Sáng tạo từ Trung ương đến địa phương, từ lãnh đạo cấp cao đến lãnh đạo cấp cơ sở đã sáng tạo để hành động trong những hoàn cảnh cụ thể.

"Ngày nay chúng ta cũng cần phát huy tinh thần sáng tạo của các tổ chức Đảng, của chính quyền, các đoàn thể và của nhân dân để tìm ra cách xử lý hay nhất, hợp lý nhất để chống được dịch, đồng thời phát triển được kinh tế để đảm bảo đời sống của nhân dân một cách tốt nhất", PGS.TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh./.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ