Bài tập điền thành ngữ của học sinh tiểu học vượt xa trí tưởng tượng thông thường: Đọc đến câu thứ 3 mà cười muốn nội thương

(Tổ Quốc) - Cái khó ló cái khôn các anh chị ạ. Khả năng sáng tạo của học sinh tiểu học đúng là "không phải dạng vừa đâu".

Trí sáng tạo sẽ thúc đẩy khả năng giải quyết vấn đề, đổi mới hay khám phá ra những lĩnh vực mới lạ. Và với học sinh tiểu học, trong việc làm... bài kiểm tra tiếng Việt, đôi khi sáng tạo còn giúp trình văn học hài hước của học sinh được nâng lên tầm cao mới. Không tin cứ xem bài làm của học sinh sau đây.

Với yêu cầu: Trao đổi, điền nhanh từ thích hợp vào chỗ trống để hoàn chỉnh những câu tục ngữ, thành ngữ dưới đây, học sinh này đã "trả về" kết quả khiến cô giáo cũng sang chấn tâm lý, dân tình thì cười như được mùa. Thay vì điền thành: Kề vai sát cánh/ Lá lành đùm lá rách/ Tình làng nghĩa xóm/ Kính trên nhường dưới, em này đã viết thành:

- Kề DƯỚI sát cánh.

- Lá lành VAI lá rách.

- Tình làng ĐÙM xóm.

- Kính trên nhường NGHĨA.

Bài tập điền thành ngữ của học sinh tiểu học vượt xa trí tưởng tượng thông thường: Đọc đến câu thứ 3 mà cười muốn nội thương - Ảnh 1.

Đọc hết bài mới thấy quả là học trò vẫn cứ là học trò, dù lớn dù nhỏ thì vẫn luôn khiến thầy cô bất ngờ hết lần này đến lần khác vì sự sáng tạo vô biên của mình: "Đúng là quái vật văn học, thần đồng ngôn ngữ, vị thần của con chữ... tôi đọc mà cười không nhặt được mồm"; "Lại nhớ cháu mình bị yêu cầu đặt câu với từ "đỡ đần" thế là nó viết "Nhờ học hành chăm chỉ nên tôi đỡ đần hơn"; "Đọc câu "tình làng đùm xóm" cười một lúc mà quên mất luôn câu gốc"...

Còn đây, một "tác phẩm" khác cộp mác học sinh tiểu học cũng "bá đạo" không kém.

Bài tập điền thành ngữ của học sinh tiểu học vượt xa trí tưởng tượng thông thường: Đọc đến câu thứ 3 mà cười muốn nội thương - Ảnh 2.

Cái khó ló cái khôn các anh chị ạ. Khả năng sáng tạo của học sinh tiểu học đúng là "không phải dạng vừa đâu".

Theo định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học - Nhà xuất bản Đà Nẵng -1977 thì:

"Thành ngữ là tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa của nó thường không thể giải thích được một cách đơn giản bằng nghĩa của các từ tạo nên nó". Thí dụ: Một nắng hai sương/ Rán sành ra mỡ/ Đâm ba chẻ củ.

"Tục ngữ là câu ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết tri thức, kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân". Thí dụ: Đói cho sạch, rách cho thơm/ Một giọt máu đào hơn ao nuớc lã/ Thừa người nhà mới ra người ngoài...

Với người lớn, việc điền thành ngữ, tục ngữ đôi khi không có gì khó khăn. Nhưng trẻ tầm tuổi tiểu học vô cùng hiếu động, lại toàn học trước quên sau nên cứ dạy vài hôm lại quên hết kiến thức, thậm chí còn nói một đằng suy diễn một nẻo. 

Bố mẹ có thể nhẹ nhàng giảng giải hoặc lồng ghép thành ngữ để dạy con qua các tình huống hàng ngày. Những câu thành ngữ, ca dao tục ngữ có nhịp điệu nghe vui tai sẽ được não bộ của trẻ ưu ái, nhớ nhanh hơn. Đừng vội vã chê bai, trêu chọc khiến con nản chí và thui chột sáng tạo nhé!

Bài tập điền thành ngữ của học sinh tiểu học vượt xa trí tưởng tượng thông thường: Đọc đến câu thứ 3 mà cười muốn nội thương - Ảnh 3.

Hiểu Đan

Tin mới