• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo Hongkong: Nhiều bệnh viện Mỹ đang vật lộn với thiếu thốn trong cuộc chiến chống Covid-19

Thế giới 07/04/2020 13:55

(Tổ Quốc) - Các cơ sở y tế ở các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn của Mỹ đang phải đối mặt với sự tính toán đầy khó khăn khi Covid-19 tiếp tục lan rộng, theo tờ SCMP của Hongkong.

Một thư viện ở Thành phố Salt Lake đang tìm cách làm ra những tấm chắn mặt được in 3D. Các y tá và trợ lý y tế ở Minnesota và Arizona đang được yêu cầu nghỉ việc không được trả lương vì doanh thu giảm. Các chuyên gia y tế ở Colorado đang chuẩn bị phải đưa ra lựa chọn xác định ai trong số những bệnh nhân Covid-19 mà họ cảm thấy có hi vọng sống.

Thiếu trầm trọng các thiết bị y tế

Trên khắp nước Mỹ, các bệnh viện và cộng đồng dân cư đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất khi các trường hợp nhiễm virus corona gia tăng ở mọi tiểu bang.

Một cơ quan giám sát liên bang đã thông tin hôm thứ Hai rằng 3/4 trong số 323 bệnh viện mà họ khảo sát đang phải điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona. Báo cáo của cơ quan này cũng vẽ ra một bức tranh ảm đạm khi có 1 loạt các vấn đề trầm trọng như không đủ số lượng giường, thiết bị xét nghiệm và thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE).

Báo Hongkong: Nhiều bệnh viện Mỹ đang vật lộn với thiếu thốn trong cuộc chiến chống Covid-19 - Ảnh 1.

Một thông báo đóng cửa tại Trung tâm điều trị khu vực Fairmont tại Fairmont, West Virginia ngày 19/3. Ảnh: AP.

Trò chuyện với tờ The Nevada Independent, các nhân viên y tế đã mô tả thực tế của nhiều bệnh viện hiện nay: hành lang bệnh viện im lặng khi những người đến khám có tâm trạng buồn bã, các quy trình khám bệnh bị trì hoãn và nhiều bệnh nhân bị cách ly.

Trong bối cảnh im ắng chưa từng thấy này, đang có mối lo ngại gia tăng giữa các y tá và nhân viên chăm sóc sức khỏe rằng họ sẽ không có đủ vật tư để điều trị cho bệnh nhân của họ và giữ an toàn cho bản thân.

"Vô cùng thiếu chuẩn bị", một y tá ở miền nam Nevada nói và xin giấu tên.

Liệu tôi có đủ khẩu trang hôm nay không?", một người chăm sóc sức khỏe tại một bệnh viện Las Vegas tự đưa ra câu hỏi. "Tôi sẽ phải đeo khẩu trang cả ngày cho dù nó có bị bẩn hay không? Liệu hôm nay sẽ như thế nào?"

Đó cũng là điều quan chức truyền thông cấp cao của Hiệp hội Bệnh viện Hoa Kỳ Alicia Mitchell lo ngại.

"Không ngày nào trôi qua mà chúng tôi không nghe thấy sự lo ngại từ các bệnh viện và hệ thống y tế trên cả nước về tình trạng thiếu PPE cho những người chăm sóc tiền tuyến anh hùng của họ", bà nói với Đài phát thanh công cộng quốc gia.

Nỗ lực và những kịch bản khốn khó

Tại Thư viện Willard Marriott của Đại học Utah, các thủ thư đang làm việc với các cơ quan y tế địa phương để sản xuất 300 tấm che mặt y tế mỗi ngày.

"Khi chúng tôi lần đầu tiên bắt đầu phát triển chương trình in 3D của mình vào năm 2013, chúng tôi không biết quy mô mà chương trình của chúng tôi sẽ mở rộng như thế nào và một ngày nào đó chúng tôi sẽ đóng vai trò ra sao để cứu lấy nhiều mạng sống", người đứng đầu thư viện trường cho biết trong một bản tin trực tuyến.

Trong khi đó, các sản phẩm khác cũng đang được xúc tiến sản xuất để đối phó với các tình huống nghiêm trọng mà tấm che mặt không giải quyết được.

Tại Colorado vào Chủ nhật, Ủy ban ứng phó dịch bệnh khẩn cấp đã kêu gọi tiến hành một cuộc họp kéo dài gần ba giờ với 19 thành viên tham gia từ xa, từ nhà và văn phòng của họ.

Họ thảo luận về các lựa chọn mà họ đều hi vọng không bao giờ cần phải đưa ra: làm thế nào để quyết định ai sẽ được điều trị cứu sống nếu virus lây lan khắp các bệnh viện bang.

Trong hoàn cảnh hiện tại, các chuyên gia cảnh báo rằng Colorado phải sẵn sàng đình chỉ các quy trình ra quyết định bình thường của bệnh viện để tiến tới thực hiện "tiêu chuẩn chăm sóc khủng hoảng" – phân chia các ưu tiên điều trị dựa trên tình trạng bệnh khi họ nhập viện, điều kiện bệnh lí nền và thời gian sống họ còn.

Tại Minnesota, số người chết vì virus corona đã tăng lên 24 người vào cuối tuần qua. Tuy nhiên, Fairview Health Services - một trong những hệ thống y tế lớn nhất của bang đã yêu cầu các học viên y tá và trợ lý bác sĩ nghỉ một tuần không được trả lương, bắt đầu vào thứ Hai này. Các quan chức của Fairview đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Star Tribune ở Minneapolis về việc bị giảm đáng kể doanh thu khi không tiến hành việc khám chữa các bệnh chưa cấp thiết khác.

Việc dừng các ca phẫu thuật và quy trình chữa các bệnh chưa cấp thiết cũng đã khiến các cơ sở y tế trên cả nước cảm thấy khó khăn. Tại Arizona, một bệnh viện nhỏ ở phía nam thành phố Tucson đã thông báo vào cuối tuần qua rằng họ đang trên bờ vực đóng cửa vì áp lực tài chính do virus corona gây ra.

Bệnh viện khu vực Santa Cruz Valley có 49 giường phải tuân theo lệnh của bang để tăng số lượng giường thêm 50% trong khi dòng thu nhập của họ cạn kiệt.

Chúng tôi cần sự cứu trợ về kinh tế để duy trì hoạt động, Giám đốc điều hành của bệnh viện, nói với tờ The Arizona Republic. "Có vấn đề về doanh thu. Tất cả các bệnh viện sẽ cần cứu trợ kinh tế, rất sớm thôi".

Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Iowa, Kirk Norris, đã cảnh báo rằng nhiều cơ sở thành viên của ông không thể sống sót sau đại dịch khi không có tiền hỗ trợ từ chính phủ.

Những bệnh viện cộng đồng này cần tiền mặt ngay bây giờ, ông nói. Họ cần phải giữ nhân viên làm việc. Họ cần phải mở cửa. Và bạn không thể đình chỉ một nửa lực lượng lao động của chúng tôi".

Tình hình tương tự đang diễn ra trên khắp vùng nông thôn Mỹ.

Tuần trước, vào ngày bệnh nhân nhiễm virus corona đầu tiên được nhập viện, CEO của bệnh viện Three Rivers ở vùng nông thôn của bang Washington biết rằng cơ sở này chỉ còn hoạt động được chín ngày trước khi hết tiền để trả cho nhân viên và phải đóng cửa.

Trong quá trình đại dịch lây lan, ít nhất bốn bệnh viện ở nông thôn đã đóng cửa: hai ở West Virginia, một ở Wellington, Kansas và một ở Carrollton, Alabama.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ