Bão số 4 tăng 2 cấp trong một ngày, "có thể đánh chìm tàu thuyền khi vào bờ"

B. Bình | 27-09-2022 - 10:36 AM

(Tổ Quốc) - "Khi vào bờ bão sẽ giảm 1-2 cấp, còn cấp 13-14 nhưng có thể đánh chìm tàu thuyền", chuyên gia khí tượng nhận định về cơn bão số 4.

Bão áp sát, từ chiều tối nay, gây mưa rất to ở đất liền

Trung tâm khí tượng thuỷ văn Trung ương vừa phát tin nhanh về cơn bão số 4 cho biết, vào hồi 9 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão nằm khoảng 15.3 độ Vĩ Bắc; 111.8 độ Kinh Đông, đang lao nhanh với tốc độ 20-25 km/giờ, áp sát rất gần vùng biển các tỉnh Trung Trung Bộ với ức gió mạnh nhất: cấp 14-15 (150-183 km/giờ), giật cấp 17.

Bão số 4 tăng 2 cấp trong một ngày, "có thể đánh chìm tàu thuyền khi vào bờ" - Ảnh 1.

Vị trí Ảnh chụp mây vệ tinh cơn bão sáng 27/9. Nguồn: NCHMF

Từ tối nay, ven biển Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15. Khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12-13; Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10.

Từ sớm mai, hai tỉnh Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai bắt đầu chịu ảnh hưởng của gió bão tăng từ cấp 6 đến 8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.

Hôm nay và ngày mai, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum dự báo mưa 300-400 mm, có nơi trên 450 mm. Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 300 mm. Từ ngày mai, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và nam đồng bằng Bắc Bộ.

Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 10 khoảng 300km, vùng có gió mạnh cấp 12 khoảng 100km xung quanh mắt bão.

Các trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 4 có cường độ trên cấp 13, giật 17 khi vào gần bờ biển miền Trung.

Bão số 4 tăng 2 cấp trong một ngày, "có thể đánh chìm tàu thuyền khi vào bờ" - Ảnh 2.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức họp trực tuyến thảo luận về diễn biến cơn bão gần Biển Đông Noru. Ảnh: Ảnh: VGP

Ông Khiêm cũng nhận định, đây là một cơn bão rất mạnh, dự báo là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Bộ. Mức độ ảnh hưởng có khả năng tương đương đến cao hơn cơn bão Xangsane năm 2006 - cơn bão từng gây ra gió mạnh cấp 13, giật cấp 14 khi đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam khiến 76 người chết và mất tích, 532 người bị thương, gần 350.000 căn nhà bị đổ, hư hại, gần 1.000 tàu thuyền bị chìm và hư hại.

 Thủ tướng họp khẩn ứng phó bão số 4: Bảo vệ tính mạng, tài sản, di sản, sinh kế của người dân 

Sáng ngày 27-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến về ứng phó khẩn cấp với bão số 4 (bão Noru) – một trong những cơn bão lớn nhất ảnh hưởng tới nước ta những năm qua.  

Cuộc họp đang được kết nối trực tuyến tới 8 địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng chịu ảnh hưởng của bão: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum; 88 quận, huyện, thị xã; 1.155 xã, phường, thị trấn.

Bão số 4 tăng 2 cấp trong một ngày, "có thể đánh chìm tàu thuyền khi vào bờ" - Ảnh 3.

Thủ tướng nhấn mạnh: Phải có phương án giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản, di sản, điều kiện, sinh kế của người dân; phải bảo vệ tính mạng, tài sản người dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ bởi "phòng hơn chống" - Ảnh: VGP

Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cơn bão Noru đang đổ bộ vào nước ta, tập trung vào khu vực miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Định, dự báo gió mạnh cấp 13, giật cấp 15, 16, mạnh tương đương bão số 6 - Xangsane đổ bộ vào miền Trung tháng 10-2006, gây thiệt hại, ảnh hưởng nặng nề.

Qua theo dõi, đánh giá cho thấy các tỉnh đã triển khai tốt công điện 855 của Thủ tướng Chính phủ, song Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần rà soát lại công tác phòng, chống bão vì sau bão thường có áp thấp, mưa to, gây sạt lở.

Chúng ta vừa phải nghiên cứu, theo dõi, chống đỡ với bão, vừa phải chống đỡ với hoàn lưu sau bão, nhất là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Vì vậy, cuộc họp trực tuyến đến các tỉnh, xã phường, gắn với bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân lên trên hết, nhất là đối với bà con ngư dân đi đánh bắt xa bờ.

Với tinh thần "phòng hơn chống", phải kêu gọi bà con ngư dân ở khu vực chịu ảnh hưởng của bão vào bờ, không ra khơi đánh bắt hải sản trong những lúc này.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm hồ đập, lồng bè nuôi thủy hải sản, vấn đề sạt lở; cần phải dự báo sát diễn biến, sơ tán kịp thời nhân dân đến nơi an toàn, trong đó quan tâm an toàn các cháu học sinh; quan tâm bảo vệ phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới… do đó phải có các phương án, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản, bền vững an toàn di sản, sinh kế của người dân.

Tâm bão mất đối xứng, có thể vào Quảng Nam - Quảng Ngãi nhưng rìa Bắc ảnh hưởng nặng hơn

Nhận định tại cuộc họp trực tuyến, ông Trần Hồng Thái, tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho biết đến sáng nay bão đã tăng 2 cấp lên cấp 14. Lúc 7h ngày 27-9, bão đang cách đất liền Đà Nẵng khoảng 350km về hướng Đông, bán kính gió lên tới hơn 100km.

"Chúng tôi nhận định tâm bão mất đối xứng, phía Bắc sẽ mạnh hơn phía Nam. Dự báo tâm bão vào 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi nhưng do tâm bão mất đối xứng nên rìa phía Bắc tâm bão sẽ ảnh hưởng nặng. Khi vào bờ bão sẽ giảm 1-2 cấp, còn cấp 13-14 nhưng có thể đánh chìm tàu thuyền" - Tuổi trẻ ghi lời ông Thái.

Theo ông Thái, có thể rìa phía Bắc tâm bão chênh hơn phía Nam 1-2 cấp gió. Do rìa bão rất lớn nên tác động sớm và lớn đến đất liền. Ví dụ nếu sáng 28-9 bão mới đổ bộ thì tối 27-9 đã bị ảnh hưởng vì bão quá lớn.