(Tổ Quốc) - Trong những năm qua, việc phát huy các giá trị văn hóa vật thể phi vật thể luôn được cán bộ và nhân dân huyện A Lưới đồng tình hưởng ứng tốt, thể hiện rõ giá trị bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số ở các lĩnh vực.
Huyện A Lưới có diện tích tự nhiên 1.148,5 km2, là huyện miền núi biên giới nằm phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổng số hộ dân là 14.051 hộ, 53.034 khẩu với 28 dân tộc anh em đang sinh sống, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 77,5%. Các dân tộc chính sinh sống tại A Lưới có: Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, Kinh… đã tạo nên một nền văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc.
Trong 2 năm qua, Đề án số 08/ĐA-UBND, ngày 08/7/2021 của UBND huyện A Lưới về "Bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2021- 2025 tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án) được triển khai thực hiện đã tạo điều kiện thuận lợi để bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số A Lưới.
Đặc biệt, là bảo tồn kiến trúc, hoa văn, họa tiết, trang trí nhà Târ Đah, Roong, Gươl và không gian làng truyền thống; bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội, nghi thức, nghi lễ truyền thống tiêu biểu; phát huy tối đa các nghề truyền thống, dân ca, dân nhạc, dân vũ; ẩm thực; các tri thức văn hóa dân gian… nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào; tạo ra một không gian văn hóa để người dân và du khách có thể trải nghiệm, học tập và nghiên cứu.
Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường. Giao lưu và hợp tác về văn hóa được mở rộng, góp phần tích cực vào việc phát triển đời sống văn hóa của người dân trên địa bàn huyện. Từng bước xây dựng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc trưng để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, vùng đất và con người A Lưới đến bạn bè trong nước và quốc tế. Đảm bảo mối quan hệ hài hòa, giữa bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội.
UBND huyện A Lưới cho biết, thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền, phổ biến các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án đến nhiều đối tượng thông qua nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, như: Tuyên truyền trực quan qua các băng rôn, khẩu hiệu; tuyên truyền lồng ghép qua các phong trào văn hóa văn nghệ, hoạt động thể dục thể thao; tuyên truyền qua các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự trên hệ thống loa phát thanh, qua các bài viết trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, UBND huyện…
Kịp thời tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương, tỉnh, huyện về bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời triển khai lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội, các cuộc vận động, các phong trào hoạt động thực tiễn phong phú và đa dạng như phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"…
Qua đó, đã cổ vũ, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà; huy động được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.
Xác định văn hóa là nhân tố quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Trong 2 năm qua, Phòng VHTT huyện A Lưới (cơ quan thường trực) đã luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, chú trọng đến việc kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án, huyện cũng đã thành lập Ban chỉ đạo, trong đó, Phó Chủ tịch UBND huyện là Trưởng ban; Trưởng phòng VHTT là Phó Trưởng ban Thường trực; Đại diện lãnh đạo của các ban Đảng, các phòng, ban cấp huyện và các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của Ban chỉ đạo, nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện.
Qua triển khai thực hiện đề án, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới đã đạt được nhiều kết quả hết sức thiết thực. Cụ thể, về văn hóa vật thể: Đã xây dựng 1 Làng văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới tại xã Hồng Thượng; Hình thành thêm 3 Làng văn hóa du lịch (Làng du lịch sinh thái cộng đồng A Lin; Làng du lịch cộng đồng A Roàng 2; HTX du lịch Hồng Hạ); Khôi phục, bảo tồn kiến trúc, hoa văn, họa tiết trang trí nhà Gươl truyền thống của dân tộc Cơ Tu tại xã Hồng Hạ; Khôi phục, bảo tồn kiến trúc, hoa văn, họa tiết trang trí khu nhà Piing truyền thống của 29 dòng họ...
Ngoài ra, địa điểm chiến thắng Đồi A Bia đã được Bộ VHTTDL nâng xếp hạng thành di tích lịch sử cấp Quốc gia; huyện đã mở được 1 lớp truyền dạy chế tác cây Nêu tại xã Quảng Nhâm với 4 nghệ nhân truyền dạy và 11 học viên tham gia học tập, hoàn thiện 2 tác phẩm cây Nêu của 2 dân tộc Pa Cô và Tà Ôi; Xây dựng 1 mô hình trải nghiệm, tìm hiểu nghề dệt Dèng dân tộc Tà Ôi ở thôn Pa ris – Ka Vin, xã Lâm Đớt; Xây dựng đề cương trưng bày, sắp xếp, bố trí các hiện vật văn hóa, hiện vật - kỷ vật chiến tranh tại Nhà trưng bày Trung tâm sinh hoạt cộng đồng các dân tộc huyện; Tổ chức phục dựng, mở lớp truyền dạy, giới thiệu quảng bá nghề Gốm cổ – Noq truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới phục vụ phát triển du lịch; Tổ chức truyền dạy nghề điêu khắc thủ công mỹ nghệ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới; xây dựng mô hình vườn tượng theo 3 chủ đề (Lễ hội A Da Koonh, nghề dệt Dèng và hoạt động sinh hoạt hàng ngày).
Về văn hóa phi vật thể, huyện A Lưới đã tổ chức tái hiện thành công Lễ hội A Da Koonh sân khấu hóa tại buổi Lễ công bố Quyết định "Lễ hội A Da Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia"; tổ chức điểm lồng ghép Lễ hội A Da truyền thống trong dịp ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm; tổ chức "Đêm Hội A Da Koonh"; tái hiện tục Đi sim (Pộc Xu) tại điểm du lịch xã Hồng Hạ và Chợ phiên vùng cao A Lưới; Tái hiện Nghệ thuật Tắm Tiên tại Làng du lịch công đồng sinh thái A Nôr; tái hiện Lễ hội Mừng Nhà mới - A Riêu Ngọi Đung tại Chợ phiên vùng cao A Lưới; Nghi thức cúng dâng Dèng dân tộc Tà Ôi; Lễ Cưới truyền thống của người Pa Cô; Lễ hội Âr Pục…
Huyện cũng chỉ đạo UBND xã Trung Sơn tổ chức Lễ hội A Riêu Piing các dòng họ A Đeeng Par Lieng 1 và A Đeeng Par Lieng 2; A Riêu Car 29 dòng họ A Niêng Lê Triêng 1 và A Niêng Lê Triêng 2. Các Nghệ nhân già làng, thực hiện tốt tham gia Triển lãm, thao diễn nghề dệt Dèng tại sự kiện "Một số dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam và nghề thủ công truyền thống Huế" Triển lãm "Nét đẹp văn hóa truyền thống A Lưới qua nghệ thuật ký hoạ", Hội thảo "Kết nối Việt Nam" lần thứ 14 tại Huế. Tổ chức thành công Ngày hội Vùng cao A Lưới năm 2022…
Bên cạnh đó, huyện A Lưới cũng đã tổ chức nghiên cứu, sưu tầm được: 38 câu tục ngữ, 60 câu đố, 101 câu ca dao của các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi và Cơ Tu; 123 món ẩm thực của các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu; 37 lễ hội và phong tục tập quán, cúng bái truyền thống khác của các dân tộc thiểu số huyện A Lưới; biên tập, biên soạn, dịch thuật bằng song ngữ Pa Cô -Việt, Tà Ôi - Việt và Cơ Tu - Việt các nội dung, ý nghĩa, quy trình tổ chức các lễ hội truyền thống tiêu biểu. Mở 2 lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc Pa Cô tại Làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr và A Roàng 2; Nghiên cứu, sưu tầm, biên tập, biên soạn, dịch bằng song ngữ tiếng Việt – Pa Cô, Việt – Tà Ôi, Việt – Cơ Tu sự tích các dòng họ của đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới…
Các đoàn nghệ nhân, dân tộc Tà Ôi, Pa Cô của huyện A Lưới cũng được thành lập, tham gia tái hiện các lễ hội truyền thống và sinh hoạt hàng ngày tại Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam; Phát hành quyển Cẩm nang 100 món ăn truyền thống nơi miền cao A Lưới; Tổ chức thành công Liên hoan ẩm thực truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới năm 2022. Văn hóa ẩm thực hiện nay đang được người dân bảo tồn và phát huy trong các dịp lễ, Tết như: lễ hội A Riêu A Da, A Riêu Piing, A Riêu Car, lễ cưới và giới thiệu, phục vụ thực khách tại các điểm du lịch, homestay, các nhà hàng trên địa bàn huyện. Đồng thời giới thiệu quảng bá tại các cuộc Liên hoan ẩm thực do huyện, tỉnh và trung ương tổ chức.
Theo UBND huyện A Lưới, trong 2 năm vừa qua, việc phát huy các giá trị văn hóa vật thể phi vật thể luôn được cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng tốt, thể hiện rõ giá trị bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc ở lĩnh vực Lễ hội truyền thống, chương trình nghệ thuật, hội thi Ẩm thực, trong việc cưới, việc tang, di tích lịch sử cách mạng…
Để tiếp tục thực hiện thành công Đề án của UBND huyện A Lưới về "Bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2021- 2025 tầm nhìn đến năm 2030", trong thời gian tới, huyện A Lưới cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ như: Về cơ sở vật chất, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, xây dựng Làng văn hóa du lịch các dân tộc A Lưới; nhà sàn truyền thống tại các địa phương. Trong đó, đến năm 2025 hoàn thành công tác quy hoạch, đến năm 2030 cơ bản thực hiện được 70%. Bố trí nguồn lực hỗ trợ, nâng cấp 1 nhà Moong dân tộc Pa Cô tại làng A Năm, xã Hồng Vân; 1 nhà Gươl dân tộc Cơ Tu ở thôn Giông, xã Hương Nguyên và 1 nhà Roong thôn Diên Mai, xã A Ngo.
Về văn hóa vật thể, hoàn thiện quy hoạch xây dựng không gian làng văn hóa du lịch các dân tộc A Lưới; mô hình bảo tồn các loại giống cây trồng, các loại cây nguyên liệu sử dụng trong các công đoạn dệt Dèng. Triển khai mô hình bảo tồn các loại giống cây trồng truyền thống như: lúa nếp, dược liệu, gia vị, nguyên liệu chế biến ẩm thực, các loại cây nguyên liệu sử dụng trong các công đoạn dệt Dèng. Đẩy mạnh công tác vận động nhân dân sưu tầm, hiến tặng các hiện vật văn hóa, hiện vật - kỷ vật chiến tranh, trưng bày tại nhà dài, Roong, Gươl truyền thống của các làng, xã trên địa bàn huyện. Tổ chức Hội thi dệt Dèng, điêu khắc, đan lát thủ công. Mở các lớp truyền dạy đan lát, điêu khắc. Xây dựng 2 mô hình bảo tồn nghề điêu khắc, đan lát thủ công truyền thống tại trung tâm huyện và làng A Nôr, xã Hồng Kim.
Về văn hóa phi vật thể, sẽ tổ chức tái hiện Lễ hội Ariêu Car, Ariêu A Da, Ariêu Piing đúng định kỳ truyền thống ở cấp huyện, xã, thôn và dòng họ; tổ chức Lễ hội A Da lồng ghép Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào ngày 18/11 hàng năm. Tái hiện văn hóa sinh hoạt dưới nước tại thác A Nôr, xã Hồng Kim và Tục Đi Sim (Pộc Xu) tại Suối Pâr Le, xã Hồng Hạ vào dịp 30/4, 1/5 hàng năm; Phục dựng các lễ hội như: Âr Pục, choan đung, Piah a sia của người Pa Cô; lễ hội Koal, Y kleng tang, Mot đeng, Ka linh của người Tà Ôi; lễ hội Ân Ninh, Mợt đong... dân tộc Cơ Tu.
Cùng với đó, kịp thời động viên, hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ tại các làng văn hóa; tổ chức ghi âm, ghi hình, phát sóng gắn với công tác đào tạo các thể loại dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số; Mở 5 lớp học chữ viết các dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu; lồng ghép giới thiệu các lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc vào các tiết học trong chương trình dạy học từ cấp Mầm Non đến Trung học cơ sở. Lập hồ sơ khoa học Lễ hội A Riêu Car đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Để làm được điều này, những giải pháp được đặt ra như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và nhân dân trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Thực hiện công tác kiểm kê các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm (truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ, dân ca, dân vũ, nhạc cụ, quy trình, nội dung ý nghĩa của các lễ hội, trò chơi dân gian, câu đố, tên làng, tên sông, tên núi, địa danh...); ưu tiên giữ gìn, bảo tồn các loại hình nghệ thuật biểu diễn cấp bách như chế tác, chỉnh sửa âm thanh Khèn bè, tù và, Kâr dooc a dool, chỉnh âm thanh và nghệ thuật đánh Cồng, Chiêng, lời cổ các thể loại dân ca, dân vũ. Tiếp tục đẩy mạnh việc mặc trang phục truyền thống trong cán bộ, nhân dân, học sinh vào ngày đầu tuần và các sự kiện trọng đại của quê hương đất nước.
Tái hiện trình diễn các lễ hội, dân ca, dân nhạc, dân vũ, các nét đẹp văn hóa vào các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Lồng ghép giới thiệu các lễ hội truyền thống, dân ca, dân nhạc, dân vũ vào chương trình dạy học. Tổ chức Hội thi dệt Dèng, điêu khắc, đan lát thủ công. Mở các lớp truyền dạy đan lát, điêu khắc; tiến hành số hóa hoa văn Dèng.
Huyện A Lưới cũng xác định, gắn công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và di sản văn hóa với phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, hợp tác, kết nối với các công ty du lịch, các đơn vị lữ hành; tăng cường truyền thông; xây dựng và phát triển các chương trình tour hợp lý; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác vận động nhân dân sưu tầm, hiến tặng, trưng bày và số hóa các hiện vật văn hóa, hiện vật - kỷ vật chiến tranh. Tranh thủ nguồn vốn của Nhà nước từ Trung ương, địa phương; các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn của các thành phần kinh tế và các nguồn vốn khác trong việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, trùng tu các điểm di tích; tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn kết bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số với phát triển du lịch. Quan tâm bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác văn hóa - xã hội cấp xã và có chính sách hỗ trợ, tôn vinh đối với các nghệ nhân và những người am hiểu văn hóa truyền thống, có công trong việc bảo vệ, sưu tầm, truyền dạy, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống… Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng về Luật Di sản văn hóa cũng như các văn bản liên quan khác.
Phát huy hiệu quả tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thanh cơ sở phù hợp với đặc thù của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; xây dựng chuyên mục, chuyên trang, chương trình phát thanh về dân tộc, tiếng dân tộc thiểu số. Tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật trong huyện, tỉnh, quốc gia và quốc tế. Tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào hoạt động bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa, số hóa tài liệu, hiện vật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng…/.