• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Văn hoá 30/09/2022 10:31

(Tổ Quốc) - Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang được quan tâm nhiều hơn thông qua các hoạt động của Hội Liên hiệp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh

Theo số liệu thống kê tính đến năm 2021, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hơn 28.000 đồng bào của 24 dân tộc thiểu số đang sinh sống gồm: Hoa, Khmer, Tà Mun, Châu ro, Sán Chay (bao gồm cả hai dân tộc thuộc nhóm Sán Chay là Sán Chỉ và Cao Lan), Ba Hi, Dao, Ê Đê, Pako, Raglai, Mán, Sán Dìu, Thái (Thanh), Chăm, Tày, Thổ, Nùng (và một nhánh là Nùng Phàn Sình), Mường, Stiêng... Trong đó, nhiều nhất là dân tộc Hoa với 19.366 người, dân tộc Khơme 3.513 người, ít nhất là dân tộc Gia Rai, H'Re, K'Ho, Lào có 01 người. Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Dương hầu hết sống đan xen và hòa nhập với người Kinh. Riêng ba đồng bào dân tộc thiểu số sống tương đối tập trung là người Chăm tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng; cộng đồng người Sán Chỉ tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo và người Hoa sống tại thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An và huyện Dầu Tiếng....

Bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Dương  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Nguồn: https://vietbooks.info

Hiện nay, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, kinh tế Bình Dương tiếp tục phát triển ổn định và bền vững là điều kiện để tỉnh thực hiện tốt các hoạt động về văn hóa, thể thao và du lịch cho nhân dân trong tỉnh, trong đó có đồng bào dân tộc nên điều kiện kinh tế – xã hội của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện thường xuyên của các cấp, ngành, địa phương tạo môi trường sinh hoạt phong phú đời sống tinh thần các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nhất là việc chú trọng công tác tổ chức lễ hội tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng dân tộc thiểu số phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo sự đoàn kết gắn bó các dân tộc cùng nhau xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Trong số các dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Dương, chỉ có người Hoa, người Chăm và người Sán Chỉ có thiết chế văn hóa cộng đồng (cơ sở tín ngưỡng, hội quán), các dân tộc còn lại hầu như không có. Với các dân tộc có thiết chế văn hóa cộng đồng, hằng năm họ có nhiều dịp để gặp gỡ, giao lưu nên mối liên hệ khá chặt chẽ với nhau và thể hiện được nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Các dân tộc thiểu số còn lại, một phần không có thiết chế văn hóa cộng đồng riêng, phần khác sống không tập trung nên họ ít có điều kiện thực hành các loại hình văn hóa mang tính cộng đồng và việc giữ gìn những nét văn hóa truyền thống gặp nhiều khó khăn hơn.

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, công tác nghiên cứu về các tác phẩm văn học dân gian gặp nhiều khó khăn nên hiện nay chỉ có loại hình hát Sình ca bằng tiếng dân tộc Sán chay của đồng bào ở xã Tam Lập huyện Phú Giáo còn được gìn giữ.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang được quan tâm nhiều hơn thông qua các hoạt động của Hội Liên hiệp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh xây dựng kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương luôn quan tâm và tạo các điều kiện thuận lợi để phát huy giá trị văn học dân gian thông các hoạt động lễ hội, các nghi thức văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đối với hoạt động truyền dạy các tác phẩm văn học dân gian, chữ viết, tiếng nói thì chủ yếu chỉ diễn ra trong nội bộ các gia đình.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số khó khăn hạn chế như: Số lượng đồng bào dân tộc thiểu số không nhiều (chiếm khoảng 1% dân số) và sống xen lẫn với người Kinh nên khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tư liệu nghiên cứu. Bên cạnh đó, thế hệ lớn tuổi am hiểu về các tác phẩm văn học dân gian không còn nhiều, thế hệ trẻ ít quan tâm đến các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc, thường có xu hướng quan tâm đến các loại hình âm nhạc hiện đại nên việc kiểm kê, sưu tầm các tác phẩm văn học gặp rất nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do các dân tộc thiểu số sống không tập trung, không tách biệt nên mức độ bảo lưu văn hóa truyền thống không cao, ngoài ra thì các tác phẩm văn học dân gian chủ yếu truyền miệng nên việc lưu trữ hay sưu tầm gặp nhiều khó khăn.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Dương, cần phải thực hiện một số nhiệm vụ như: Nâng cao nhận thức của người dân nhất là các dân tộc thiểu số trong việc gìn giữ, phát huy các tác phẩm văn học dân gian của dân tộc; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học dân gian trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đưa các tác phẩm văn học dân gian vào các sinh hoạt thường xuyên tại các thiết chế văn hóa cộng đồng nhằm định hướng cho người dân có ý thức trong việc gìn giữ, bảo lưu văn học dân gian của dân tộc mình. Bên cạnh đó, cũng cần có những hoạt động thiết thực thực hiện các đề tài, kế hoạch bảo tồn và phát huy các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số địa bàn tỉnh.

Thủy Bích

NỔI BẬT TRANG CHỦ