Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ 13 - 18/12/2021 tại Pháp, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Xòe Thái không chỉ là nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Thái vùng Tây Bắc, của dân tộc Việt Nam, mà còn trở thành di sản nhân loại toàn cầu, được cộng đồng quốc tế bảo vệ và phát huy giá trị.

Bảo tồn, phát huy Xòe Thái- hồn cốt văn hóa của người Thái

(Tổ Quốc)- Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ 13 - 18/12/2021 tại Pháp, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Xòe Thái không chỉ là nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Thái vùng Tây Bắc, của dân tộc Việt Nam, mà còn trở thành di sản nhân loại toàn cầu, được cộng đồng quốc tế bảo vệ và phát huy giá trị.

Bảo tồn, phát huy Xòe Thái- hồn cốt văn hóa của người Thái - Ảnh 1.

Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại


Hồn cốt văn hóa người Thái

Từ bao đời nay, Xòe Thái gắn bó mật thiết với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội cũng như những sinh hoạt văn nghệ của người Thái vùng Tây Bắc.

Xòe Thái với ý nghĩa là "múa Thái" được các cộng đồng người Thái gọi theo nhiều cách khác nhau: Xe, Xé, Xék, Xòe, Múa Xòe, Múa Then, Mố... Chủ thể thực hành Xòe Thái gồm cả người Thái Đen và Thái Trắng, tập trung đông nhất ở các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Một số địa danh được coi là trung tâm của Xòe Thái là Mường Lò (Yên Bái), Mường So, Phong Thổ (Lai Châu), Mường Lay, Mường Thanh (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La). Xòe Thái cũng có rải rác ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, tuy nhiên không phải là hiện tượng phổ biến.

Xòe được thực hành trong nhiều không gian và thời gian khác nhau, trong các lễ hội của cộng đồng như: Xên mường, Xên bản (lễ cúng mường, cúng bản), Xên Lẩu Nó (lễ cúng rượu măng), Hết Chá (lễ tạ ơn), Kin Pang Then (lễ cúng của các thầy Then), các lễ hội cầu mưa, xuống đồng, các nghi lễ trong phạm vi gia đình như lễ cúng tổ tiên, lễ tang ma, nghi thức cúng vía "tám khuôn", lễ cúng ruộng "tám tế na", cúng vía trâu "tám khuôn quai" hay trong những tiệc vui như đám cưới, lễ mừng nhà mới, mừng sinh nhật...

Hiện nay, Xòe Thái rất phát triển trong các cuộc vui, liên hoan văn nghệ của cộng đồng, trong các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, các lễ hội mới như lễ hội Hoa ban, các Tuần văn hóa, Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc. Nổi tiếng nhất phải nhắc đến là Hội Xòe Phong Thổ (Lai Châu), Hội Xòe Mường Lò (Yên Bái). Xòe đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam.

Bảo tồn, phát huy Xòe Thái- hồn cốt văn hóa của người Thái - Ảnh 2.

Xòe Thái rất phát triển trong các cuộc vui, liên hoan văn nghệ của cộng đồng, trong các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, các lễ hội mới của đồng bào Tây Bắc

Có 36 điệu Xòe, trong đó có sáu điệu Xòe cổ là: Nâng khăn mời rượu, Bổ bốn, Bước tiến lùi, Tung khăn, Vòng tròn vỗ tay, Nắm tay vòng tròn. Các nhà nghiên cứu thì quy về ba hình thức chính: Xòe tín ngưỡng, Xòe biểu diễn, Xòe giải trí (hay Xòe vòng, Xòe tập thể).

Theo GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Xòe Thái có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và tâm linh đặc sắc. Trước hết, Xòe Thái thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của tộc người Thái, từ những điệu múa, âm nhạc, lời hát đến trang phục, nhạc cụ và các biểu đạt văn hóa đi kèm. Các điệu Xòe tôn lên chiếc áo cóm lấp lánh hàng khuy bạc, bộ váy nhung thướt tha bó sát đường cong mềm mại của các cô gái Thái. Nhạc cụ đệm cho Xòe khá phong phú bao gồm: Trống lớn, trống nhỏ, cồng, chiêng, đàn tính, quả nhạc, kèn loa, khèn bè, chũm chọe, thanh la, mõ (tằng bẳng)... Đặc biệt, người Thái có các loại nhạc cụ dân tộc độc đáo là khèn bè và 7 loại pí (sáo) như "pí tót" là cây sáo chỉ có một lỗ, "pí pặp" là sáo của tình yêu dùng để gọi nhau tâm tình, "pí rạ" dùng ống rạ để thổi... Một số nhạc cụ như trống, cồng chiêng, tính tẩu, quả nhạc tuy cũng có ở các dân tộc khác, nhưng khi kết hợp với các nhạc cụ Thái và lời ca Thái chúng toát lên một âm điệu đặc trưng riêng của âm nhạc Xòe. Những điệu múa mềm mại, uyển chuyển cộng hưởng với âm nhạc rộn ràng, trang phục nhiều mầu sắc, không gian mang đậm bản sắc của các bản người Thái khiến sinh hoạt Xòe trở thành một hiện tượng chỉnh thể nguyên hợp rất sinh động, hấp dẫn. Trong sinh hoạt Xòe cũng thể hiện rõ những ứng xử văn hóa, lòng hiếu khách, cởi mở của người Thái.

Xòe Thái còn góp phần đáp ứng các nhu cầu tâm linh của người dân trong việc chữa bệnh, cầu an, thể hiện lòng tri ân đối với các đấng thần linh ban cho cuộc sống no đủ, bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh bệnh tật, tai ách, cân bằng tâm lý trong cuộc sống.

Trong đời sống đương đại, Xòe Thái có ý nghĩa quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí của người dân sau những ngày lao động vất vả, giúp nâng cao đời sống tinh thần của họ.

Bảo tồn, phát huy Xòe Thái- hồn cốt văn hóa của người Thái - Ảnh 3.

Kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ 13 - 18/12/2021 tại Pháp, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (lãnh đạo Bộ VHTTDL, lãnh đạo các tỉnh có nghệ thuật Xòe Thái và đồng bào Thái theo dõi phiên họp tại điểm cầu tại Hà Nội)

Biến di sản thành tài sản

Cũng như nhiều di sản văn hóa khác, Xòe Thái cũng đang đứng trước những thách thức của thời đại. Do đó, điều chúng ta cần quan tâm sau khi Xòe Thái được vinh danh chính là làm gì để bảo vệ, phát huy nghệ thuật xòe Thái trong xã hội đương đại.

Được biết, những năm qua, chính quyền các cấp và cộng đồng người Thái ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ nghệ thuật Xòe Thái, như: Thành lập, duy trì các đội văn nghệ sinh hoạt Xòe Thái ở cộng đồng. Theo thống kê, hiện mỗi tỉnh đã có hàng trăm đội văn nghệ thôn bản, với hàng nghìn hội viên. Các đội văn nghệ thôn bản thường xuyên tham gia trình diễn múa Xòe tại các lễ hội trong bản, đi giao lưu với các đội khác ở những địa phương, tỉnh, thành khác nhau.

Cụ thể với tỉnh Yên Bái, có 312 nghệ nhân hiện đang nắm giữ, thực hành và truyền dạy các di sản trong cộng đồng, trong đó có 15 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú", 07 nghệ nhân được tỉnh phong tặng danh hiệu. Ngoài các nghệ nhân được vinh danh theo quy định của Trung ương Yên Bái đã ban hành quy chế riêng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái (xét tặng 2 năm 1 lần, đã thực hiện từ năm 2020) để động viên, khuyến khích các nghệ nhân dân gian tích cực lưu truyền, truyền dạy các giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Bảo tồn, phát huy Xòe Thái- hồn cốt văn hóa của người Thái - Ảnh 4.

Niềm vui của đông bào Thái khi Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Với phương châm "biến di sản thành tài sản phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương", Yên Bái xác định tài nguyên văn hóa cũng là tài nguyên để phát triển du lịch. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã quan tâm ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch như: hỗ trợ các đội văn nghệ truyền thống tại các địa điểm có hoạt động du lịch (mức hỗ trợ cao nhất 60 triệu đồng/1 đội, hỗ trợ duy trì hàng năm 3 triệu/đội); hỗ trợ các hộ gia đình có hoạt kinh doanh du lịch cộng đồng với kiến trúc truyền thống (hiện có 119 cơ sở- 30 triệu/hộ); hỗ trợ mở lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân của tỉnh (mức hỗ trợ 45 triệu đồng/lớp); hỗ trợ lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (tối đa 250 triệu đồng/hồ sơ); hỗ trợ duy trì phát triển làng nghề truyền thống phục vụ du lịch (mức hỗ trợ 50 triệu đồng/1 HTX và 20 triệu đồng/1 tổ hợp tác...

Xòe Thái thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của tộc người Thái, từ những điệu múa, âm nhạc, lời hát đến trang phục, nhạc cụ và các biểu đạt văn hóa đi kèm. Các điệu Xòe tôn lên chiếc áo cóm lấp lánh hàng khuy bạc, bộ váy nhung thướt tha bó sát đường cong mềm mại của các cô gái Thái. Nhạc cụ đệm cho Xòe khá phong phú bao gồm: Trống lớn, trống nhỏ, cồng, chiêng, đàn tính, quả nhạc, kèn loa, khèn bè, chũm chọe, thanh la, mõ (tằng bẳng)...

Cùng với đó, Yên Bái đã thường xuyên tổ chức các chương trình, sự kiện giới thiệu văn hóa dân tộc, quảng bá du lịch đến bạn bè trong nước và quốc tế; đưa di sản văn hóa phi vật thể vào các chương trình ngoại khoá, chương trình giáo dục địa phương tại các cơ sở giáo dục để khơi dậy niềm tự hào, giáo dục thế hệ trẻ và xây dựng Trường học hạnh phúc.

Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Tỉnh Yên Bái mong muốn Bộ VHTTDL sớm tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Xòe Thái để tỉnh Yên Bái và các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu có căn cứ xây dựng, cụ thể hóa thành chương trình hành động và kế hoạch của địa phương nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản Xòe Thái sau khi được UNESCO vinh danh.

Để Xòe Thái được trao truyền đúng cách cần có các nghệ nhân truyền dạy cho các đội văn nghệ và thế hệ trẻ ở các bản làng người Thái. Chính quyền địa phương cần lồng ghép, triển khai đưa nghệ thuật trình diễn dân gian, trong đó có Xòe Thái vào các chương trình học ngoại khóa của nhà trường một số địa phương; tiến hành tư liệu hóa một số di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm cả nghệ thuật Xòe Thái như: Các phim, ảnh, sách về nghệ thuật Xòe Thái; xây dựng các dự án, chương trình, tổ chức các sự kiện văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương...

Các địa phương ở Tây Bắc nên gắn nghệ thuật Xòe Thái với phát triển du lịch cộng đồng. Thông qua các bản văn hóa du lịch, mô hình homestay, người Thái - chủ thể của điệu Xòe sẽ có dịp tổ chức biểu diễn những điệu Xòe Thái cho du khách thưởng thức, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa vùng miền

Một số nơi đã xây dựng múa Xòe thành sản phẩm du lịch mũi nhọn, trong các chương trình nghệ thuật lớn của các tỉnh vùng Tây Bắc như: Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc; Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Sơn La; Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò (Yên Bái); Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Lai Châu; Hội Xòe Phong Thổ (Lai Châu); Lễ hội hoa Ban (Điện Biên)... đều tổ chức múa Xòe, thi múa Xòe, đã tạo nên nét đặc sắc của lễ hội, thu hút du khách.

Các địa phương ở Tây Bắc nên gắn nghệ thuật Xòe Thái với phát triển du lịch cộng đồng. Thông qua các bản văn hóa du lịch, mô hình homestay, người Thái - chủ thể của điệu Xòe sẽ có dịp tổ chức biểu diễn những điệu Xòe Thái cho du khách thưởng thức, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa vùng miền. Điều đó cũng giúp người dân tộc Thái có thu nhập từ du khách, nâng cao đời sống. Thấy được giá trị, lợi ích của di sản mang lại, đồng bào sẽ có ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo vệ di sản nói chung trong đó có Xòe Thái.

Cùng với đó, các tỉnh Tây Bắc cũng cần quan tâm hơn tới các nghệ nhân - những người trực tiếp nắm giữ, thực hành và truyền dạy Nghệ thuật Xòe Thái: Có chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân, triển khai việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể Xòe Thái để tôn vinh các nghệ nhân đã có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy Nghệ thuật Xòe; đồng thời động viên, khích lệ các nghệ nhân có nhiều cống hiến hơn nữa đối với việc gìn giữ di sản văn hóa hậu vinh danh./.