• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất chấp dịch COVID-19, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào Việt Nam

Kinh tế 17/09/2021 07:24

(Tổ Quốc) - Dù dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều tỉnh, thành trọng điểm kinh tế của Việt Nam phải thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, song các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào Việt Nam như một điểm đến đầu tư an toàn và hiệu quả.

Báo cáo cập nhận kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 15/9 cho biết trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ  năm 2020. Trong khi vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. 

Riêng trong tháng 8/2021, thời gian mà dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, Việt Nam thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 65% so với tháng 7. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. Mức tăng này cho thấy các nhà đầu tưnước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. 

Bất chấp dịch COVID-19, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào Việt Nam  - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên chiều 3/9/2021 - Ảnh: TTXVN

Trong báo cáo, các chuyên gia của WB cũng nhận định về các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Cụ thể, các biện pháp hạn chế đi lại đã ảnh hưởng đến giao thông trong nước và làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, dẫn đến giá lương thực, thực phẩm tăng 1,2%, qua đó tạo áp lực lên giá cả nói chung. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,3% so với tháng trước được WB đánh giá là mức "tương đối ổn định". 

Bên cạnh đó, trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dưnợ tín dụng cuối tháng 8 vẫn tăng trưởng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tốc độtăng cuối tháng 7. Các chuyên gia WB nhận định tốc độtăng trưởng này cao hơn so với thời gian trước đại dịch do các ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách cho vay ưu đãi và tái cơcấu nợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19. 

Báo cáo của WB cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng khi ưu tiên đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine để bao phủ ít nhất 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Dù vậy, Việt Nam cần tiếp tục sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy cầu trong nước trong ngắn hạn, bằng cách đẩy nhanh tiến độgiải ngân vốn đầu tưcông và tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho các hộgia đình bị ảnh hưởng để giúp khôi phục tiêu dùng tưnhân. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là hộkinh doanh quy mô nhỏ, giúp đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và tạo việc làm.

Cũng theo báo cáo, dù dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều tỉnh, thành trọng điểm kinh tế của Việt Nam phải thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, song các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào Việt Nam như một điểm đến đầu tư an toàn và hiệu quả. 

Thời gian qua, kết quả chống dịch hiệu quả của Việt Nam đã tạo dựng niềm tin rất lớn cho doanh nghiệp nước ngoài. Các khu công nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất, hạn chế người lao động bị mất việc, chuỗi cung ứng được đảm bảo. Trong đợt bùng dịch lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện phương án "3 tại chỗ" nhằm hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất. Cùng với việc chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, các doanh nghiệp kiến nghị địa phương ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho lực lượng lao động. Bên cạnh việc ban hành chỉ thị, hướng dẫn, các địa phương đã thực hiện kiểm tra, động viên, hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng, chống dịch, duy trì sản xuất.

Không phủ nhận rằng, dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ kết quả chống dịch hiệu quả, kết quả thu hút FDI vẫn khả quan cả về vốn đăng ký mới và vốn thực hiện.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự chuyển động của nhà đầu tư nước ngoài còn bắt nguồn từ việc tận dụng những cơ hội từ chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sớm ban hành chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội dành cho các dự án quy mô lớn, công nghệ cao... Điều này, theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE), sẽ tạo ra sức cạnh tranh rất lớn cho Việt Nam trong việc hút dòng vốn FDI chất lượng cao so với các quốc gia trong khu vực khi xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu ngày càng diễn ra mạnh mẽ. 

Ngay từ khi dịch COVID-19 mới bắt đầu xuất hiện, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương trên cả nước đã chỉ đạo sát sao triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh; thực hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt "chống dịch như chống giặc", không lơ là, chủ quan nhưng cũng không lo lắng thái quá; kiên định thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế… 

Gần đây nhất, trong chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ 5 - 11/9, Chủ tịch Quốc hội đã tham gia trực tiếp các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại vào Việt Nam, chủ trì các diễn đàn doanh nghiệp của từng nước và trực tiếp gặp gỡ, trao đổi sâu sắc, lắng nghe tiếng nói đại diện hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu châu Âu và thế giới.

Trong dịp này, Chủ tịch Quốc hội cũng đã chứng kiến hàng chục lễ ký kết những thỏa thuận hợp đồng kinh doanh, biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài với tổng trị giá lên đến hàng tỷ USD.

Nhằm chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, trong tháng 9 này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã liên tục có những buổi làm việc với đại diện các doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể, ngày 9/9, Thủ tướng đã có buổi làm việc với Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), Đại sứ các nước EU, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) và một số tập đoàn, doanh nghiệp của châu Âu tại Việt Nam. 

Tại đây, Thủ tướng đã bày tỏ sự chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn của các doanh nghiệp tại Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19; khẳng định thành công của các nhà đầu tư nước ngoài là thành công của Việt Nam, mất mát, thiệt thòi của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là mất mát, thiệt thòi của Việt Nam. 

Tại buổi làm việc với Đại sứ Hàn Quốc, Hiệp hội doanh nghiệp và kết nối trực tuyến với gần 30 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam chiều 14/9, Thủ tướng cũng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện và đồng hành để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Thủ tướng nhấn mạnh những khó khăn hiện nay chỉ là nhất thời, còn thuận lợi vẫn là cơ bản. Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.  

Trước đó, trực tiếp tới thăm nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên tại Khu công nghiệp Yên Bình, xã Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp trong mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế bền vững.

Có thể nói, những chỉ đạo quyết liệt, những hành động thiết thực, chia sẻ kịp thời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ… đã góp phần làm nâng cao hơn nữa sự tin tưởng của khối doanh nghiệp FDI vào nền kinh tế Việt Nam. 

Bất chấp dịch COVID-19, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào Việt Nam  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa:

Báo cáo gần đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Fitch Solutions nêu rõ, ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng của Việt Nam sẽ tăng trong năm 2021 nhờ "triển khai tiêm chủng  vắc xin toàn cầu và nhu cầu đối với các ngành xuất khẩu chủ lực tăng mạnh". Ngành công nghiệp này sẽ tiếp tục tăng tốc nhờ "sức mua, nhân khẩu học và xu hướng hiện đại hóa kinh tế, vốn giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến triển vọng trong khu vực khi các nhà cung ứng bắt đầu khai thác tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và dòng người mua lần đầu."

Theo Fitch Solutions, các công ty điện tử nước ngoài vẫn duy trì nhà máy ở miền Bắc của Việt Nam bất chấp dịch bệnh COVID-19. Tại các tỉnh đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 như Đồng Nai, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng, tăng vốn đầu tư. Chỉ riêng từ đầu tháng 8 đến nay, Đồng Nai thu hút được hơn 100 triệu USD vốn FDI. Các dự án tăng vốn đa phần đều thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, điện tử.

Theo Công ty Khảo sát và Tư vấn về công nghệ Technavio, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 19%, tương đương khoảng 6,16 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2024. 

Cùng với con số cụ thể trong báo cáo của WB đưa ra, việc các doanh nghiệp FDI đầu tư thêm một số dự án quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao thuộc lĩnh vực quan trọng như công nghiệp chế tạo là minh chứng cho sự thấy ổn định và uy tín của Việt Nam trong hoạt động thu hút đầu tư toàn cầu./.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ