Bị cấm mọi phương diện, Nga vẫn dự báo lợi nhuận xuất khẩu năng lượng tăng vọt

(Tổ Quốc) - Tiền vẫn cứ 'chảy' vào túi của Nga bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Một trong những lỗ hổng lớn của các lệnh này là việc các quốc gia khác sẵn sàng tiếp tục mua dầu, mặc dù yêu cầu chiết khấu cao.

Bất chấp các lệnh cấm, doanh thu xuất khẩu năng lượng Nga dự báo vẫn tăng

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 4/6 dự đoán các lệnh trừng phạt sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu mà lợi nhuận năm nay thậm chí còn tăng vọt.

Theo ông Sergei Lavrov, các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu của nước này. "Nếu nhìn vào các mức giá đã được thiết lập sau các chính sách của phương Tây, chúng ta không bị thiệt hại về ngân sách. Ngược lại, năm nay lợi nhuận sẽ tăng đáng kể từ việc xuất khẩu các nguồn năng lượng", ông nhận định.

Tuần qua, các lãnh đạo EU thống nhất cấm hai phần ba nhập khẩu dầu từ Nga. "Liên minh châu Âu giờ đây có thể hoàn thiện lệnh cấm 90% nhập khẩu dầu Nga trước năm 2023. Đây là bước đi quan trọng. Chúng tôi sẽ sớm quay lại vấn đề với 10% dầu còn lại", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết.

Nhưng với Lavrov, dầu mỏ nói chung không phải là đối tượng của chính trị. "Vẫn có những nhu cầu về nó, chúng tôi có các thị trường bán hàng thay thế, nơi đã và đang tăng doanh số bán hàng", ông nói.

Trang Bloomberg ước tính, ngay cả khi một số quốc gia ngừng hoặc loại bỏ việc mua năng lượng, doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga sẽ đạt khoảng 285 tỷ USD trong năm nay. Kết quả này sẽ vượt năm 2021 hơn một phần năm.

Điều này có nghĩa là dòng tiền đang đổ vào "tài khoản" của Nga. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu từ xuất khẩu dầu Nga đã tăng 50% so với cùng kỳ 2021. Quý I/2022, các nhà sản xuất dầu hàng đầu của Nga đã kiếm được lợi nhuận cao nhất trong gần một thập kỷ, theo ước tính của SberCIB Investment Research có trụ sở tại Moscow.

Bị cấm mọi phương diện, Nga vẫn dự báo lợi nhuận xuất khẩu năng lượng tăng vọt - Ảnh 1.

Doanh thu từ xuất khẩu dầu Nga tăng 50% so với năm 2021.

'Lỗ hổng' giúp Nga củng cố vị thế

Một trong những lỗ hổng lớn trong các lệnh trừng phạt chống lại Nga là việc các quốc gia khác sẵn sàng tiếp tục mua dầu, mặc dù yêu cầu chiết khấu cao. Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã mua hơn 40 triệu thùng dầu của Nga từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra.

Janis Kluge – cộng sự cấp cao về Đông Âu và Á-Âu tại Viện Quốc tế và An ninh Đức ở Berlin, nhận định: "Nếu mục tiêu của các lệnh trừng phạt đó là để ngăn chặn chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, thì điều đó không thực tế. Nga vẫn có cách để bù đắp một số thiệt hại cho việc các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến người dân của mình."

Theo Bloomberg, con số này cao hơn 20% so với dòng chảy dầu Nga - Ấn trong cả năm 2021. Các nhà máy lọc dầu đang tìm kiếm các giao dịch tư nhân thay vì đấu thầu công khai để có được những thùng của Nga rẻ hơn giá thị trường. Trung Quốc cũng đang tăng cường liên kết năng lượng với Nga, mua dầu của nước này khi phương Tây xa lánh.

Trung Quốc cũng đang nhập khẩu thêm năng lượng của Nga và có được mức giá thấp hơn so với một số đối tác khác. Quốc gia này tăng cường nhập khẩu và cũng đang đàm phán để bổ sung vào kho dự trữ dầu thô chiến lược bằng dầu của Nga.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở lĩnh vực sản xuất thép và luyện cốc. Hoạt động nhập khẩu từ Nga đã tăng liên tiếp 3 tháng trong tháng 4, lên hơn gấp đôi mức năm ngoái, theo dữ liệu chính thức. Hơn nữa, một số doanh nghiệp bán dầu và than của Nga đã nỗ lực nới lỏng các điều khoản mua bán cho bên mua Trung Quốc, bằng cách cho phép giao dịch bằng đồng NDT.

Bị cấm mọi phương diện, Nga vẫn dự báo lợi nhuận xuất khẩu năng lượng tăng vọt - Ảnh 2.

Khi nói đến khí đốt, Nga có ít lựa chọn hơn để chuyển hướng khách hàng. Tuy nhiên, người mua từ các đường ống khí đốt cũng phụ thuộc lớn vào họ. Khoảng 40% nhu cầu khí đốt của EU được Nga đáp ứng và đây sẽ là liên kết khó cắt đứt nhất của khối.

Tuần trước, Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cho biết xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc thông qua đường ống “Power of Siberia” (Sức mạnh Siberia) đang tiếp tục tăng trưởng. Việc giao hàng là một phần của “hợp đồng dài hạn song phương giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC)”, theo thông báo của công ty trên kênh Telegram chính thức.

Khối lượng khí đốt được chuyển đến châu Âu thậm chí còn tăng vọt trong tháng 2 và tháng 3, khi cuộc xung đột diễn ra khiến giá cả ở các trung tâm khí đốt châu Âu tăng đột biến. Theo đó, hầu hết các hợp đồng dài hạn với Gazprom của Nga có giá thấp hơn.

Kể từ thời điểm đó, khối lượng nhập khẩu đã giảm bớt do thời tiết ấm hơn và dòng LNG từ Mỹ cùng các quốc gia khác tăng lên. Ngoài ra, Nga cũng gặp những gián đoạn do ảnh hưởng của cuộc xung đột và họ cũng ngừng cung cấp cho Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan.

Ngay cả khi EU cam kết giảm sự phụ thuộc, thì quá trình này vẫn gặp một số trở ngại. Một số đối tác lớn của Nga vẫn nỗ lực tiếp tục mua nhiên liệu quan trọng này và các công ty tiện ích như Eni SpA của Ý và Uniper của Đức kỳ vọng họ vẫn nhận được nguồn cung từ quốc gia này.

Tuy nhiên, ngành năng lượng của Nga cũng đang phải đối mặt với một loạt các áp lực khác, từ nhu cầu bên ngoài cho đến hạn chế về hoạt động vận chuyển, bảo hiểm và nhu cầu trong nước sụt giảm. Sản lượng dầu của nước này có thể giảm hơn 9% trong năm nay, khi lượng khí đốt giảm 5,6% theo ước tính của Bộ Kinh tế Nga.

Tatiana Stanovaya - nhà sáng lập của công ty tư vấn chính trị R.Politik, cho biết: "Điện Kremlin phần nào vẫn lạc quan, thậm chí ngạc nhiên khi nền kinh tế Nga vẫn trụ vững. Nhưng trong 2-3 năm tới, rất nhiều câu hỏi lớn về việc lĩnh vực năng lượng và sản xuất sẽ sống sót ra sao được đặt ra.

Tham khảo: Bloomberg, Reuters

Khánh Vy

Tin mới