Bị chỉ trích, nhà ngoại giao TQ bào chữa: Là "sư tử nhỏ" chứ không phải "chiến lang"

Thu Ngọc | 22-12-2020 - 06:49 AM

(Tổ Quốc) - Hình ảnh quốc tế của Trung Quốc suy giảm liên tục trong vài năm qua, phần lớn là do các cách tiếp cận hiếu chiến của Bắc Kinh ở trong và ngoài nước, theo SCMP.

Sự bùng phát của Covid khiến ý kiến tiêu cực về Trung Quốc gia tăng

Theo một cuộc khảo sát gần 15.000 người trưởng thành ở 14 quốc gia, hình ảnh của Trung Quốc cũng đã xấu đi trong mắt công chúng nói chung trên thế giới. Ý kiến ​​tiêu cực đã tăng vọt trong năm qua, trung tâm nghiên cứu Pew cho biết. Đa số ở mỗi quốc gia được khảo sát đều có quan điểm bất lợi về Trung Quốc. Và ở Australia, Anh, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Mỹ, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Canada, những quan điểm tiêu cực đã đạt đến mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.

Hình ảnh quốc tế của Trung Quốc suy giảm liên tục trong vài năm qua, phần lớn là do các cách tiếp cận hiếu chiến của Bắc Kinh ở trong và ngoài nước, và các nước phương Tây chưa sẵn sàng chấp nhận một Trung Quốc hùng mạnh không chia sẻ các giá trị của họ, Zhu Zhiqun, giáo sư của khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell ở Pennsylvania nói. "Sự bùng phát đại dịch Covid-19 chỉ khiến cho xu hướng này càng tồi tệ đi", ông nói thêm.

Tháng 12 năm ngoái, khi các triệu chứng mới được quan sát thấy ở Vũ Hán, mặc dù các ca bệnh tăng nhanh nhưng Trung Quốc vẫn chưa xác nhận sự lây truyền virus từ người sang người cho đến ngày 20/1.

Bên cạnh đó, sự việc bác sĩ Lý Văn Lượng bị cảnh sát địa phương gọi lên làm việc vì đã chia sẻ thông tin về mức độ nghiêm trọng của loại virus này trên WeChat và tử vong sau đó vì mắc Covid gây ra tranh cãi và sự phẫn nộ giận trên diện rộng.

Huang Yanzhong, thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại New York, cho biết: "Phản ứng sớm của chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là ở cấp địa phương, là vấn đề. Mặc dù khó tránh khỏi những sai lầm ở giai đoạn đầu khi bùng phát một căn bệnh không xác định, nhưng thảm kịch cũng làm sáng tỏ những vấn đề trong hệ thống chính trị và quan liêu của Trung Quốc".

Huang nói: "Sự thiếu minh bạch đã làm hoen ố hình ảnh của Trung Quốc".

Ngoại giao "ăn miếng trả miếng"

Theo các nhà phân tích quan hệ chính trị và đối ngoại nói với Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, chính cách tiếp cận hiếu chiến của Trung Quốc trong sự đối đầu với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump càng khiến quan điểm tiêu cực này gia tăng.

Đầu năm nay, mặc dù không cung cấp bất kỳ bằng chứng, Tổng thống Trump vẫn nhấn mạnh rằng virus Corona đã bị rò rỉ từ Viện nghiên cứu virus học Vũ Hán, một cơ sở an toàn sinh học cấp 4 được phép nghiên cứu các loại virus nguy hiểm nhất thế giới. Truyền thông Trung Quốc cáo buộc Ngoại trường Mỹ Mike Pompeo đã công khai ủng hộ và thúc đẩy các tuyên bố của Tổng thống Trump, gọi hành động này là "lây lan virus chính trị".

Áp dụng chiến thuật "ăn miếng trả miếng", Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, đã viết trên Twitter của mình vào tháng 3: "Có thể chính quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán. Hãy minh bạch! Công khai dữ liệu! Mỹ nợ chúng tôi một lời giải thích! "

Đáp lại, Tổng thống Trump gọi virus Corona là "virus Trung Quốc", làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước và gây ra làn sóng bài Trung ở Mỹ và các nơi khác.

Kể từ đó, Trung Quốc đã đáp trả chủ động, ca ngợi về những thành tựu kinh tế sau suy thoái và quảng bá hình ảnh về sự hào phóng của Trung Quốc trên toàn cầu trong khi hỗ trợ các nước về thiết bị y tế.

Chiến lang hay sư tử nhỏ?

Đầu tháng này, Bộ ngoại giao Trung Quốc lần đầu tiên lên tiếng bảo vệ phương thức ngoại giao của nước này. Thứ trưởng Ngoại giao Lạc Ngọc Thành nói trên một diễn đàn ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc chưa bao giờ tỏ ra hiếu chiến.

"Khi công việc nội bộ của chúng tôi bị nước ngoài can thiệp, lạm dụng và làm mất uy tín của danh tiếng quốc gia. Chúng tôi không còn cách nào khách là tự vệ vì lợi ích và phẩm giá của đất nước".

Và tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh sẽ không "hành động như một con cừu non im lặng", đồng thời so sánh các nhà ngoại giao Trung Quốc với "chú sư tử nhỏ của bộ phim hoạt hình nổi tiếng "Vua Sư tử" của hãng Disney, vượt qua nghi ngờ… đã trở thành thủ lĩnh Simba".

Ông Lu Shaye, đại sứ Trung Quốc tại Pháp, nói rằng, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã làm việc tích cực, không hề có tính chất gây hấn hay hung hăng, để phản bác lại những cáo buộc và công kích vô căn cứ của truyền thông nước ngoài về vấn đề nhân quyền tại nước này.

Bà Yun Sun, thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn ở Washington, cho rằng Trung Quốc đang tự dồn mình vào thế đường cùng. "Khi không thể chịu đựng được sự xúc phạm và chỉ trích, thì càng trở nên khiêu khích và hung hăng. Mặc dù tôi phần nào hiểu được tâm lý này, nhưng một cường quốc cần hết sức bình tĩnh và phản ứng ôn hòa, và lựa chọn chiến thuật đáp trả phù hợp" bà Sun nói.

Theo bà Sun, các nước đang phát triển có thể có quan điểm khác về Trung Quốc. Nguyên nhân là Bắc Kinh đã đầu tư các khoản tiền rất lớn ở các nước này và thiết lập các liên minh tại đây để tránh bị Phương Tây cô lập.

"Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đối mặt với rất nhiều vấn đề tại các nước này như khiếu nại về nợ của châu Phi, xung đột với Brazil về việc khai thác quặng. Nhận định của các nước đang phát triển về Bắc Kinh có thể tích cực hơn tại các nước phát triển nhưng tôi nghi ngờ tỉ lệ ủng hộ này liệu có tăng lên trong năm qua", bà Sun nói.

Các nhà phân tích cho rằng, để cải thiện hình ảnh quốc tế của Trung Quốc, Bắc Kinh nên đóng vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và minh bạch. Steve Tsang của Viện SOAS Trung Quốc cho biết Trung Quốc nên giúp điều tra thay vì ngăn cản để tìm ra nguồn gốc của đại dịch. "Một quốc gia cố tình giấu giếm sự thât một cách có hệ thống sẽ luôn bị cộng đồng quốc tế đánh giá tiêu cực", ông nói.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM