Ông Dương Văn Thái: Thời điểm vừa rồi dịch tràn về, nói như anh Nguyễn Trường Sơn (thứ trưởng Bộ Y tế) và chị Lê Thị Quỳnh Mai (Viện phó Viện Vệ sinh Dịch tễ TW) trong những cuộc làm việc với Bắc Giang, thì tỉnh đã bị đánh úp bởi những cú đòn rất nặng của dịch bệnh. Cho nên chẳng riêng gì cá nhân tôi, toàn thể nhân dân Bắc Giang ai ai cũng đều bị rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Trạng thái này có thể gọi là lúc nào cũng căng như dây đàn.
Với tư cách người lãnh đạo, thời khắc khiến tôi đau đầu nhất có thể nhớ lại, rơi vào hôm ra quyết định cho 4 KCN tạm dừng hoạt động.
Bởi vì dừng như thế là hơn 200 doanh nghiệp ngưng trệ sản xuất, thiệt hại vô cùng. Dừng như thế là hơn 140.000 công nhân không có việc làm, cuộc sống có thể bị đứt bữa, khó khăn vô cùng. Dừng như thế có nghĩa là địa phương bị ảnh hưởng rất lớn ở tất cả mọi mặt từ an sinh - xã hội, kinh tế, chính trị rồi cả uy tín với nhân dân, với nhà đầu tư...
Ngày hôm đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ngay giữa cuộc họp với doanh nghiệp trong cả 4 KCN báo về cho tôi: "Đến hơn 80% doanh nghiệp người ta không đồng ý dừng anh ạ".
Nghĩa là doanh nghiệp đấu tranh mạnh đấy. Mình ở giữa chịu trách nhiệm cho sự an toàn và phát triển của toàn tỉnh, phải giải bài toán này theo cách nào đây?
Dữ liệu đề bài cho thấy số người nhiễm phải nhập viện, số F1 phải cách ly, số xã, huyện, doanh nghiệp có dịch... tăng rất nhanh và thay đổi liên tục qua mỗi ngày báo cáo, mỗi giờ báo cáo.
Các nhà chuyên môn liên tục chỉ ra nguy cơ sụp đổ theo hiệu ứng domino đang hiện hữu rất rõ tại 4 KCN nếu chính quyền tỉnh không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống.
Nguy cơ này còn có thể khiến cho Bắc Giang mất nhiều tháng nữa cũng không giải quyết dứt điểm tình hình dịch bệnh. Trả giá là không thể tưởng tượng nổi.
Thực tế thì lời giải của Bắc Giang từ trước đến nay trong cuộc chiến với Covid-19 luôn phải hài hòa "mục tiêu kép" - vừa đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, không để dịch bệnh lây lan mất kiểm soát vừa đảm bảo quyền được sản xuất kinh doanh, sinh hoạt chính đáng cho doanh nghiệp, cho nhân dân.
Tuy nhiên có những lúc hoặc từng thời điểm mình chỉ có thể chọn hoặc số 1 hoặc số 2 chứ không thể một lúc có cả hai được. Ai cũng biết thế nhưng để các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài hiểu và đồng thuận là điều cực khó. Bởi vì nhiều doanh nghiệp chưa bị thì người ta chưa sợ.
Trước, trong và sau cuộc họp thường trực tỉnh ủy để cùng nhau bàn luận và đi đến thống nhất ra quyết định PHẢI DỪNG thực sự rất căng thẳng.
Ông Dương Văn Thái: Thời điểm vừa rồi phải công nhận rất mệt mỏi. Hàng trăm sự vụ rất cấp bách cùng xảy đến, trong những lúc ấy mình phải rất bình tĩnh. Thứ hai, phải đoàn kết. Và thứ ba, phải động viên nhau.
Lắm lúc nhìn anh chị em, lực lượng của mình thì mỏng mà việc thì ngồn ngộn ập về tôi cũng xót xa. Như giám đốc sở y tế - tôi rất chia sẻ với chú ấy - làm việc 2 - 3 tuần căng mình, ngủ thì không ngủ, việc thì chỗ nào cũng tìm đến. Có hôm trong cuộc họp mình hỏi mà ông ấy bất ngờ luôn. Cảm giác như anh em quá tải mất rồi, bị đơ hết cả hệ thần kinh. Mình chỉ đạo thì họ vâng, đến khi hỏi lại họ vẫn vâng - kiểu như không nạp được thông tin nữa. Lúc đó thì mình thôi không chỉ đạo, chỉ động viên anh em và tính hướng giải quyết như thế nào cho phù hợp.
Buổi chiều hôm đó, tầm 6h30 chiều mình gọi chú ấy về sân tỉnh ủy, hai anh em cùng đánh với nhau 1 - 2 set cầu lông xả stress. Bạn cứ trải nghiệm mà xem, dù đầu óc có nhiều lo toan hay vấn đề căng thẳng đến đâu, chỉ cần tay cầm vợt, mắt thấy quả cầu bay đến, ngay lập tức mình sẽ có hành động đáp trả phù hợp. Đến một lúc nào đó, trận cầu ấy đã kéo mình thoát khỏi mớ bòng bong căng thẳng chưa có lời giải kia. Sau khi vận động quay trở về với công việc, mình như một người mới hoàn toàn, với cách nhìn và kiến giải như kiểu mới được nạp đầy năng lượng.
Ông Dương Văn Thái: Thật ra đồng thời với việc đưa ra quyết định phong tỏa, giãn cách hay dừng hoạt động... thì cơ quan chức năng luôn phải có phương án đảm bảo sự tồn tại cơ bản nhất cho mọi đối tượng liên quan.
Đi kèm với quyết định dừng hoạt động 4 KCN, thường vụ tỉnh ủy đã chỉ đạo chính quyền địa phương phải ngay lập tức, chỉ trong ngày một ngày hai lên được phương án lo cho 18.000 trường hợp F1 cách ly, và hơn 60.000 công nhân là người dân của 61 tỉnh, thành phố đang làm việc trong các KCN đó.
Tại sao bảo Bắc Giang vì cả nước là bởi câu chuyện của hơn 60.000 công nhân ở lại này. Tỉnh cũng đã tính đến phương án di chuyển người về các tỉnh khác nhưng cuối cùng tôi đi đến quyết định chấp nhận giữ công nhân lại. Nếu lúc đó Bắc Giang để người về thì cả nước hiện nay bùng dịch mất rồi. Tuy nhiên, Bắc Giang giữ người lại đồng nghĩa Bắc Giang phải chịu vất vả, rủi ro. Tỉnh lúc này vừa phải lo cách ly, lo chữa bệnh, lo dập dịch, lo kinh tế, lo hậu cần, lo xử lý môi trường... khối lượng công việc đó bạn biết như thế nào không? Đồ sộ và khổng lồ!
Để tính toán chu toàn cho 60.000 con người, chỉ gạo không thôi, một ngày đã ăn hết 20 tấn rồi. Tổ công tác hậu cần cùng với công đoàn tỉnh phải phối hợp xuyên đêm như dân quân hỏa tuyến mang đầy đủ gạo, rau, thịt, cá... cùng tất cả hàng viện trợ lên 29 siêu thị 0 đồng ở ngay chân khu cách ly.
Cho nên riêng chuyện lo ăn ngày 3 bữa với quan điểm không để công nhân đứt bữa, không để người trong khu cách ly bị thiếu đói, nếu không có nhân dân cả nước ủng hộ thì Bắc Giang lấy đâu ra cho đủ.
Bên cạnh đó, mình cũng cam kết với doanh nghiệp dừng ở đây là dừng tạm. Dừng để lên kế hoạch sản xuất an toàn hơn. Chính xác là đúng 1 tuần sau tỉnh đã bố trí để doanh nghiệp hoạt động trở lại với tinh thần "4 an toàn".
Thế và Bắc Giang cũng là địa phương đầu tiên tổ chức tiêm vắc xin cho công nhân trong KCN, đồng thời triển khai đồng bộ các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp. Cho nên doanh nghiệp rất hiểu, rất tin tưởng và rất chia sẻ cho mọi quyết định của tỉnh. Đến thời điểm này không có doanh nhân hay doanh nghiệp nào kêu ca phàn nàn. Người ta còn chủ động tìm gặp lãnh đạo tỉnh nhằm đóng góp giải pháp để môi trường sản xuất của doanh nghiệp trở nên an toàn hơn.
Lại có doanh nghiệp thông báo: "chúng tôi đã trao đổi với tập đoàn và quyết định đầu tư 1 dự án rất lớn, lên đến 200 triệu USD vào Bắc Giang ngay thời gian này". Theo như tôi được biết, trước đây họ chưa có ý định đầu tư đâu nhưng với tình hình hiện nay, họ đã quyết định ngay.
Điều đó để khẳng định doanh nghiệp, nhà đầu tư có niềm tin rất vững chắc đối với Bắc Giang. Họ biết trong lúc dịch giã như thế nhưng cấp ủy chính quyền luôn đồng hành, bảo vệ, hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Dương Văn Thái: Số liệu chính xác về tổng thiệt hại mà doanh nghiệp, người dân và tỉnh Bắc Giang phải gánh chịu trong đợt dịch này đến bây giờ vẫn còn chưa thống kê, chưa tính toán được.
Bởi vì toàn bộ hệ thống chính trị, nhân lực vật lực của Bắc Giang vẫn đang được huy động tổng lực cho dập dịch nhằm đạt mục tiêu đến cuối tháng 6 cơ bản không còn trường hợp lây nhiễm mới trong toàn tỉnh. Bắc Giang quyết tâm phải thoát khỏi dịch một cách chắc chắn càng sớm để phát triển kinh tế - xã hội càng tốt chứ chưa bỏ thời gian ra ngồi thống kê và tính thiệt hại để báo cáo.
Chính vì quyết tâm đó cho nên ngay thời điểm này, tôi rất tự tin khẳng định - kế hoạch phát triển của tỉnh năm 2021 chưa phải thay đổi bất kỳ mục tiêu nào cả. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cũng chưa có gì phải điều chỉnh cả. Tất cả vẫn đảm bảo đúng kế hoạch. Nhìn rộng ra, đợt dịch này không làm ảnh hưởng đến chiến lược trong dài hạn của Bắc Giang.
Công nghiệp và thu hút đầu tư vẫn đang duy trì tốc độ phát triển. Có thể 1 tháng dịch về bị chững lại nhưng sau đó, chúng tôi quyết tâm phục hồi được rất nhanh.
Giáo dục mặc dù bị ảnh hưởng rất lớn do phải lùi thời gian thi vào cấp 3, nhưng có thể nói Bắc Giang rất chủ động ngay khi nhận ra dấu hiệu đầu tiên của dịch vào ngày 7 - 8/5 đã chỉ đạo cho các trường tổ chức thi hết học kỳ II sớm hơn quy định 1 tuần. Sau đó trong thời điểm có dịch vẫn tiếp tục tổ chức dạy học. Tại những vùng dịch bùng lớn thì triển khai giáo dục online. Cho nên vẫn đảm bảo chương trình và kết thúc năm học an toàn.
Đặc thù của Bắc Giang là tỉnh có gần 80% dân số làm nông nghiệp. Tỉnh rất quan tâm đến vấn đề tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội và cả tinh thần của đại bộ phận bà con tỉnh nhà.
Thực tâm thì trong những ngày dịch bùng lên ác liệt nhất, chúng tôi phải nói lo vô cùng, nhưng trong "nguy" luôn có "cơ". Quan trọng mình phải xoay cho ra bằng được "cơ hội". Chúng tôi xoay bằng gần như mọi cách để đảm bảo đầu ra nông sản của tỉnh cơ bản vẫn tốt, bà con cơ bản có nguồn thu để yên tâm.
Ngoài cây chủ lực là vải thiều đang tiêu thụ tốt thì Bắc Giang còn tổng đàn lợn với 1,1 triệu con, tổng đàn gà ước 16 triệu con - đứng thứ 4 cả nước... đều đang thông thương ổn định. 10.000 tấn dưa, 15.000 tấn dứa cũng đã tiêu thụ xong hết rồi.
Vì sao tỉnh Bắc Giang quyết tâm chính trị cao, xây dựng kế hoạch rõ ràng, huyện xây dựng kế hoạch của huyện, tỉnh xây dựng kế hoạch của tỉnh tập trung đồng bộ trong 14 ngày tới cơ bản dập xong dịch?
Bởi vì chúng tôi phải dập sạch dịch để còn tiêu thụ vải thiều cho tốt. 14 ngày tới là cao điểm chính vụ vải thiều. Lúc đấy mình có đủ cơ sở công bố Bắc Giang cơ bản sạch dịch, là vùng đất an toàn thì chắc chắn vải thiều tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn nữa. Và đó chính là nhằm đạt được "mục tiêu kép" đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trước tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, đến nay tất cả các ổ dịch đều đã được phong tỏa, cách ly y tế, Bắc Giang đặt ra mục tiêu hết tháng 6/2021 toàn tỉnh sẽ cơ bản hết dịch bệnh để chuyển sang trạng thái kinh tế - xã hội bình thường mới; vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất từ đầu tháng 7.
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu này, ngày 21/6, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định hỗ trợ doanh nghiệp trong KCN khôi phục sản xuất. Theo đó, đến ngày 1/7, cơ bản doanh nghiệp trong các KCN sẽ hoạt động trở lại với tổng số lao động đi làm ước đạt 30.000 người. Lộ trình hướng đến hết 8/2021 các KCN của tỉnh sẽ thu nhận khoảng 50.000 người lao động quay trở lại làm việc; hết 10/2021 đạt khoảng 100.000 người; và từ cuối tháng 11/2021 đạt trên 120.000 người.
Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 đạt khoảng 8.000 tỷ đồng; tháng 8/2021 đạt khoảng 10.000 tỷ đồng; tháng 9,10/2021 đạt khoảng 12.000 tỷ đồng/tháng; từ tháng 11/2021 đạt trên 15.000 tỷ đồng/tháng.
Ông Dương Văn Thái: Gọi điện báo cáo hay trao đổi, làm việc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ ngành, đơn vị. cá nhân liên quan, là trách nhiệm thường trực của tôi. Nhiệm vụ thì mình làm thôi. Và rất may mắn, tất cả các lãnh đạo đều hết sức quan tâm, ủng hộ nhiệt thành.
Quan trọng là sau những cuộc gọi làm việc đó, Bắc Giang nhìn thấy một sự phối hợp đồng bộ từ trung ương xuống tận cơ sở. Từ Thủ tướng chỉ đạo, các bộ ngành ủng hộ vào cuộc, phối hợp cùng tỉnh nhanh chóng tập trung xử lý vướng mắc, tổ chức mọi biện pháp tiêu thụ quả vải thiều hết sức đồng bộ.
Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến anh Cường - nguyên Bộ trưởng bộ Nông nghiệp, người đã rất quan tâm và đặt tiền đề cho mọi quy trình, thủ tục, kỹ thuật tổ chức vùng sản xuất vải thiều đặc sản an toàn. Trong suốt nhiều năm qua, Bộ Nông nghiệp rồi Bộ Công thương đã chỉ đạo các cục, vụ viện xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều rất bài bản. Khi việc đã vào guồng sẵn, anh em có kinh nghiệm rất vững. Cho nên có rất nhiều sáng kiến để xử lý, tháo gỡ khó khăn.
Rồi đến các Bộ trưởng mới - các anh đều từ cơ sở lên nên rất chia sẻ với nỗi lo của địa phương. Mặc dù rất bận rộn lại đang cao điểm dịch nhưng anh Hoan (Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - PV), anh Diên (Bộ trưởng Bộ Công thương - PV) đều bố trí lên thăm vùng vải thiều và quyết định cùng bàn cách làm, vì vậy đi đến thống nhất rất nhanh. Chính các anh đã góp phần quan trọng giúp tỉnh kết nối được với các nhà phân phối lớn, các sàn TMĐT trong và ngoài nước, các tổ chức, đơn vị có nhu cầu nhằm thúc đẩy tốc độ tiêu thụ quả vải thiều đặc sản của Bắc Giang hiệu quả như chúng ta đã thấy.
Trên thực tế các anh đều kỳ vọng sau khi tiêu thụ tốt vải thiều ở thị trường trong nước như năm nay thì các loại nông sản khác của Việt Nam có thể nhìn vào để tìm ra cách thức phát triển thị trường theo hướng bền vững.
Cá nhân tôi nghĩ, đầu ra và thị trường trong nước là quan trọng. Mình cần phải làm thị trường và giành được thị trường trọng yếu này. Muốn làm được điều đó, ngoài những giải pháp tổng thể ra, trong bất kỳ trường hợp nào đều đòi hỏi chính quyền địa phương mà cụ thể là người lãnh đạo địa phương có nông sản luôn phải là chỗ để người nông dân, thương nhân và khách hàng tin tưởng. Đấy chính là niềm tự hào cũng là niềm vui Bắc Giang có được.
Cho nên để nhắc lại điều mà tôi ấn tượng thì phải nói rất thật, năm này qua tháng khác từ rất lâu rồi, vào mùa vải thiều, điện thoại tôi réo thường xuyên. Ngay cả thiếu đá, thương lái cũng gọi điện cho tôi kêu cứu: "Chết rồi! tình hình thiếu đá đóng vải bác ơi...", "Anh ơi, hôm nay cháy đá rồi!". Mà đấy là vào lúc 12 giờ đêm nhé. Thậm chí năm ngoái năm kia một ngày đi bao nhiêu xe vải, tình hình ở trên cửa khẩu như thế nào các doanh nghiệp đều quay clip gửi cho tôi hết. Họ báo cáo thường xuyên, thông tin thường xuyên còn hơn cả chuyên viên văn phòng Tỉnh ủy.
Cho nên người dân nào điện tôi cũng thưa. 24/24 giờ! Không sao cả. Mình phải nghe, nghe để có thông tin còn chỉ đạo xử lý kịp thời cho bà con. Người giải quyết đầu ra cho nông dân tôi nghĩ phải coi cả việc nhỏ nhất đó là trách nhiệm không được chối từ. Khi thấy mình giải quyết tốt công việc của mình thì người dân mới tin mình. Nhân dân mới nỗ lực hết sức để giải quyết tốt công việc của họ.
Chứ nói thật, nhiều tình huống đột xuất tôi chỉ có thể gọi điện cho lãnh đạo huyện hoặc sở để xem có thể tháo gỡ được điểm gì không? Nếu cần nghiên cứu tìm giải pháp thì yêu cầu phải có phương án xử lý tình huống trước. Nói chung, trong khả năng của mình, tôi chỉ có thể thông tin, chỉ đạo để các bộ phận làm thôi. Khi xác định được việc của mình là chỉ đạo thì mình phải làm xuất sắc việc đó. Đúng là nhiều lúc nói đùa mà thật, tôi chỉ làm được mỗi việc đó thôi chứ chả làm được gì cả.