• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bí thư Vương Đình Huệ: Sản phẩm du lịch của Thủ đô còn thiếu đẳng cấp và sự khác biệt

Thời sự 19/01/2021 15:40

(Tổ Quốc) - Sáng nay (19/1), Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Sở Du lịch nhằm tìm các giải pháp khắc phục trong bối cảnh khó khăn chung do đại dịch Covid-19.

Bí thư Vương Đình Huệ: Sản phẩm du lịch của Thủ đô còn thiếu đẳng cấp và sự khác biệt - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Kiến nghị nhiều giải pháp khôi phục ngành Du lịch

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, ngành du lịch Thủ đô bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự sụt giảm nguồn khách quốc tế đến, nguồn khách trong nước đi du lịch quốc tế và nguồn cầu du lịch trong nội địa.

Cụ thể, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 8,65 triệu lượt khách (giảm 70% với năm 2019). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,11 triệu lượt khách (giảm 84,4%); khách nội địa ước đạt 7,54 triệu lượt khách (giảm 65%). Trong 2 đợt bùng phát dịch đã có khoảng 90% số DN lữ hành đóng cửa, tạm dừng hoạt động và có 950/3.587 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 28,02 nghìn tỷ đồng (giảm 73% so với năm 2019 và tương đương giảm 75,79 nghìn tỷ đồng).

Nói về giải pháp khôi phục ngành Du lịch Thủ đô, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, để phát triển du lịch, Hà Nội cần tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương để kết nối và phát triển các sản phẩm; tổ chức các sự kiện độc đáo, phát triển kinh tế đêm.

Bí thư Vương Đình Huệ: Sản phẩm du lịch của Thủ đô còn thiếu đẳng cấp và sự khác biệt - Ảnh 2.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng thời, quan tâm hơn hỗ trợ DN kinh doanh lữ hành vượt qua khó khăn của Covid-19 và xây dựng các sản phẩm đặc thù của Hà Nội. Tiếp tục duy trì truyền thông để quảng bá hình ảnh Hà Nội, Việt Nam ra nước ngoài. Đẩy mạnh chuyển đổi số để ứng dụng tốt hơn trong công tác quảng bá du lịch. Đào tạo nguồn nhân lực và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần có để khôi phục lại ngành du lịch sau hậu Covid-19.

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu quan điểm, muốn thu hút du khách phải có sản phẩm phục vụ phù hợp nhu cầu, nhưng về tổng thể Hà Nội hút khách phải bằng sự kiện lớn (như Đà Nẵng tổ chức sự kiện pháo hoa hàng năm). Hà Nội hiện chưa phát triển được du lịch hội nghị, hội thảo; còn thiếu cơ sở vật chất tổ chức các sự kiện tầm khu vực.

Do đó, ông Vũ Thế Bình đề nghị, Hà Nội cần tập trung thu hút để tổ chức các sự kiện tầm thế giới. Ngoài ra, cần phát triển bằng được hàng hóa phục vụ du khách qua các trung tâm mua sắm lớn và nếu phát triển tốt doanh thu sẽ tăng cao. Để làm được thì cần sớm có đề án và phân công cụ thể đơn vị phụ trách.

Theo Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trịnh Quốc Hùng, nhu cầu du lịch hiện nay đã thay đổi theo hướng kinh phí rẻ, đi lại thuận lợi. Trong khi đó, Thủ đô còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch theo hướng “người Hà Nội đi du lịch Hà Nội” và có thể đáp ứng được nhu cầu này.

Sản phẩm du lịch thiếu đẳng cấp, thiếu sự khác biệt

Phát biểu tại làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng, du lịch không phải là ngành dịch vụ mà là ngành tổng hợp, mang đậm bản sắc văn hóa, có tính liên ngành rất cao. Sự phục hồi của ngành du lịch là một trong những nhân tố quyết định nhất đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của Hà Nội trong năm nay, cùng với đó là giải quyết việc làm, thu ngân sách…

Bí thư Vương Đình Huệ: Sản phẩm du lịch của Thủ đô còn thiếu đẳng cấp và sự khác biệt - Ảnh 3.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Thời gian tới, những khó khăn, thách thức dự báo vẫn còn. Với những kịch bản tăng trưởng đã được đưa ra, ngành du lịch Hà Nội phải trả lời được các câu hỏi, phát triển DN du lịch như thế nào và sản phẩm du lịch của Hà Nội gồm những gì.

Bí thư Hà Nội cho rằng, việc tái cơ cấu lại ngành du lịch của Hà Nội trong điều kiện mới sẽ gặp thách thức hơn rất nhiều và nếu không hành động quyết liệt, kịp thời thì sẽ tụt hậu, ảnh hưởng trực tiếp mục tiêu tăng trưởng của TP từ 7,5-8% trong năm 2021.

"Qua đại dịch Covid-19 mới bộc lộ ra các điểm yếu của du lịch Hà Nội từ môi trường, hạ tầng, DN và nhất là sản phẩm du lịch, quản lý Nhà nước về du lịch” - Bí thư Vương Đình Huệ chỉ rõ.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng chỉ ra nguyên nhân là việc tổ chức quán triệt Nghị quyết 06 của Thành ủy về tư duy, nhận thức của các cấp, các ngành còn hạn chế; hạ tầng, quy hoạch du lịch còn dở dang; DN du lịch đa số nhỏ và siêu nhỏ; sản phẩm du lịch thiếu đẳng cấp, thiếu sự khác biệt, thiếu sự thích hợp với các đối tượng và chưa có tính cạnh tranh.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Sở Du lịch lập ngay kế hoạch, trình UBND TP để phục hồi và phát triển du lịch năm 2021 theo tinh thần tập trung mọi nỗ lực thu hút khách nội địa, bao gồm tổ chức cho khách Hà Nội đi tham quan ở các nơi khác. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng tâm thế khác khi thị trường du lịch mở cửa lại phải đáp ứng được yêu cầu du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT, số hóa các hoạt động, thiết chế văn hóa liên quan đến du lịch; có chính sách về thuế, phí, rà soát mức phí và giá phù hợp; muốn dịch vụ cao hơn thì chất lượng dịch vụ phải tốt hơn, chu đáo, chất lượng hơn.

Trước mắt, Sở Du lịch tập trung xây dựng chính sách thu hút khách từ các tỉnh về Hà Nội, khách của Hà Nội đi các tỉnh, xây dựng sản phẩm phù hợp từng đối tượng; có kế hoạch tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo mang tầm vóc, trong đó có sự kiện liên quan SEA GAMES 31; tổ chức các festival, lựa chọn đại sứ du lịch cho Hà Nội, đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao tầm khu vực tại Hà Nội.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh du lịch học đường. Trong đó, tập trung loại hình du lịch này phù hợp với định hướng nâng cao tinh thần yêu nước cho học sinh, sinh viên tại các bảo tàng, làng văn hóa, các tour tìm hiểu về Thăng Long Tứ trấn; tổ chức du lịch đường sông với các điểm đến kết hợp di tích lịch sử văn hóa, làng nghề; du lịch tâm linh kết hợp du lịch nghỉ dưỡng; nghiên cứu tổ chức con đường du lịch xuyên TP kết nối các điểm du lịch../.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ