(Tổ Quốc) - Gắn bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch, thực hiện tốt chủ trương "biến di sản thành tài sản", mang lại lợi ích cho cộng đồng; bảo tồn di sản văn hóa tại chỗ trong cộng đồng, tôn trọng quyền làm chủ của chủ thể văn hóa… Chỉ có như vậy di sản văn hóa mới được "đánh thức" trở thành tài sản, được quảng bá qua các phương tiện truyền thông trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Phát triển của du lịch cộng đồng dựa trên di sản văn hóa các dân tộc được coi là giải pháp hướng tới hai mục tiêu quan trọng: bảo tồn, phát huy di sản và phát triển kinh tế địa phương. Và để làm được điều này ngoài yếu tố di sản được coi là cốt lõi có tính độc đáo, mang đậm nét văn hoá đặc sắc của vùng… thì các điều kiện cơ sở du lịch, dịch vụ du lịch cũng được coi là những hạt nhân cơ bản trong cơ cấu của sản phẩm du lịch.
Một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá, bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể chính là tạo được sinh kế, thu nhập cho cộng đồng nắm giữ và thực hành di sản thông qua hoạt động du lịch.
Theo Ths. Cao Trung Vinh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia), qua quá trình nghiên cứu ông nhận thấy mô hình lấy di sản văn hóa dân tộc là nền tảng mang đến cho du khách cơ hội phát triển tiềm năng sáng tạo của mình thông qua tương tác, tham gia trực tiếp và các trải nghiệm tìm hiểu, học hỏi văn hoá địa phương.
"Phát triển du lịch sáng tạo dựa trên nền tảng di sản văn hóa sẽ giúp du lịch địa phương đa dạng hóa hệ thống sản phẩm du lịch, gia tăng giá trị cho các sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống, phát triển thương hiệu du lịch độc đáo và xúc tiến quảng bá tốt hơn thông qua hiệu ứng mạng xã hội, thu hút được thêm dòng khách trung cấp đến cao cấp, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh", ông Vinh nhấn mạnh.
Còn TS. Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cũng khẳng định, di sản văn hóa là tiềm năng, nguồn lực trọng yếu để phát triển các hoạt động và sản phẩm thương mại du lịch. Từ đó, du lịch tạo ra sinh kế cho cộng đồng và tác động ngược trở lại tới công tác phục hồi và bảo tồn di sản.
Di sản văn hóa là tiềm năng, nguồn lực trọng yếu để phát triển các hoạt động và sản phẩm thương mại du lịch. Từ đó, du lịch tạo ra sinh kế cho cộng đồng và tác động ngược trở lại tới công tác phục hồi và bảo tồn di sản.
TS. Trần Hữu Sơn
Việc phát triển du lịch cộng đồng mang lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Trong đó, thành tựu nổi bật là hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng đồng bộ, người dân có nguồn thu nhập ổn định; nhiều hộ đã xóa được đói, giảm được nghèo. Nhiều bản văn hóa - du lịch được thành lập; được chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch cộng đồng, thu hút được một số lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, lưu trú.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, họat động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng còn bộc lộ nhiều mặt bất cập, hạn chế. Tình trạng suy giảm về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở các làng văn hóa - du lịch dân tộc thiểu số vẫn tiếp tục diễn ra. Nhiều nghi lễ, nghệ thuật trình diễn dân gian, văn học dân gian, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống, cách xây dựng nhà cửa và không gian sinh họat gia đình theo phong tục truyền thống,... không còn được tuân thủ và duy trì thực hành đầy đủ. Những mặt hạn chế nêu trên cho thấy nguồn lực di sản văn hóa dân tộc chưa được bảo vệ và khai thác một cách bền vững.
Quá trình này cũng làm xuất hiện hiện trạng "hàng hóa hóa di sản", biến di sản trở thành sản phẩm thương mại một cách ồ ạt để phục vụ cho nhu cầu giải trí của du khách, làm mất đi ý nghĩa truyền thống, giá trị nghệ thuật vốn có, cộng đồng người dân địa phương mất bản quyền về bảo vệ di sản văn hóa vào tay các doanh nghiệp, người dân là chủ nhân của di sản trở lại thành người đi làm thuê thực hành các loại hình "nhại" di sản.
Để phát triển bền vững du lịch dựa trên di sản văn hóa dân tộc thì ngay từ đầu cần có những nguyên tắc cũng như giải pháp để đưa phát triển du lịch vào chương trình tổng thể. Làm tốt điều này, sẽ giúp cho việc bảo tồn và phát huy di sản một cách có hiệu quả và tránh được những rủi ro tác động đến di sản khi khai thác du lịch.
Theo Ths. Cao Trung Vinh, cần có những điều chỉnh trong hoạch định chính sách và hành động. Nhìn nhận đúng vai trò của cộng đồng đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng trong phát triển du lịch. Bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch; bảo đảm phát triển bền vững trong hoạt động du lịch tại các di tích, di sản văn hóa; tôn trọng tính đa dạng văn hóa, tính chỉnh thể của di sản văn hóa phi vật thể.
Đồng quan điểm này, TS. Trần Hữu Sơn cho rằng cần có một hệ thống các giải pháp mang tính chất tổng thể. Đầu tiên phải xây dựng các thể chế, hoạch định chính sách quản lý một cách chặt chẽ, Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch cần bổ sung các điều, khoản về vai trò của cộng đồng với bảo tồn di sản, vai trò và quyền lợi của cộng đồng trong phát triển du lịch một cách rõ ràng. Ngoài ra, nhà nước cần xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả, phân chia nguồn lợi phù hợp, đảm bảo cộng đồng nhận được những quyền lợi tương xứng, không bị "lép vế" so với doanh nghiệp.
Ths. Cao Trung Vinh Đồng đưa ra một loạt nguyên tắc cần đảm bảo như: sự tham gia của cộng đồng, tôn trọng văn hoá địa phương và các di sản văn hoá, chia sẻ lợi ích, sở hữu và tham gia của địa phương.
Như vậy các địa phương cần phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, đảm bảo quyền tham gia và làm chủ của cộng đồng trong việc thực hiện các dự án đầu tư, sử dụng nguồn lực di sản văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng; Xây dựng một chương trình thống nhất nhằm duy trì tính toàn vẹn văn hóa, nâng cao chất lượng thực hành văn hóa truyền thống và sinh kế truyền thống của người dân địa phương; Thiết lập cơ chế liên kết, hợp tác hiệu quả giữa các tổ chức, đơn vị tham gia bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng ở các thôn bản văn hóa - du lịch, trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng bên.
Các địa phương cần phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, đảm bảo quyền tham gia và làm chủ của cộng đồng trong việc thực hiện các dự án đầu tư, sử dụng nguồn lực di sản văn hóa trong phát triển du lịch
Nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức xã hội... tham gia khai thác nguồn lực di sản văn hóa cần xây dựng và thực hiện cơ chế chia sẻ lợi nhuận công bằng và minh bạch từ du lịch để đưa vào nguồn lực họat động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Nguồn lợi thu được từ du lịch cần đảm bảo được phân phối hợp lý nhằm tái đầu tư cho bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Ngược lại, việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa cộng đồng phải tạo được quy chuẩn đạo đức, sự hấp dẫn lợi ích đối với các nhà đầu tư và khách du lịch từ đó thu hút nguồn lực phát triển từ bên ngoài.
Các cộng đồng cùng nhau xây dựng chương trình cung cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác bản sắc văn hóa từng cộng đồng cho khách du lịch vừa đảm bảo lợi thế cạnh tranh, vừa mang hiệu quả kinh tế, xã hội.
Chính quyền cần xây dựng, cụ thể hóa các tiêu chuẩn có thể đo lường trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy di sản văn hóa gắn với tiêu chuẩn du lịch cộng đồng; Đảm bảo điều kiện thuận lợi để cộng đồng bảo vệ và sáng tạo truyền thống; Đảm bảo sự phù hợp với khả năng của cộng đồng; Đảm bảo xác lập quyền sở hữu của cộng đồng...
Các địa phương cũng cần triển khai kết hợp các nhóm giải pháp hoàn thiện mô hình bảo vệ và phát huy di sản văn hóa với giải pháp hoàn thiện mô hình phát triển du lịch cộng đồng một cách đồng bộ, có như vậy việc sử dụng các nguồn lực di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc phục vụ phát triển kinh tế, xã hội mới trở nên hiệu quả và bền vững.