Bình Thuận: Tận dụng cơ hội tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023 để làm "cú hích" cho xây dựng môi trường văn hóa
(Tổ Quốc) - Ông Võ Thành Huy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh sẽ tận dụng cơ hội được đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ phát động chủ đề năm công tác là "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ". Báo điện tử Tổ quốc đã có nhiều bài viết nhằm ghi nhận, phản ánh việc hưởng ứng, triển khai thực hiện chủ đề năm mà Bộ VHTTDL đã phát động. Trong dịp này, ông Võ Thành Huy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã trả lời phỏng vấn liên quan đến chủ đề này.
- Xin ông cho biết, thời gian qua, việc xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được triển khai như thế nào?
+ Việc xây dựng môi trường văn hóa tại tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua đã được triển khai tích cực, hiệu quả, bám sát các Kế hoạch, Chương trình thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) "về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
Cụ thể như Chương trình hành động số 29-NQ/TU ngày 11/7/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII); Kế hoạch số 4137/KH-UBND ngày 14/11/2014 triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy (khóa XII) của UBND tỉnh; Kế hoạch số 712/KH-SVHTTDL ngày 23/4/2015 về thực hiện Kế hoạch số 4137/KH-UBND ngày 14/11/2014 của UBND tỉnh…
Theo đó, tỉnh đã triển khai nhân rộng, biểu dương những điển hình tốt, gương tiêu biểu trong việc giữ gìn đạo đức, thuần phong mỹ tục, xây dựng gia đình văn hóa và phòng, chống, bài trừ, phê phán các sản phẩm văn hóa độc hại. Các đơn vị thông tin, truyền thông của tỉnh đã xây dựng nội dung chương trình "Người tốt, việc tốt", có nhiều bài viết, phóng sự, tuyên truyền phản ánh những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở.
Trong sáng tác có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng, nghệ thuật góp phần giáo dục, xây dựng môi trường văn hóa, con người mới văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, từng bước hình thành các chuẩn mực giá trị văn hóa mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Công tác tuyên truyền, cổ động, triển lãm, văn hóa, văn nghệ phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của quần chúng Nhân dân.
Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp trong tỉnh, hầu như mỗi thôn - khu phố văn hóa cũng như 124/124 xã, phường, thị trấn đều có đội văn nghệ thường xuyên tổ chức biểu diễn. Đây là lực lượng tham gia xã hội hóa hoạt động văn hóa tích cực và rõ nét ở khắp các địa bàn cơ sở, góp phần xây dựng đời sống và môi trường văn hóa ở cơ sở.
Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được quan tâm chú trọng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân: Toàn tỉnh có 72 di tích được xếp hạng (trong đó có 28 di tích quốc gia và 44 di tích cấp tỉnh). Đã có 25/28 di tích, danh thắng quốc gia và 27/44 di tích cấp tỉnh được đầu tư tôn tạo bằng nguồn ngân sách của Nhà nước và kinh phí xã hội hóa. Có 4 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ("Nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận" năm 2012; "Lễ hội Cầu ngư tại vạn Thủy Tú, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận" năm 2019; "Lễ hội dinh Thầy Thím xã Tân Tiến, thị xã La Gi" và "Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận" năm 2022).
Tỉnh cũng đã triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa, các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Các cấp, các ngành đã chủ động lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về vị trí vai trò của văn hóa, của mô hình xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, tích cực triển khai các chương trình, dự án về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là xây dựng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã có tác động sâu sắc tới các thành viên trong gia đình, dòng họ, cộng đồng làm cho những giá trị văn hóa truyền thống được khơi dậy và phát huy. Qua đó, người dân đã tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả vào những công việc chung của khu vực nơi mình sinh sống; góp phần đẩy lùi những tệ nạn xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các khu dân cư, xây dựng gia đình trong sạch, lành mạnh.
Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa toàn tỉnh Bình Thuận có 01 Trung tâm Văn hóa tỉnh, 09/10 Trung tâm Văn hóa và Thể thao cấp huyện; 106/124 Trung tâm Văn hóa và Thể thao cấp xã, phường; 671/691 Nhà Văn hóa thôn, khu phố đã được trang bị cơ bản hệ thống âm thanh.
Toàn tỉnh hiện có 100% thôn, khu phố đăng ký phát động xây dựng thôn, khu phố văn hóa; cuối năm 2021 qua bình xét, có 671/691 thôn-khu phố được công nhận lại và công nhận mới, đạt tỷ lệ 97%.
Đến nay đã có 10/10 huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban chỉ đạo mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 72 xã, phường, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 68 thôn, khu phố thành lập Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và hình thành 105 Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở.
- Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông, việc xây dựng môi trường văn hóa ở tỉnh Bình Thuận còn gặp những khó khăn, vướng mắc gì?
+ Về xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, hiện một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm toàn diện đến xây dựng môi trường văn hóa cơ sở; trong quá trình phối hợp tổ chức thực hiện còn thụ động. Ý thức của một bộ phận Nhân dân đối với vấn đề này cũng còn chưa rõ nét, nhận thức một cách đầy đủ.
Tình trạng xuống cấp về mặt đạo đức, lối sống thực dụng, sự đảo lộn các thang bậc giá trị xã hội và sự xuất hiện các giá trị phi truyền thống trong tầng lớp thanh thiếu niên do tác động mặt trái của cơ chế thị trường đã làm cho môi trường văn hóa trong ứng xử, quan hệ xảy ra các vi phạm mang tính chất nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng ở khu vực nông thôn và thành thị đã làm ảnh hưởng đến việc xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở.
Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc tỉnh Bình Thuận năm 2022. Ảnh: Báo Bình Thuận
Trong hoạt động kinh doanh các dịch vụ văn hóa, có lúc có nơi diễn ra các hoạt động thiếu lành mạnh, chạy theo lợi nhuận kinh tế đơn thuần, tác động làm suy giảm và đi ngược với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Nguồn kinh phí nhà nước cấp, đầu tư cho bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống còn khiêm tốn so với thực trạng và mức độ biến đổi dần những giá trị cốt lõi thuộc về bản sắc văn hóa theo thời gian ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác văn hóa còn nhiều bất cập và chưa đồng bộ; năng lực đội ngũ cán bộ ở cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, lại thường xuyên biến động, không ổn định nên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực văn hóa.
- Năm 2022, Bộ VHTTDL xác định chủ đề năm công tác là "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và tổ chức cán bộ", vậy tỉnh đặt ra kế hoạch như thế nào để hưởng ứng chủ đề này, thưa ông?
+ Tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa trong kinh tế, chú trọng yếu tố văn hóa con người, văn hóa ứng xử, đạo đức kinh doanh. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án: "Hệ giá trị văn hóa và quy định về Chuẩn mực con người Bình Thuận gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam".
Đồng thời, tiếp tục triển khai lập hồ sơ khoa học trình nhà nước xếp hạnh di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh; đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Triển khai các giải pháp đồng bộ để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân tại các địa phương và góp phần phát triển văn hóa du lịch.
Cùng với đó là phát triển và nâng cao chất lượng phong trào văn nghệ quần chúng, định hướng các giá trị văn hóa mới trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể văn hóa của nhân dân, góp phần tích cực trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc đầu tư xây dựng hoàn thiện các thiết chế văn hóa còn thiếu từ tỉnh đến cơ sở. Xây dựng Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới tăng về chỉ tiêu và chất lượng; phấn đầu 100% thôn-khu phố được công nhận danh hiệu thôn, khu phố văn hóa.
Tăng cường xã hội hóa và huy động các nguồn lực xã hội để đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, góp phần phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở, tập trung cho các xã nông thôn mới, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Tiếp tục rà soát, theo dõi, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động, khai thác và phát huy hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư; Vận động, khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực từ Nhân dân để xây dựng Nhà văn hóa thôn, khu phố.
Về công tác tổ chức cán bộ, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh việc rà soát, tăng cường triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác văn hóa còn nhiều bất cập và chưa đồng bộ ở cơ sở đảm bảo có năng lực và sở trường phù hợp với vị trí, nhiệm vụ công tác để đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với xây dựng môi trường văn hóa trong tình hình mới hiện nay.
Tổ chức tuyển dụng vị trí việc làm phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội ở cơ sở phải đảm bảo bằng cấp chuyên môn đào tạo phù hợp với công việc được giao và thực hiện nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa phát triển, lành mạnh, văn minh.
Đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ mới, việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ làm văn hóa đảm bảo theo đúng chuyên môn, phù hợp sở trường.
Xây dựng chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ văn hóa, văn nghệ, khoa học phù hợp, có trình độ chuyên môn cao, năng lực, phẩm chất bảo đảm trong công tác cán bộ có những kết quả chuyển biến tốt.
- Được biết, trong cuộc họp gần đây, Bộ VHTTDL đã đồng ý để Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023. Vậy theo ông tỉnh sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào để xây dựng môi trường văn hóa và giới thiệu văn hóa bản địa đến du khách thập phương?
+ Có thể nói, việc được Bộ VHTTDL cho phép đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 là một cơ hội để tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nhất là đầu tư phát triển du lịch, quảng bá văn hóa địa phương.
Tỉnh đã xây dựng kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc sinh sống trong tỉnh thông qua các hình thức tổ chức các hoạt động trưng bày triển lãm ảnh, biểu diễn nghệ thuật thông qua các chương trình Khai mạc, Bế mạc năm du lịch quốc gia 2023 tổ chức tại Bình Thuận; các hoạt động của Trung ương tổ chức tại Bình Thuận; các hoạt động của Bình Thuận liên kết phối hợp với các tỉnh bạn tổ chức; nhất là các hoạt động trong "Tuần lễ văn hóa" và các hoạt động do tỉnh đứng ra tổ chức… để giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế.
Qua đó, nâng cao niềm tự hào, ý thức, trách nhiệm của các chủ thể văn hóa trong việc góp phần xây dựng môi trường văn hóa cơ sở tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, văn minh, hiện đại và phù hợp với yêu cầu của phát triển đất nước trong tình hình mới hiện nay.
- Xin cảm ơn ông!