• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Gói 62 nghìn tỷ không chỉ là “tiền tươi thóc thật”

Kinh tế 02/11/2020 16:06

(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại buổi thảo luận tổ sáng nay (2/11) về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021...

Tại buổi thảo luận, gói 62 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. 

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) cho rằng: Nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19, nay lại xảy ra tình trạng bão lũ gây ra nhiều thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh miền Trung. Do vậy, trước mắt cần phải có giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống cho người dân.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Gói 62 nghìn tỷ không chỉ là  “tiền tươi thóc thật” - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (Ảnh: Quochoi.vn)

Theo ĐB Đỗ Ngọc Thịnh, thời gian qua đã có gói hỗ trợ an sinh xã hội và đang tiếp tục đề xuất có thêm gói hỗ trợ an sinh lần thứ 2, nhưng "những gói hỗ trợ đó đã tạo sự yên tâm cho người dân để họ tiếp tục sinh sống và kinh doanh sản xuất hay không?". 

ĐB này kiến nghị cần "mở rộng các gói kích cầu để có thể tăng cả tổng cung và tổng cầu để cả xã hội có thể quay trở lại trạng thái tương đối bình thường trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đảm bảo sinh hoạt trong xã hội". 

Đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời đề xuất ban hành gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, song theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn ĐBQH Đà Nẵng) và ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM), sau nửa năm triển khai, kết quả giải ngân đạt chưa cao. Hai ĐB này cho rằng cần những giải pháp thiết thực hơn về vấn đề này. 

Về nội dung này, Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho rằng, qua đại dịch Covid-19 vừa qua có thể thấy được bài học thành công trong phòng chống dịch. Ngoài sự lãnh đạo của Đảng, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ủng hộ nhân dân thì có một yếu tố nền tảng, đó là hệ thống trung tâm dịch vụ y tế dự phòng rất tốt, mọi người dân đều được chữa trị dù có tiền hay không.

Liên quan đến gói hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ trưởng chia sẻ: "Hiện nay nhiều người đang hiểu nhầm rằng tất cả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đều là "tiền tươi thóc thật" nhưng thật ra không phải thế. Thực tế trong đó có rất nhiều khoản hỗ trợ khác".

Đơn cử, trong số tiền 62 nghìn tỷ đó còn bao gồm hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuấ,; rồi cho vay, tiền giải quyết bảo hiểm thất nghiệp... "Tiền mặt hỗ trợ thực tế chỉ khoảng hơn 30 nghìn tỷ thôi. Trong đó, đã phê duyệt thực chất là 24.000 tỷ đồng nhưng đã chi được 14.000 tỷ đồng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết thêm, nhiều địa phương đã lấy cả vốn ngân sách địa phương để hỗ trợ người dân. Qua đó, có thể thấy trong hoàn cảnh khó khăn vẫn quan tâm đến vấn đề xã hội. Từ đó, niềm tin của người dân tăng lên chính là phần thưởng vô giá với chúng ta. 

Góp ý vào Báo cáo Kinh tế Xã hội, theo Bộ trưởng, cần phải nhấn mạnh hơn yếu tố đảm bảo phát triển toàn diện và hài hòa giữa kinh tế và xã hội. 

Về định hướng trong 5 năm tới cần đặt ra mục tiêu nhất quán về vấn đề phát triển bao trùm bền vững. Trong đó tập trung vào 3 vấn đề cơ bản, cụ thể gồm: Nâng cao, nâng tầm kỹ năng của người lao động Việt Nam; Quan tâm tới việc làm cho người lao động; An sinh xã hội bền vững mà trọng tâm là 2 trụ cột BHXH và BHYT./.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ