Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất với sự tham gia của hơn 200 nhà hoạt động văn hoá đại diện cho phong trào văn hoá toàn quốc thời bấy giờ. 75 năm sau đó, cũng vào ngày 24/11, Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đây được xem là một ngày hội lớn, một "hội nghị Diên Hồng" của toàn ngành Văn hóa.

(Tổ Quốc) - Ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất với sự tham gia của hơn 200 nhà hoạt động văn hoá đại diện cho phong trào văn hoá toàn quốc thời bấy giờ. 75 năm sau đó, cũng vào ngày 24/11, Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đây được xem là một ngày hội lớn, một "hội nghị Diên Hồng" của toàn ngành Văn hóa.

Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Nhân sự kiện chính trị quan trọng này, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã chia sẻ với Báo điện tử Tổ quốc về một số vấn đề liên quan đến Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới là một sự kiện mang tính lịch sử” - Ảnh 1.

- Xin Bộ trưởng cho biết mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021?

Năm 2021 là năm đất nước của chúng ta có rất nhiều sự kiện chính trị quan trọng. Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030. Đại hội Đảng khóa XIII đã hoạch định đường lối phát triển của đất nước Việt Nam đến năm 2030 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, năm 2045 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Theo đó, Đảng đặt ra mục tiêu đến lúc đó nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển.

Năm 2021 cũng đánh dấu 35 năm công cuộc đổi mới đất nước. Bên cạnh đó, đây là năm mà tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế có những biến động, khó khăn và thuận lợi đan xen. Đất nước ta phải đối mặt với đại dịch COVID-19 nhất là từ tháng 4/2021, đợt bùng phát dịch thứ 4 đã gây ra cho đất nước chúng ta nhiều thiệt hại rất lớn, ngành VHTTDL bị ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Đảng, từ lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, đến Nghị quyết Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, các chương trình hành động cụ thể của Chính phủ cùng sự đồng lòng, đồng sức của nhân dân thì đến thời điểm này chúng ta đã từng bước kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, đưa đất nước vào giai đoạn thích ứng an toàn, kiểm soát linh hoạt hiệu quả dịch bệnh. Chúng ta đang có cơ hội làm tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống văn hóa.

Đặc biệt hơn nữa, năm 2021, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân sẽ kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ tổ chức Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất ngày 24/11/1946. Chính vì vậy, Bộ VHTTDL đã chủ động tham mưu cho các cấp có thẩm quyền, sau đó Thường trực Ban Bí thư giao nhiệm vụ cho các ban Đảng, các tổ chức có liên quan nhằm tổ chức triển khai sớm các Nghị quyết của Đảng về lĩnh vực văn hóa.

Diễn ra vào thời điểm quan trọng của đất nước, vì vậy, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 chính là sự kiện mang tính chất lịch sử.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới là một sự kiện mang tính lịch sử” - Ảnh 2.

- Như Bộ trưởng đã khẳng định, Hội nghị được diễn ra trong bối cảnh vô cùng đặc biệt. Vậy xin Bộ trưởng cho biết, Hội nghị lần này sẽ tập trung vào những nội dung gì?

Hội nghị Văn hóa toàn quốc bám sát tổng thể quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về lĩnh vực văn hóa.

Việc tổ chức Hội nghị lần này cho thấy sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, nhất là sự quan tâm của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Ban Bí thư đối với văn hóa. Sự quan tâm đó là có cơ sở lý luận và thực tiễn, bởi các văn kiện của Đảng đều khẳng định phải đặt văn hóa ngang tầm với chính trị và kinh tế, coi văn hóa là động lực tinh thần của sự phát triển, là một trong bốn trụ cột mà Nghị quyết Đại hội XIII đã nói rất rõ.

Vì vậy, quy mô của Hội nghị khá lớn với tính chất toàn quốc, bên cạnh việc tổ chức tại hội trường Diên Hồng với sự tham dự của gần 600 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, văn nghệ sỹ, các tổ chức chính trị xã hội, hội nghị còn được kết nối trực tuyến đến tất cả các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ban Chỉ đạo hội nghị cũng mong muốn hội nghị được kết nối trực tuyến mở rộng đến tận các xã phường, thị trấn trong toàn quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới là một sự kiện mang tính lịch sử” - Ảnh 3.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tham quan Triển lãm Văn hóa soi đường cho quốc dân đi.

Nội dung, trọng tâm xuyên suốt của Hội nghị chính là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa. Bên cạnh đó, dựa trên đường lối của Đảng ta, đặc biệt là tinh thần của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề văn hóa được Đảng ta xác định là "kim chỉ nam" cho hành động, chúng ta sẽ có cơ hội nhìn lại một cách sâu sắc hơn qua 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng chúng ta đã đạt được thành tựu gì, chúng ta đang khó khăn, yếu kém gì?

Từ đó sẽ rút ra được những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, để có một nhận thức đúng đắn. Khi chúng ta có nhận thức đúng sẽ có một hành động đẹp.

Từ nhận thức có tính chất hệ thống, ở dưới góc độ văn hóa, yêu cầu đặt ra là phải xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới trên trục xuyên suốt là phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trọng tâm chính là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Đó chính là yêu cầu cũng như nội dung của Hội nghị lần này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới là một sự kiện mang tính lịch sử” - Ảnh 4.

- Xin Bộ trưởng chia sẻ về những kỳ vọng của mình tại Hội nghị quan trọng lần này?

Phải khẳng định rằng, các nhà văn hóa, đội ngũ thực hành văn hóa, văn nghệ sỹ, những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng, các thế hệ lãnh đạo, nói rộng ra là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đều mong muốn sau Hội nghị lần này chúng ta sẽ có nhận thức đúng đắn hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về quan điểm, đường lối của Đảng ta về văn hóa.

Chỉ khi nhận thức đầy đủ, có hệ thống, nâng tầm nhận thức của mỗi Đảng viên thì chúng ta mới có điều kiện thực hành văn hóa đúng đường lối, quan điểm của Đảng, có như vậy mới không đi chệch hướng, phát huy được đầy đủ các nội hàm xây dựng nền văn hóa mà chúng ta đang hướng đến đó là tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. 

Đó chính là nền văn hóa biết tiếp thu các tinh hoa văn hóa của nhân loại trong qua trình tiếp biến, chủ động khắc phục những tác động của văn hóa ngoại lai, ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình hội nhập.

Sau Hội nghị, chúng ta phải xác lập để xây dựng hệ sinh thái văn hóa mà bao trùm xuyên suốt là xây dựng cho được một môi trường văn hóa, tiếp cận theo hướng chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực và ưu tiên vấn đề văn hóa doanh nghiệp và doanh nhân.

Khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta coi doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế. Vậy phải xây dựng môi trường văn hóa ở lĩnh vực này như thế nào để đảm bảo hàm lượng văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa.

Như chúng ta đã biết, văn hóa dân tộc ta bắt đầu từ cơ sở, được hình thành, hun đúc từ lịch sử hàng ngàn năm nay của dân tộc, chúng ta phải biết trân trọng và phát huy giá trị đó. Phải làm thực chất hơn việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, từ khu dân cư, các cơ quan đơn vị, để đó thực sự là môi trường văn hóa lành mạnh, giàu tính nhân văn.

Đặc biệt, sau Hội nghị, chúng ta phải tập trung thực hành để triển khai hệ giá trị con người Việt Nam mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra. Đó là con người Việt Nam yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, sáng tạo và có khát vọng xây dựng đất nước.

Nhưng cũng không thể xây dựng theo hướng chỉ có một số giải pháp cụ thể mà phải đặt con người trong tổng thể, vừa là nhân vật trung tâm vừa là chủ thể xây dựng văn hóa, ngược lại văn hóa hình thành nên phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, con người của thời đại hội nhập, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Đây chính là những điều đáng kỳ vọng sau Hội nghị này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới là một sự kiện mang tính lịch sử” - Ảnh 5.

- Được biết, tại Hội nghị lần này, Ban tổ chức cũng dành thời gian để Bộ VHTTDL quán triệt về Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030. Xin Bộ trưởng chia sẻ một vài định hướng chính trong Chiến lược này?

Từ nhận thức, quan điểm của Đảng về văn hóa, trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Bộ VHTTDL được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030.

Ngoài việc kế thừa những kết quả đã đạt được, trong Chiến lược lần này, chúng tôi không có tham vọng vượt ra ngoài mà chỉ khu trú lại những nhiệm vụ có tính chất trọng tâm, trọng điểm cố gắng tìm kiếm, tháo gỡ những vấn đề khó khăn để đưa chiến lược. Với cách tiếp cận đó, Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 chú trọng vào một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Nhóm nhiệm vụ đầu tiên là nâng cao nhận thức một cách đầy đủ nhất về các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa để tuyên truyền, xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Phải nâng cao nhận thức trong nhân dân thì chúng ta mới có điều kiện thực hành văn hóa, bởi vì nhân dân là chủ thể.

Thứ hai, văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, bao trùm. Muốn quản lý thì phải có công cụ pháp luật. Chúng ta phải đổi mới tư duy, thay vì chúng ta làm văn hóa thì chuyển sang quản lý Nhà nước về văn hóa bằng việc hoàn thiện về thể chế, chính sách và công cụ. Đây là một trong ba đột phá Đảng đã xác định.

Theo đó, ngành văn hóa phải rà soát lại toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật để xem ở lĩnh vực nào đang thiếu cần phải bổ sung, hoàn thiện. Chúng ta phải phát hiện những "điểm nghẽn" để xây dựng những quy định pháp luật, rộng hơn là các luật, nghị định, thông tư…với cách tiếp cận trong xây dựng luật không phải chỉ xem đó là công cụ quản lý mà còn tạo ra động lực phát triển.

Như Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa được xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Nếu như trước đây, chúng ta tiếp cận theo hướng chỉ quản lý nhà nước trên lĩnh vực điện ảnh, nhưng với cách tiếp cận mới, chúng ta nhìn theo hướng vừa là một loại hình văn hóa nghệ thuật vừa là ngành công nghiệp văn hóa để thiết kế, xây dựng luật, đó chính là động lực để phát triển.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác đó là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để tạo ra động lực phát triển cho đất nước và có khả năng hội nhập, vừa toàn diện nhưng phải có điểm nhấn.

Tiếp đó là nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động hiệu quả của văn hóa, xây dựng những giá trị chân-thiện-mỹ để hướng con người đến cái đẹp và đi theo một quy luật riêng của nghệ thuật. Chúng ta phải tôn tạo, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa riêng của cộng đồng 54 dân tộc anh em, phong phú đa dạng nhưng trong một chỉnh thể thống nhất văn hóa Việt Nam. Nâng cao chất lượng của đoàn nghệ thuật, trung tâm lớn nghệ thuật quốc gia.

Suy rộng ra, có những vấn đề nghệ thuật mang tính hàn lâm phải được phổ biến, quán triệt nhưng đồng thời phải chú ý đến văn hóa quần chúng, đó là các phong trào, làm phong phú thêm cho văn hóa và hoạt động nghệ thuật.

Những hình ảnh được trưng bày tại Triển lãm Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

Nhiệm vụ tiếp theo là bảo vệ và phát di sản văn hóa Việt Nam. Chúng tôi ý thức được đó là những là báu vật quốc gia, do thiên nhiên đã kiến tạo. Không phải quốc gia nào cũng có được di sản như Việt Nam. Văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, văn hóa vùng miền đều có tính đặc trưng, hun đúc truyền thống hơn 4 ngàn năm của dân tộc và chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn, tôn tạo và phát huy.

Có làm như vậy thì mới tác động ngược lại đối với kinh tế. Hay nói cách khác, từ di sản sẽ nối con người từ quá khứ đến hiện tại và tương lại. Góp phần cho chúng ta hun đúc, xây dựng, thổi hồn cốt của dân tộc vào mỗi hành động, cách thức công tác, giá trị văn hóa. Bạn bè quốc tế đến với Việt Nam không chỉ là tốc độ tăng trưởng mà đó chính là giá trị văn hóa, đó chính là chiều sâu.

Một nhiệm vụ rất quan trọng khác đó là tập trung để phát triển công nghiệp văn hóa. Lâu nay có biểu hiện trong nhận thức, đó là văn hóa chỉ là văn nghệ hay văn hóa là nghệ thuật. Điều này đúng nhưng không đủ. Vì vậy, chúng ta cần phải tập trung ưu tiên cho các nhóm ngành văn hóa có điều kiện.

Khi nhìn ra các quốc gia điển hình về phát triển văn hóa như Hàn Quốc, Nhật Bản, dựa trên những tiềm năng, thế mạnh của mình, chúng ta thấy Việt Nam đủ có điều kiện để ngành công nghiệp văn hóa thực hiện được mục tiêu đạt 7% GDP.

Về nhiệm vụ tăng cường chiến lược ngoại giao về văn hóa, chúng ta phải hội nhập, tăng cường giao lưu, thông qua tổ chức các tuần văn hóa, ngày văn hóa để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Trong quan điểm hội nhập, chúng ta cũng nhấn mạnh nhiều hơn đến những kiều bào Việt Nam, chính họ mới là chủ thể và thông qua con người Việt Nam cụ thể ở đó. Đồng thời, chúng ta cũng phải biết tiếp thu, chọn lọc những giá trị tinh hoa của nhân loại. Quan điểm của Đảng nói rất rõ là xây dựng con người sáng tạo, đủ kỹ năng để hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, chúng ta hội nhập nhưng không hòa tan.

Một điểm tiếp theo là tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa. Con người là vốn quý, để làm văn hóa phải có đội ngũ, bao gồm người quản lý văn hóa, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ… Xét lại cơ cấu đội ngũ chúng ta chưa hoàn thiện. Vì vậy, phải nỗ lực xây dựng, nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó nêu cao yêu cầu với cán bộ làm văn hóa trên tinh thần tự soi, tự sửa, đi đầu thực hiện chủ trương nêu gương của Đảng, Nhà nước để mỗi một cán bộ văn hóa trở thành tiêu biểu cho lối sống văn hóa.

Đối với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ, đây chính là sức mạnh. Bộ đã chủ động và xem đây là hướng đi phù hợp với tình hình mới. Như trước đây, chúng ta còn bỡ ngỡ với những khái niệm "nhà hát online", "bảo tàng số", "triển lãm số"…nhưng giờ chúng ta đã triển khai để truyền tải các thông điệp về văn hóa.

Cuối cùng đó là vấn đề về nguồn lực. Ngành Văn hóa muốn phát triển phải được đầu tư nguồn lực từ Nhà nước, trong đó chủ đạo vẫn là nguồn lực đầu tư công. Bên cạnh đó là nguồn lực xã hội hóa, chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ để huy động sức mạnh của toàn xã hội trong vấn đề đầu tư hạ tầng văn hóa.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Thế Công
Nam Nguyễn - Minh Khánh
Thu Mai