Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Ngành nông nghiệp giao cho các đơn vị và phối hợp tốt với các địa phương, các thành phần kinh tế sẽ phải phấn đấu đạt kết quả về xuất khẩu ít nhất từ 42 tỉ USD trở lên. Đành rằng mục tiêu này sẽ không dễ trong một bức tranh chung toàn cầu hiện nay là cạnh tranh rất quyết liệt về thị trường, về nông sản.

(Tổ Quốc) - Ngành nông nghiệp giao cho các đơn vị và phối hợp tốt với các địa phương, các thành phần kinh tế sẽ phải phấn đấu đạt kết quả về xuất khẩu ít nhất từ 42 tỉ USD trở lên. Đành rằng mục tiêu này sẽ không dễ trong một bức tranh chung toàn cầu hiện nay là cạnh tranh rất quyết liệt về thị trường, về nông sản.

Bên thềm Xuân mới Canh Tý, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc về kết quả đạt được trong năm đầy khó khăn, thử thách vừa qua và mục tiêu của năm 2020:

           Ba khó khăn, thách thức trong năm 2019

-Năm 2019 được đánh giá là một năm có nhiều khó khăn, cũng như là thách thức đối với ngành nông nghiệp. Bộ trưởng có thể chia sẻ về điều này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2019, ngay từ cuối năm 2018, chúng tôi đã nhận định năm 2019 sẽ là một năm hết sức khó khăn và có 3 thách thức lớn với ngành.

Một là, dự báo trước tình hình thương mại nông sản cực kì khó khăn do ảnh hưởng chiến tranh thương mại giữa Hoa kỳ và Trung Quốc. Hai là, tác động biến đối khí hậu tiếp tục sẽ cực đoan.

Ba là, chúng ta trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đã đi được những bước dài. Tuy nhiên về tổng thể, tỉ lệ sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỉ trọng cơ bản và từ đó đe dọa đến an toàn, đến cạnh tranh, đến thực hiện các quy chuẩn rất khó khăn.

Tôi cho rằng, đây là 3 khó khăn, thách thức trong năm 2019.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2020, xuất khẩu phải đạt cao hơn 41 tỷ USD  - Ảnh 1.

- Có thể nói Bộ NNPTNT đã vượt qua được những khó khăn và thách thức năm 2019 bằng những giải pháp và sự nỗ lực, chủ động. Vậy Bộ trưởng có thể chia sẻ những kết quả mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong năm 2019 vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nhìn lại năm qua mới thấy nhiều khó khăn, trong đó có tác động của biến đổi khí hậu cực đoan. Hồi tháng 6 nóng lịch sử, Nghệ An có những nơi 42 độ C. Rồi dịch tả lợn châu Phi, sâu keo mùa thu… là những bất thuận diễn ra. Tuy nhiên, với sự cố gắng vượt bậc của của hệ thống chính trị, sự đồng sức, đồng lòng các thành phần kinh tế, từ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đến bà con nông dân thì chúng ta nhìn nhận lại năm 2019 vẫn có được kết quả tổng quan, mặc dù không trọn vẹn nhưng rất tích cực.

Những kết quả đó là tăng trưởng GDP đạt trên mốc 2%, dù trong hoàn cảnh tác động của dịch tả lợn châu Phi. Đây là cố gắng rất lớn.

Cùng với đó là xuất khẩu nông sản, chúng ta vẫn đạt được 41,3 tỉ USD - đây là kết quả cao nhất từ trước tới nay trong bức tranh toàn cầu rất khó khăn.

Về nông thôn mới, chúng ta đã hoàn thành được với 54% số xã (khoảng 4.800 xã). Đó là một cố gắng lớn lớn của chúng ta.

Về hệ số che phủ rừng, chúng ta đã đạt được 41,85% hệ số che phủ rừng. Có thể nói rằng, nhìn chung kết quả năm 2019 là một kết quả rất tích cực trong hoàn cảnh rất khó khăn.

- Để đạt được những kết quả trên, thì cần có sự chèo lái của người "thuyền trưởng". Qua phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 14, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ trưởng là một người tâm huyết, là người đi nhiều, biết nhiều, tham gia nhiều việc. Bộ trưởng có thể chia sẻ về nhận định này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước tiên, cảm ơn sự đánh giá, quan tâm đó nhưng tôi phải khẳng định lại rằng, chưa bao giờ nông nghiệp Việt Nam nhận được sự quan tâm đầy đủ của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đến tất cả hệ thống chính trị và đặc biệt là của các thành phần kinh tế doanh nghiệp doanh nhân cho đến người dân như bây giờ.

Chưa bao giờ mà từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ… đi nước nào cũng nói về nông sản. Đấy chính là sự quan tâm. Sự quan tâm đó không chỉ bằng chủ trương mà còn bằng các chính sách.

Chưa bao giờ nông nghiệp Việt Nam nhận được sự quan tâm đầy đủ của Đảng, Chính Phủ, Quốc hội đến tất cả hệ thống chính trị và đặc biệt là của các thành phần kinh tế doanh nghiệp doanh nhân cho đến người dân như bây giờ"

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Cùng với đó là sự quan tâm của các thành phần kinh tế. Trong vòng 3 năm qua số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng gấp 3 lần. Đây là sự quan tâm bằng hiện thực.

Người nông dân Việt Nam, tất cả các vùng miền đều rất sáng tạo. Và tất cả những sự cố gắng, quan tâm đó đã biến thành hành động, tạo nên sức mạnh tổng thể. Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển ở một quy mô mới và hướng tới hội nhập sâu rộng theo hướng tái cơ cấu ngày một có hiệu quả rất rõ nét trên từng trục sản phẩm, kể cả trục sản phẩm nhóm sản phẩm quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh và nhóm sản phẩm OCOP.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2020, xuất khẩu phải đạt cao hơn 41 tỷ USD  - Ảnh 3.

Dư địa vẫn còn rất lớn

- Thưa Bộ trưởng, chưa bao giờ phong trào doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp lại lớn như bây giờ, trong đó có sự tham gia rất nhiều của tập đoàn lớn. Vậy theo Bộ trưởng đâu là sức hút của nông nghiệp trong năm 2019 vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Cảm ơn các doanh nghiệp của chúng ta đã tập trung cùng với bà con nông dân để trở thành lực lượng hạt nhân trong chuỗi sản xuất cũng như làm nòng cốt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Có được điều này theo chúng tôi nhận định mấy vấn đề, đó là qua hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã có trên 750 nghìn doanh nghiệp trong đó có một bộ phận doanh nghiệp nông nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn đủ điều kiện kể cả về quản trị, đủ tầm vóc về mặt tài chính.

Có thể thấy rằng khu vực nông nghiệp của chúng ta còn tiềm năng lợi thế. Ngoài sự nhiệt tình, khát vọng ra thì còn thấy lợi nhuận ở khu vực này. Phải khẳng định trong khu vực nông nghiệp mặc dù chúng ta xuất khẩu tới 40 tỉ USD đi 185 nước trên thế giới nhưng dư địa vẫn còn rất lớn.

Tại sao nói dư địa còn rất lớn? Đó là vì tổng thương mại toàn cầu về thực phẩm còn khoảng hơn 2 nghìn tỉ USD thì trong đó, giá trị để ra từ khâu chế biến, khâu thương mại còn rất nhiều.

Việt Nam chúng ta cũng vậy, hơn 40 tỉ USD chúng ta xuất khẩu chủ yếu là nông sản thực phẩm…. Do đó, nếu chúng ta làm tốt khâu chế biến, sản xuất chuỗi thì giá trị để ra ngay từ khu vực này còn rất lớn.

Ví như, lượng cà phê hiện nay chúng ta xuất khẩu rất lớn nhưng chế biến chỉ có 11% mỗi năm. Vậy 89% còn lại chính là dư địa.

Nếu chúng ta làm tốt khâu chế biến, sản xuất chuỗi thì giá trị để ra ngay từ khu vực này còn rất lớn"

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Chính vì thế chúng tôi đánh giá nguyên nhân thứ hai là bản thân doanh nghiệp chúng ta cũng đã nhìn thấy những lợi nhuận mà nếu làm tốt, làm chuỗi, tập trung chế biến, tổ chức thương mại thật tốt… thì chắc chắn tìm ra dư địa ở đó.

Ngoài ra, các chủ trương chính sách của chúng ta hiện nay đã đủ lực, đủ sức để kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc. 63 tỉnh thành đều đang liên tục mời gọi các nhà đầu tư.

-Bộ trưởng có thể cho biết mục tiêu của năm 2020 của ngành nông nghiệp? Và đâu là cơ sở để đạt mục tiêu đề ra, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Có lẽ, nói về khát vọng thì xuất khẩu năm 2020 phải cao hơn 41 tỷ USD nhiều, mặc dù chúng ta xác định trước năm 2020 nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là thách thức về thị trường. Tuy nhiên, ngành đã xác định là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 thì đã chính thức giao cho ngành nông nghiệp phấn đấu xuất khẩu khoảng 41,5 USD – 42 tỉ USD. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2020, xuất khẩu phải đạt cao hơn 41 tỷ USD  - Ảnh 5.

Ngành nông nghiệp giao cho các đơn vị và phối hợp tốt với các địa phương, các thành phần kinh tế sẽ phải phấn đấu đạt kết quả ít nhất từ 42 tỉ USD trở lên. Đây là một quyết tâm, đành rằng mục tiêu này sẽ không dễ và trong một bức tranh chung toàn cầu hiện nay là cạnh tranh rất quyết liệt về thị trường, về nông sản. Tuy nhiên, tôi cho rằng với quyết tâm cao nhất, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế, người dân thì chúng ta sẽ cố gắng cao nhất để đảm bảo con số tối cao trong điều kiện cho phép.

Nói về khát vọng thì xuất khẩu năm 2020 phải cao hơn 41 tỷ USD nhiều, mặc dù chúng ta xác định trước năm 2020 nhiều thách thức"

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

- Năm mới đang đến, Bộ trưởng chia sẻ thế nào với bà con nông dân cả nước?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúc bà con nông dân chúng ta đón Tết Canh Tý với một tâm thế tự tin, tin tưởng vào thành quả mà chúng ta đã đạt được ở năm 2019 để chúng ta vững tin và quyết tâm cao hơn để thực hiện mục tiêu của năm 2020 – một năm tiếp tục được mùa để bà con có đời sống ấm no.

Chúc độc giả Báo Tổ Quốc, cả xã hội chăm lo, quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực nông nghiệp để chúng ta có một nền kinh tế phát triển, trong đó trụ cột nông nghiệp lúc nào cũng phát triển và tạo ra yếu tố bền vững chung cho đất nước.

-Xin cảm ơn Bộ trưởng và chúc Bộ trưởng năm mới mạnh khoẻ, hạnh phúc!

Hà Giang  - Ảnh: Nam Nguyễn