Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: "Bộ Công Thương tin tưởng xuất khẩu sang thị trường CPTPP sẽ tăng trưởng"
(Tổ Quốc)- "Đối với một số ngành hàng, lĩnh vực thì quy tắc xuất xứ CPTPP chặt hơn so với quy tắc xuất xứ trong các FTA đã có nên cần có thời gian để doanh nghiệp chủ động chuyển đổi sản xuất đáp ứng quy định và công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, đáp ứng được nhu cầu nguyên vật liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu", Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết.
Bên thềm xuân mới, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sau một năm có hiệu lực.
Xuất khẩu sang các nước CPTPP đạt 29,4 tỷ USD
-CPTPP được các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn cho hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung bởi quy mô thị trường lớn và mức độ cam kết cắt giảm thuế quan sâu nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, hết quý 3/2019, xuất khẩu tại thị trường này chỉ tăng 3,5%. Xin ông lý giải về kết quả khiêm tốn trên?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Theo tổng hợp của Bộ Công Thương từ số liệu sơ bộ Tổng cục Hải quan, kết quả xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP tích cực hơn nhiều so với con số 3,5% mà phóng viên nêu.
Cụ thể, tính đến hết quý III năm 2019, xuất khẩu sang các nước CPTPP đạt 29,4 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu cập nhật tính tới hết tháng 11/2019, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường CPTPP đã đạt 36,3 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, một số thị trường có kim ngạch tăng trưởng mạnh như: Peru đạt 325 triệu USD, tăng 37,3%; Mexico đạt 2,65 tỷ USD, tăng 27,6%; Canada đạt 3,56 tỷ USD, tăng 29.9%; Chile đạt 887 triệu USD, tăng 19,8%...
Mức tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP là gần tương đương với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu vào nhóm thị trường CPTPP có xu hướng tăng trưởng tích cực cho thấy các doanh nghiệp bước đầu tận dụng tốt các ưu đãi của Hiệp định mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, các thị trường mới mà Việt Nam chưa ký kết FTA trong quá khứ đều có tăng trưởng tích cực như Canada, Mexico, Peru. Các mặt hàng kỳ vọng tận dụng được cơ hội từ CPTPP như dệt may, giày dép,... đều có mức tăng trưởng tốt sang các thị trường này.
CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 1/2019 nên doanh nghiệp cũng cần thời gian để nghiên cứu, nắm bắt và chuyển đổi hoạt động sản xuất phù hợp, đáp ứng các quy định trong cam kết CPTPP để tận dụng các ưu đãi về thuế nhập khẩu ưu đãi. Mặt khác, đối với một số ngành hàng, lĩnh vực thì quy tắc xuất xứ CPTPP chặt hơn so với quy tắc xuất xứ trong các FTA đã có, nên cần có thời gian để doanh nghiệp chủ động chuyển đổi sản xuất đáp ứng quy định và công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, đáp ứng được nhu cầu nguyên vật liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu.
Với sự nỗ lực của các Bộ, ngành trong việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Chính phủ đã ban hành ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực; đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến để cộng đồng doanh nghiệp có thể hiểu rõ, hiểu sâu và hiểu đúng về cam kết của Hiệp định CPTPP, cùng với sự nỗ lực, chủ động của doanh nghiệp để tận dụng được tối đa các cơ hội mà Hiệp định mang lại, Bộ Công Thương tin tưởng xuất khẩu sang các thị trường các nước CPTPP sẽ có tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới.
-Doanh nghiệp Việt Nam rất chủ động trong việc tận dụng các ưu đãi thuế quan trong xuất nhập khẩu, tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ đang là "nút thắt cổ chai" khó tháo gỡ. Ông có thể chia sẻ về điều này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Mặc dù các ngành sản xuất trong nước đã có sự cải thiện đáng khích lệ, ví dụ như ngành dệt may đã đạt tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu ở mức 40-45%, nhưng năng lực sản xuất trong nước, cụ thể là các ngành công nghiệp hỗ trợ và ngành công nghiệp dệt của Việt Nam chưa phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của xuất khẩu về cả số lượng và chất lượng nguyên vật liệu. Do vậy, hiện nay Việt Nam vẫn phải nhập một khối lượng lớn nguyên liệu như vải, phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy và các loại phụ tùng máy móc để phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
CPTPP mở ra một khu vực thị trường rộng lớn cho hàng hóa Việt Nam với mức cam kết thuế nhập khẩu ưu đãi nhưng kèm theo đó là quy tắc xuất xứ khá chặt so với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia trước đây, mà điển hình là quy tắc "từ sợi trở đi" cho các sản phẩm dệt may. Nhận thức các khó khăn này, chúng ta đã đàm phán để có các quy định liên quan đến nguồn cung thiếu hụt cho dệt may, tuy nhiên về dài hạn, chủ động nguồn nguyên liệu vật liệu vẫn là giải pháp quan trọng nhất thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các ngành.
Bộ Công Thương đã và đang thực hiện các giải pháp phát triển mạnh và có hiệu quả công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hóa thay thế nhập khẩu. Bộ Công Thương cũng đã và đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến chuyên sâu về quy tắc xuất xứ tại các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong đó đặc biệt là hai FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA. Các khóa tập huấn/hội thảo được tổ chức trải dài hầu khắp các tỉnh thành, vùng miền trên toàn lãnh thổ Việt Nam, tập trung tại các địa phương có các đơn vị được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O; và/hoặc nơi tập trung các khu công nghiệp lớn, có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu. Thông qua các hội thảo tuyên truyền và khóa tập huấn, các doanh nghiệp sẽ nắm bắt được quy định cam kết, đối chiếu với thực tiễn sản xuất tại từng doanh nghiệp, từng địa phương để chủ động điều tiết nguồn nguyên liệu phù hợp, đạt được thuế quan nhập khẩu ưu đãi.
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt "rào cản"
-Thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực như thế nào? Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào để tận dụng cơ hội từ thị trường CPTPP, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Để tận dụng có hiệu quả các ưu đãi của CPTPP mang lại, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nội dung của CPTPP đặc biệt là các cam kết liên quan tới thuế quan và quy tắc xuất xứ, chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định, chuyển hướng nguồn nhập khẩu sang các nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên CPTPP.
Ngoài ra, để vượt qua được các rào cản về kỹ thuật, thâm nhập vào thị trường các nước CPTPP, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp hóa quy trình bán hàng, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu...để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp của mình.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu như: tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ,...
Bộ Công Thương tiếp tục chú trọng công tác thông tin thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua các rào cản để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường, duy trì Bản tin nông lâm thủy sản hàng tuần, xây dựng kênh thông tin cập nhật diễn biến thị trường, dự báo và đánh giá về tình hình cung cầu, giá cả để doanh nghiệp có thông tin định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và có nhiều tiềm năng; lựa chọn và tập trung xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
Một vấn đề mới cần đẩy mạnh là công tác chống gian lận xuất xứ hàng hóa. Bộ sẽ chú trọng thực hiện các quy định, tăng cường quản lý nhà nước về gian lận xuất xứ để đảm bảo các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu theo Quyết định 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ".
-Xin cảm ơn Bộ trưởng! Chúc Bộ trưởng năm mới Canh Tý mạnh khỏe và hạnh phúc!
Hà Giang
Ảnh: Nam Nguyễn