Bong bóng xe điện xì hơi, sinh viên ngành công nghệ bị thất sủng ở Trung Quốc

(Tổ Quốc) - Một tương lai u ám đang chờ đợi 10,76 triệu sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường tại Trung Quốc năm 2022.

Theo tờ SCMP, ngành công nghệ và xe điện của Trung Quốc do chịu ảnh hưởng từ đại dịch đã giảm tuyển dụng, qua đó khiến lượng lớn sinh viên mới tốt nghiệp ngành công nghệ đối mặt rủi ro thất nghiệp.

Cụ thể, những báo cáo chính thức và truyền thông địa phương đều ghi nhận sự rút lui tuyển dụng ngày càng tăng của những hãng công nghệ, điều vốn chỉ diễn ra khi kinh tế Trung Quốc gặp thông tin cực xấu.

Bong bóng xe điện xì hơi, sinh viên ngành công nghệ bị thất sủng ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Cô Jade Jiang, một sinh viên ngành công nghệ thuật toán tại tỉnh Hồ Nam sẽ tốt nghiệp vào tháng tới cho biết con đường sự nghiệp của mình đã được xác định từ tháng 1/2022 sau khi ký hợp đồng ghi nhớ với hãng Zhuanzhuan thông qua trường đại học. Đây vốn được coi là một kỳ lân (Unicorn) trong làng khởi nghiệp và được định giá tới hơn 1 tỷ USD nên cô chẳng hề nghi ngờ gì.

Thế nhưng vào đầu tháng 5/2022, công ty đã đơn phương chấm dứt bản ghi nhớ này và đề nghị bồi thường 8.000 Nhân dân tệ, tương đương 1.197 USD. Điều đáng nói ở đây là sự nghiệp của Jiang trở nên u ám hơn khi mùa tuyển dụng đã qua và cô khó lòng kiếm được công việc như ý khi ra trường.

"Tôi cảm thấy bối rối khi biết tin này. Tôi trở nên thất vọng tột độ và đã cố nộp đơn xin việc vào bất kỳ đâu trên các ứng dụng tuyển việc", cô Jiang bức xúc.

Câu chuyện của Jiang chỉ là một trong vô số những trường hợp bị hủy hợp đồng tại Trung Quốc khi các hãng công nghệ rút lui, nhất là các công ty ngành xe điện. Trên nền tảng Github, một tài liệu đã ghi nhận ít nhất 36 sinh viên mới tốt nghiệp bị hủy hợp đồng sau khi đã ký kết 3 bên giữa nhà trường và công ty.

Điều đáng ngạc nhiên là bất chấp những quy định trong hợp đồng nhằm bảo vệ sinh viên mới tốt nghiệp, các công ty vẫn rút lui khỏi những thỏa thuận này dù cho có chịu phạt hay mất danh tiếng.

Luật sư Gao Wangnan của hãng luật Jiangsu Liudian Law Firm nhận định những hợp đồng 3 bên này thường được xét xử bằng luật dân sự, vốn không chặt chẽ như luật lao động, qua đó kích thích các hãng khởi nghiệp sẵn sàng chịu phạt để tiết kiệm chi phí nhân công.

Ảnh hưởng từ đại dịch

Tờ SCMP nhận định hàng loạt các ngành nghề tại Trung Quốc, bao gồm cả xe điện đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch, đi kèm với những suy đoán ảm đạm về nền kinh tế. Ví dụ như trong tháng 4/2022, thành phố Thượng Hải không bán được bất kỳ một chiếc xe hơi mới nào. Doanh số xe điện mới được bán trong tháng 4 trên toàn quốc cũng giảm 38,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bong bóng xe điện xì hơi, sinh viên ngành công nghệ bị thất sủng ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Việc doanh thu giảm đi kèm với chi phí gia tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, thiết bị, thiếu chip sản xuất... đã khiến hàng loạt hãng xe điện hay startup quyết định từ bỏ tuyển dụng thêm nhân viên.

Trả lời SCMP, một sinh viên công nghệ thuật toán xin được giấu tên cho biết mình đã ký hợp đồng 3 bên với nhà trường và hãng xe điện Li Auto vào tháng 12/2021. Vậy nhưng đến cuối tháng 4/2022, vị trí mà anh được tuyển dụng đã không còn nữa và phải phỏng vấn lại cho một vị trí khác trái ngành. Đương nhiên, chàng sinh viên này không qua được phỏng vấn và bị Li Auto chấm dứt hợp đồng chỉ với 1 tháng tiền lương làm đền bù. Tất nhiên, số tiền này chẳng đủ để bù đắp thiệt hại cho cậu sinh viên này, nhưng Li Auto đã lách luật và tránh phải bồi thường hợp đồng.

"Bạn chưa tốt nghiệp lấy bằng thì rất khó để kiếm công việc mới. Tôi sẽ phải đợi đến tận mùa tuyển dụng vài tháng sau nữa bởi đợt tuyển dụng lần này đã qua, đương nhiên là tôi sẽ phải chịu cảnh thất nghiệp trong khoảng thời gian đó", cậu sinh viên chia sẻ với SCMP.

Năm 2022 tệ nhất

Câu chuyện trên cho thấy một tương lai u ám với 10,76 triệu sinh viên sắp tốt nghiệp ở Trung Quốc tới đây. Lần đầu tiên trong hơn 20 năm, số sinh viên tốt nghiệp chưa có đề nghị làm việc nhiều hơn số đã có ngay sau mùa tuyển dụng.

Mặc dù vấn đề đảm bảo việc làm cho sinh viên ra trường đang khiến Trung Quốc đau đầu vài năm trở lại đây nhưng năm 2022 được cho là thời điểm tệ nhất trong suốt quãng thời gian qua.

Báo cáo của trường luật hàng đầu Thượng Hải "East China University of Political Science and Law", chỉ có 1/5 số sinh viên tốt nghiệp ra trường kiếm được việc làm tính đến đầu tháng 5/2022.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 tại Trung Quốc tính đến tháng 4/2022 đã lên đến 18,2%. Giáo sư Lu Feng của trường đại học Peking University cho biết con số này thậm chí còn cao hơn cả những nền kinh tế lớn như Mỹ hay Châu Âu.

Số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị đã đạt 6,1% trong tháng 4/2022, tăng 0,3% so với tháng 3/2022.

Bong bóng xe điện xì hơi, sinh viên ngành công nghệ bị thất sủng ở Trung Quốc - Ảnh 3.

Ngành công nghệ, vốn là mảng đóng góp nhiều việc làm trong 10 năm qua lại đang đổi chiều khi những tập đoàn lớn như Alibaba hay Tencent giảm tuyển dụng trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Nhận thức được tình hình, chính phủ Trung Quốc trong tháng 5/2022 đã ban hành một số quy định nhằm trợ giúp thanh thiếu niên tự khởi nghiệp, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp nhỏ tuyển dung thêm, qua đó giải quyết phần nào lượng lớn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm

Cô Jiang, một kỹ sư về thuật toán vốn từng chỉ phỏng vấn với những hãng công nghệ, thì đang phải mở rộng phạm vi nộp hồ sơ xin việc kể cả trái ngành. Mới đây cô nhận được một đề nghị từ doanh nghiệp nhà nước ở quê nhà.

"Dù họ không phải hãng công nghệ nhưng với tình cảnh như hiện nay của tôi thì đó cũng là một lựa chọn đủ tốt", cô Jiang trần tình.

*Nguồn: SCMP

Băng Băng

Tin mới