Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Năm 2019, Việt Nam phải vượt lên bất cứ mục tiêu nào đã đặt ra. Điều chúng ta cần nhất là bây giờ phải có chung một khát vọng chiến thắng.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc về kỳ vọng của ông về bức tranh kinh tế 2019.

Năm 2019, phải cởi bỏ tối đa rào cản đối với những ngành có tiềm năng 

-Ông kỳ vọng thế nào về bức tranh kinh tế 2019, khi mà năm 2018 vừa qua đi với mọi chỉ tiêu đặt ra đều đạt được?

Ông Trương Gia Bình: Những thành quả kinh tế chúng ta đạt được năm 2018 là xuất sắc, toàn diện. Vì vậy, năm 2019, với nhiệm vụ Đảng, Chính phủ giao là phải tốt hơn hoặc chí ít là phải bằng 2018 thì đây là nhiệm vụ khá khó khăn.

Bóng đá Việt Nam cần sự dẫn dắt của HLV Park thì kinh tế Việt Nam cũng rất cần sự điều hành của Chính phủ  - Ảnh 1.

Ông Trương Gia Bình (bên phải): Cần quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân hơn nữa

Tôi cho rằng, để thực hiện nhiệm vụ này, chúng ta phải quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân hơn nữa. Phải thúc đẩy mạnh mẽ, cởi bỏ tối đa rào cản đối với những ngành có tiềm năng phát triển nhất. Ví như ngành công nghệ thông tin, đây là ngành có tính chất làm nền tảng và lan tỏa cho các ngành khác  nên công cuộc 4.0 chuyển đổi số phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Cùng với đó, ngành du lịch đang trên đà phát triển rất cao, tuy nhiên điểm nghẽn tại các sân bay là vấn đề cần phải tháo gỡ. Các công trình lớn của đất nước như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phải được triển khai khẩn trương…

Để thực hiện nhiệm vụ kinh tế của năm 2019, chúng ta phải quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân hơn nữa"

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình

Và một ngành nữa tôi cho rằng vô cùng quan trọng bởi nó huy động sức mạnh của toàn dân đó là ngành nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải làm tốt hơn nữa về lĩnh vực giao thông, giáo dục… Bởi đây là những lĩnh vực có thể tạo ra cơ sở để hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Chính phủ giao.

-Về cơ chế chính sách, chúng ta cần phải tháo gỡ những gì, thưa ông?

Ông Trương Gia Bình: Về cơ chế chính sách chúng ta có rất nhiều điểm phải tháo gỡ. Đầu tiên là chúng ta phải tăng thứ hạng về môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh môi trường cạnh tranh quốc gia, tăng cao chỉ số về đổi mới sáng tạo, đặc biệt là chỉ số về sẵn sàng công nghệ thông tin.

-Theo ông, đây có phải là thời điểm kinh tế của Việt Nam đang thăng hoa?

Ông Trương Gia Bình: Chúng ta có  được kết quả này là do sự nỗ lực. Bối cảnh chung thì không đơn giản như vậy. Cuộc chiến tranh thương mại  Mỹ – Trung, các vấn đề bất ổn của châu Âu, vấn đề về môi trường… là những thách thức. Những gì chúng ta đạt được chủ yếu là do sự nỗ lực của cả đất nước.

Đội bóng cũng như doanh nghiệp của chúng ta phải nỗ lực hết mình

-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chỉ đạo điều hành thường nhắc đến thành tích của đội tuyển bóng đá U23, đội tuyển bóng đá Quốc gia. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến sự đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm vì màu cờ sắc áo của họ. Vận dụng điều này với kinh tế Việt Nam, ông thấy có sự tương đồng hay không?

Ông Trương Gia Bình:  Bóng đá của chúng ta là biểu hiện tuyệt vời về tiềm năng của đất nước, về sức mạnh của người Việt. Chúng ta có thể nói gì về bóng đá và nó liên quan gì đến phát triển kinh tế?

Đầu tiên chúng ta phải nói đến khát vọng Việt. Ông Park Hang – seo đặt mục tiêu rất đơn giản: Phải cố gắng tại bất kỳ trận đấu nào với bất kỳ ai.

Có khát vọng rồi, có nhà lãnh đạo tốt rồi thì đội bóng cũng như các doanh nghiệp của chúng ta phải nỗ lực hết mình vì mục tiêu cao cả của đất nước, của dân tộc".

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình

Đây là khát vọng Việt và chúng ta rất cần khát vọng đó.

Việt Nam phải vượt lên bất cứ mục tiêu nào đã đặt ra. Chúng ta cần nhất là bây giờ phải có chung một khát vọng chiến thắng.

Đội bóng đá Việt Nam có ông Park Hang – seo là người dẫn dắt, thì nền kinh tế Việt Nam cũng rất cần vai trò dẫn dắt của Chính phủ trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội.

Có khát vọng rồi, có nhà lãnh đạo tốt rồi thì đội bóng cũng như các doanh nghiệp của chúng ta phải nỗ lực hết mình vì mục tiêu cao cả của đất nước, của dân tộc.

-Người Việt Nam luôn rất cố gắng, nỗ lực học hỏi. Về phía doanh nghiệp thì theo ông thế nào?

Ông Trương Gia Bình: Chúng ta sẽ không đua với các đội bóng quốc tế về chiều cao, cân nặng, tốc độ mà chúng ta sẽ đua với họ bằng sự nỗ lực, rèn luyện ý chí, rèn luyện thể lực… để có thể đá thêm hiệp phụ mà vẫn giữ được phong độ. Và chúng ta đá bóng không phải bằng chân mà bằng cái đầu.

Bóng đá Việt Nam cần sự dẫn dắt của HLV Park thì kinh tế Việt Nam cũng rất cần sự điều hành của Chính phủ  - Ảnh 4.

Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam phải sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, phải có tinh thần hy sinh để làm việc hết mình, phải đau đáu về phát triển thị trường, công nghệ, quản trị và phải hết sức tính toán.  Các doanh nghiệp phải dùng trí tuệ Việt Nam bằng cái cách của Việt Nam để đi lên.

-Thời gian qua, hàng loạt các Hiệp định thương mại đã có hiệu lực, bao gồm cả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bên cạnh những cơ hội do các Hiệp định thương mại này mang lại, ông nhận định gì về những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong năm 2019?

Ông Trương Gia Bình: Với các Hiệp định thương mại vừa có hiệu lực – Đấy là "cuộc đấu" giữa các quốc gia đã được đi đến thống nhất. Các quốc gia thành viên này cũng như những đội bóng mạnh. Nhưng tôi thấy rằng, trong "cuộc đấu" này chúng ta cũng có cơ hội. 

Theo nguyên tắc bình thông nhau thì lợi thế sẽ thuộc vào quốc gia đang có mức phát triển thấp.

Tôi cho rằng, đây là một "cuộc đấu" và phần thắng sẽ nghiêng về phía Việt Nam.

-Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Tổ Quốc. Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi, chúc ông và các doanh nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả thật tốt trong năm mới!