Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Gần 20 năm khoác trên người bộ quân phục ngành công an, Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan (38 tuổi), cán bộ nữ duy nhất thuộc đội Cứu hộ dưới nước (Phòng Cứu nạn cứu hộ - Cảnh sát PCCC Hà Nội) luôn lấy sự an toàn của người dân làm chuẩn mực, là tấm gương tiêu biểu để các đồng nghiệp khác học tập.

"Bông hồng thép" của đội Cứu hộ cứu nạn: Nhiệt huyết với nghề vượt qua nỗi sợ bản thân

Gần 20 năm khoác trên người bộ quân phục ngành công an, Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan (38 tuổi), cán bộ nữ duy nhất thuộc đội Cứu hộ dưới nước (Phòng Cứu nạn cứu hộ - Cảnh sát PCCC Hà Nội) luôn lấy sự an toàn của người dân làm chuẩn mực, là tấm gương tiêu biểu để các đồng nghiệp khác học tập.

"Bông hồng thép" của đội Cứu hộ cứu nạn: Nhiệt huyết với nghề vượt qua nỗi sợ bản thân - Ảnh 1.

Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan (38 tuổi), cán bộ nữ duy nhất thuộc đội Cứu hộ dưới nước (Phòng Cứu nạn cứu hộ - Cảnh sát PCCC Hà Nội)

Trong mắt tôi, chị là một người can đảm, thông minh, hết lòng vì dân phục vụ.

SINH MỆNH CON NGƯỜI RẤT ĐÁNG QUÝ

Ai cũng nghĩ phụ nữ chân yếu tay mềm, công việc văn phòng nhàn hạ hay giáo viên là phù hợp nhất. Nhưng với chị Lan, quan điểm ấy có lẽ không phù hợp.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm ngành công an nên ngay từ nhỏ, chị đã dành cho những chiến sĩ công an tình cảm đặc biệt.

Học ngành Y ra trường, chị được phân công nhiệm vụ tại Cục Cảnh sát bảo vệ (giờ là Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động), sau đó là Sở Phòng cháy Chữa cháy Hà Nội. Và đến bây giờ chị là thành viên của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an TP. Hà Nội).

"Thời gian đầu được phân công làm công việc văn phòng nhưng hàng ngày khi thấy các đồng đội rèn luyện, ngọn lửa âm ỉ bao lâu trong tôi được thổi bùng lên, tôi quyết định thi vào ĐH Phòng cháy Chữa cháy. Đến khi thành lập Đội cứu nạn cứu hộ, tôi liền xung phong về đầu quân", nữ đại úy tâm sự về những bước tiến quan trọng trong cuộc đời.

"Bông hồng thép" của đội Cứu hộ cứu nạn: Nhiệt huyết với nghề vượt qua nỗi sợ bản thân - Ảnh 2.

Nói về khoảng thời gian đầu đến với nghề, chị cho hay do thể lực không bằng các đồng nghiệp nam nên bản thân phải phấn đấu, nỗ lực gấp 5, gấp 10.

Ai cũng là con người bằng xương bằng thịt nên thời gian đầu khi đối diện với độ cao hay dòng nước đen kịt, chị cũng từng có lúc sợ hãi. Thế nhưng, chính sự đồng viên của đồng nghiệp, nghĩ tới những người dân bị nạn đang chờ mình cứu giúp, tôi cố gắng vượt qua nỗi sợ của bản thân.

"Thực ra lúc đầu tôi cũng sợ độ cao, nhưng khi bước vào tập luyện, niềm đam mê đã đánh gục mọi nỗi sợ hãi. Có lẽ mỗi nỗi sợ hãi đó là một chất xúc tác, giúp tôi và các đồng đội rèn luyện nghị lực của người lính Phòng cháy chữa cháy", chị Lan chia sẻ.

Suốt khoảng thời gian công tác trong ngành, trải qua bao lần đối mặt sinh tử nhưng kỷ niệm khiến chị nhớ nhất chính là vụ sập nhà số 34, phố Cửa Bắc. Khi ấy, nghe chị kể sinh động quá khiến tôi có cảm giác như đang trực tiếp có mặt tại hiện trường.

"Bông hồng thép" của đội Cứu hộ cứu nạn: Nhiệt huyết với nghề vượt qua nỗi sợ bản thân - Ảnh 3.

Hiện trường vụ sập nhà số 34, phố Cửa Bắc năm 2016.

Chị bảo, cứ mỗi nạn nhân được cứu ra, trong lòng chị lại càng thêm hy vọng, đó là người cuối cùng. Bởi với chị, sinh mạng con người rất đáng quý. Chị cũng thấu hiểu hơn ai hết, mình lo lắng một, chắc chắn người thân của các nạn nhân đang ở ngoài lo lắng gấp mười, gấp trăm. Bởi vậy, công tác cứu hộ càng được diễn ra một cách khẩn trương nhất.

"Chỉ cần xác định có người mắc kẹt thì dẫu có là biển lửa chúng tôi cũng sẵn sàng lao vào. Bởi nếu chờ dập lửa thì nạn nhân không đủ thời gian để sinh tồn, như thế việc cứu nạn không còn ý nghĩa gì nữa", chị nói.

Tác nghiệp trên cạn như vậy, những lần đối mặt với "giặc nước", người phụ nữ ấy cũng can đảm hơn bao giờ hết.

"Bông hồng thép" của đội Cứu hộ cứu nạn: Nhiệt huyết với nghề vượt qua nỗi sợ bản thân - Ảnh 4.

Đội Cứu hộ dưới nước (Phòng Cứu nạn cứu hộ - Cảnh sát PCCC Hà Nội) luyện tập tại hồ Linh Đàm

Chị từng tâm sự như móc ruột gan: "Lần đầu tiên khi tham gia tác chiến tại hồ Linh Đàm, tôi đã bị sốc. Dòng nước ở đó đen ngòm, không giống như những nơi khác khiến tôi phải vận dụng tất cả các giác quan để cảm nhận. Bởi ở đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, từ chai lọ, mảnh vỡ thủy tinh đến các vật sắc nhọn, dù có đồ bảo hộ cũng không an toàn.

Mỗi lần ra hiện trường như thế, tôi luôn mong muốn nhanh chóng tiếp cận và đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Nhưng khi ấy, sợ nhất là bàn tay chạm vào tử thi, một cảm giác vô cùng ám ảnh, đặc biệt là với phái nữ".

Từ những lần đối mặt sinh tử đó, chị càng thêm yêu mến công việc mình đang làm.

"Bông hồng thép" của đội Cứu hộ cứu nạn: Nhiệt huyết với nghề vượt qua nỗi sợ bản thân - Ảnh 5.

Bông hồng thép duy nhất Nguyễn Thị Ngọc Lan thuộc đội Cứu hộ dưới nước (Phòng Cứu nạn cứu hộ - Cảnh sát PCCC Hà Nội)

"Nhiều lúc cũng mệt mỏi nhưng chả biết 'giải nghệ' sẽ làm nghề gì nên tôi lại thôi. Nói đùa vậy cho vui, chứ thú thực tôi chưa khi nào hối hận về sự lựa chọn của bản thân. Với tôi, sinh mệnh con người rất đáng quý. Cứu sống được một sinh mạng, tôi càng yêu mến công việc mình đang làm, cảm phục các đồng nghiệp trong ngành nhiều hơn", chị tâm sự cùng tôi và các đồng chí khác.

THÀNH TÍCH CÁ NHÂN CHÍNH LÀ THÀNH TÍCH TẬP THỂ

Trong quá trình rèn luyện, dù ở nhiều môi trường, nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng trên cương vị nào chị cũng hoàn thành tốt.

Qua những lần tiếp xúc, tôi được biết chị từng được cử sang Hàn Quốc tập huấn gần 1 tháng. Khoảng thời gian đó, thấy nước bạn từ trang thiết bị đến cách thức giảng dạy đều rất tiên tiến, chị cố gắng học hỏi thật tốt để về truyền đạt đến các đồng nghiệp cùng ngành.

Chị kể, cả các học viên đều phải tập luyện căng như dây đàn. Sau 1 tiếng chạy bộ buổi sáng, họ sẽ bắt đầu học lý thuyết và thực hành trong các trường hợp cụ thể.

Bài tập căng thẳng và ấn tượng nhất trong chuyến tập huấn ấy chính là việc những người lính cứu hỏa sẽ được đưa vào một container, đốt lửa trong đó và đóng kín lại. Khi nhiệt độ lên tới 400 đến 600 độ C, các học viên sẽ được hướng dẫn cách dập lửa.

"Bông hồng thép" của đội Cứu hộ cứu nạn: Nhiệt huyết với nghề vượt qua nỗi sợ bản thân - Ảnh 6.

Dù được trang bị quần áo bảo hộ nhưng dưới sức nóng kinh khủng đó, chị cảm thấy da thịt như bị nướng chín. Từ lần tập huấn đó, khả năng chịu nóng của chị được nâng lên tầm cao.

Gần 20 năm công tác trong ngành, với đủ vị trí công tác từ cứu nạn trên không đến dưới nước, chị luôn quan niệm tuổi tác chỉ là con số. Trong con người chị, nhiệt huyết với nghề mãi mãi ở tuổi 20. Bởi vậy, cứ nghe hiệu lệnh chị chỉ muốn lên đường làm nhiệm vụ.

Nhận xét về cấp dưới, Phó Phòng Cảnh sát Phòng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Trương Đức Dũng cho hay, xét cả về chuyên môn và kinh nghiệm tác chiến thực tế, đại úy Lan luôn xứng đáng ở top đầu.

Dù là nữ nhưng khi lặn sâu hay treo mình trên cao, thoát nạn thoát hiểm nhà cao tầng, chị không thua kém các đồng nghiệp nam. Thậm chí có những tình huống các đồng nghiệp khác không thực hiện được, chị vẫn hoàn thành xuất sắc.

"Đây là một chiến sĩ được đào tạo hoàn chỉnh về công tác cứu nạn cứu hộ, lại có thêm kiến thức ngành y, có bằng lặn và chứng chỉ quốc tế. Nói đồng chí ấy là điển hình cho sự toàn diện về nghiệp vụ rất xứng đáng.

Ngoài phẩm chất chính trị, đồng chí Lan còn là một người nổi bật so với các nam giới, nhất là trong quá trình thực chiến dưới nước. Đồng chí ấy có thể lặn tới độ sâu hơn 30m và đạt 3 huy chương vàng đơn nữ giải bắn súng ngắn quân dụng do báo An ninh Thủ đô tổ chức", vị Phó phòng nhận xét.

"Bông hồng thép" của đội Cứu hộ cứu nạn: Nhiệt huyết với nghề vượt qua nỗi sợ bản thân - Ảnh 7.

Từ sự đóng góp của bản thân, chị Lan từng được bầu làm chiến sĩ thi đua cơ sở. Nhưng với chị, thành tích của cá nhân chính là thành tích của cả tập thể. Bởi ra hiện trường, ai cũng có nhiệm vụ riêng. Mỗi thành viên là mắt xích cực kỳ quan trọng để công tác cứu hộ, cứu nạn được thành công.

Chính nhờ sự tin yêu của đồng nghiệp, hiện chị Lan đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội phụ nữ Phòng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an TP. Hà Nội.

Ở cương vị này, ngoài chăm lo đời sống cho các nữ cán bộ, chị còn là một tuyên truyền viên nhiệt huyết, thường xuyên tham gia tuyên truyền công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho phụ nữ, học sinh các trường trên địa bàn TP. Hà Nội.

HẬU PHƯƠNG VỮNG CHẮC NHẤT LÀ GIA ĐÌNH

Người xưa thường nói: "Phía sau thành công của đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ", thế nhưng với chị Lan, quan điểm ấy sẽ được đảo ngược. Bởi để chỗ đứng và nhiệt huyết với nghề, gia đình là điểm tựa vững chắc cho chị.

Chị tâm sự ông xã là người làm cùng ngành, cả 2 kết hôn được 15 năm, có với nhau một trai và một gái.

"Bông hồng thép" của đội Cứu hộ cứu nạn: Nhiệt huyết với nghề vượt qua nỗi sợ bản thân - Ảnh 8.

Gia đình nhỏ của Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan

Thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của vợ nên suốt hơn một thập kỷ ấy, chồng chị là người ở cạnh động viên để vợ hoàn thành tốt trách nhiệm với nước, với dân.

Ngay cả bố mẹ chồng cũng từng là "đồng nghiệp" nên luôn thấu hiểu khó khăn con dâu phải đối mặt. Bởi vậy có những đợt phải đi tập huấn dài cả tháng trời, nhớ nhà, nhớ con đến thắt lòng, chị lập tức nhận được lời động viên: "Con yên tâm công tác, mọi chuyện ở nhà đã có bố mẹ lo rồi", "Tập trung rèn luyện sao cho xứng đáng với sự tin tưởng của mọi người dành cho con",…

Bận trăm công nghìn việc như thế nhưng khi về nhà, cởi bỏ bộ quân phục, chị lập tức trở thành người mẹ hiền vợ đảm. Chị cũng thích vào bếp trổ tài nấu các món ăn ngon cho những người chị yêu quý.

Với 2 con, chị không chỉ là mẹ còn là thần tượng trong lòng chúng. Chị kể, con trai từng khiến chị tan chảy khi nói mẹ giỏi như siêu nhân, không sợ hiểm nguy, gian khó cứu người trong biển lửa bao trùm hay dưới dòng nước sâu đen kịt.

Còn trong mắt con gái, chị là người mẹ xinh đẹp, giỏi giang rất đáng tự hào.

Có lẽ phần thưởng cao quý nhất dành cho Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan chính niềm tin yêu của cán bộ, chiến sĩ đơn vị và quần chúng nhân dân. Về phần gia đình, ông xã là điểm tựa cho các con chăm ngoan, học giỏi, bố mẹ đôi bên mạnh khỏe chính là động lực của chị ở thời điểm này.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 sắp cận kề, tôi chỉ muốn gửi lời chúc đến chị và toàn thể các cán bộ nữ làm trong ngành công an có thật nhiều sức khỏe, cùng chung tay bảo vệ bình yên cho nhân dân.


"Bông hồng thép" của đội Cứu hộ cứu nạn: Nhiệt huyết với nghề vượt qua nỗi sợ bản thân - Ảnh 9.

Nam Nguyễn - Bảo Trung