Bước đi chiến lược của Tập đoàn An Phát Holdings

(Tổ Quốc) - Ngoài Nhựa An Phát Xanh (AAA) mang lại nguồn thu lớn cho An Phát Holdings với mảng kinh doanh bao bì, gần đây, Tập đoàn này đã đa dạng hóa ngành nghề, phát triển sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn và công nghiệp hỗ trợ. Đây là chiến lược trung, dài hạn của Tập đoàn trong 3-5 năm tới.

Nắm giữ bản quyền nguyên liệu, APH định hướng phát triển sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn

Năm 2015, An Phát Holdings (APH) trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất được sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn đạt nhiều tiêu chuẩn khắt khe của thế giới. Sản phẩm được xuất khẩu nhiều, cho đến nay đã có mặt tại nhiều thị trường lớn và khó tính trên thế giới như: Pháp, Romania, Italia, Australia, Hoa Kỳ.

Tại thị trường Việt Nam, sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn của APH với thương hiệu AnEco có mức giá cao hơn các sản phẩm thông thường khác. Nguyên nhân chủ yếu là APH phải nhập nguồn nguyên liệu có mức giá cạnh tranh, chi phí đầu tư cho công nghệ, chi phí quản lý chất lượng, R&D cao… nên bài toán để sản phẩm phù hợp với mức tiêu dùng của đại đa số khách hàng là vấn đề cần giải quyết.

Để giải bài toán này, vào tháng 6/2019, APH đã hợp tác với một đối tác Hàn Quốc để sở hữu sáng chế phát minh về nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn, yếu tố cốt lõi quyết định đến giá thành sản phẩm. Nắm quyền phát minh, APH hiện đang có kế hoạch xây nhà máy sản xuất nguyên liệu tại Việt Nam với tham vọng sẽ giảm được mức lớn giá thành sản phẩm.

Hiện tại, các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn của APH đã có mặt tại nhiều thương hiệu lớn là Highlands Coffee, The Coffee House, khách sạn Daewoo, khách sạn Lotte, Maian Bakers, Soc & Brothers... cùng các chuỗi siêu thị, khách sạn như VinMart, Circle K, Lotte Mart, Aeon, Vinpearl Resort... Tín hiệu mừng là các đối tác của APH đều có chiến lược mở rộng mô hình sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường nên triển vọng của APH trong lĩnh vực này là rất lớn. Một trong các khách hàng của APH là The Coffee House, ông Võ Duy Phú - Giám đốc Thương mại và Tiếp thị The Coffee House cho biết, chuỗi cà phê đặt mục tiêu trong năm nay sẽ giảm 80% lượng rác thải nhựa khó phân hủy ra môi trường.

"Chúng tôi cũng hy vọng sự vào cuộc của The Coffee House sẽ vừa là hành động khẳng định giá trị phát triển bền vững công ty hướng đến, vừa mang lại cảm hứng cho khách hàng trong việc thay đổi ý thức sử dụng đồ nhựa, đặc biệt là đồ nhựa sử dụng một lần", ông Phú cho biết.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, APH đặt mục tiêu sản phẩm túi sinh học phân huỷ hoàn toàn sẽ là động lực tăng trưởng chính của mảng này, và sản phẩm truyền thống sẽ được thay thế dần bởi sản phẩm sinh học phân huỷ hoàn toàn.

Hiện tại, APH đang triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm sinh học phân huỷ hoàn toàn tại Hoa Kỳ, trước mắt đặt mục tiêu hướng đến thị trường Bắc Mỹ. Cơ hội thành công của APH tại đây rất lớn bởi Chính phủ Hoa Kỳ đang có mức ưu đãi tốt hơn các quốc gia khác cho sản phẩm thân thiện môi trường.

Mở rộng sang công nghiệp hỗ trợ, nắm bắt xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam

Trong chuỗi các công ty thành viên, APH sở hữu 05 công ty phục vụ cho kế hoạch tiến sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu là Công ty CP Nhựa Hà Nội (mã chứng khoán: NHH), Công ty TNHH An Trung Industries (ATI), Công ty TNHH Linh kiện Nhựa Ô tô Vinfast - An Phát (VAPA), Công ty TNHH MTV Cơ khí chính xác và Chế tạo khuôn mẫu Việt Nam (VMC) và Công ty TNHH Phát triển Xuất nhập khẩu và Đầu tư Viexim (Viexim).

Trong đó, NHH sở hữu tệp khách hàng "có tiếng" trong mảng linh kiện ô tô – xe máy như Honda, Toyota, VinFast… và thương hiệu nổi tiếng khác trong lĩnh vực điện - điện tử như Panasonic, LGE…, ATI lại tập trung cho lĩnh vực điện – điện tử với những hợp đồng đã ký với Samsung, Brother.

Ở lĩnh vực khuôn, VMC đặt kế hoạch cung ứng ra thị trường từ 200 – 250 khuôn/năm và sẽ phát triển lên 500 sản phẩm, định hướng trở thành đơn vị hàng đầu trong ngành khuôn mẫu tại Việt Nam. Việc sở hữu nhà máy khuôn sẽ giúp chủ động trong việc thiết kế, sản xuất cũng như chủ động trong việc bảo dưỡng, rút ngắn thời gian, chi phí sản xuất linh kiện hỗ trợ.

Bước đi chiến lược của Tập đoàn An Phát Holdings - Ảnh 1.

Năm 2019, APH bắt đầu thu được trái ngọt từ các công ty thành viên. Kết thúc năm, NHH – Công ty mẹ của ATI, VMC, VAPA và Viexim, đạt doanh thu hợp nhất 1.233 tỷ đồng, hoàn thành hơn 109% kế hoạch đặt ra, tăng trưởng gần 20% so với năm trước. Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty vẫn tăng trưởng 12% trong năm 2019, đạt gần 68 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn 2018 - 2019, APH đánh dấu thành công lớn khi trở thành đối tác của hàng loạt ông lớn như Samsung, Brother, thu hút và phát triển thêm một số khách hàng mới như Lear, STM…

Trong thời gian tới, APH tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Công thương, Samsung Việt Nam và tỉnh Hải Dương triển khai nhiều kế hoạch mới phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, APH cũng có kế hoạch niêm yết cổ phiếu, kế hoạch chào bán cổ phiếu ban đầu được dự kiến với mức định giá 250 triệu USD. Công ty này cũng đang có kế hoạch phát hành tối đa 20 triệu cổ phiếu, chia làm ba đợt với mức giá khởi điểm không thấp hơn 25.000 đồng/đơn vị.

Số tiền huy động được nhằm đầu tư vào dự án nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy công nghệ cao (PBAT), tại KCN Nam Đình Vũ, TP Hải Phòng.

Ánh Dương - Nhịp sống Kinh tế

Tin mới