• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ca nhiễm Covid-19 toàn cầu tiếp tục tăng cao và sự lên tiếng của WHO

Thế giới 14/04/2021 19:22

(Tổ Quốc) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo về tình trạng dịch bệnh trong bối cảnh các ca nhiễm tăng kỷ lục toàn cầu.

Bà Maria van Kerkhove, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của WHO cho biết thế giới đã ghi nhận khoảng 4,4 triệu ca nhiễm Covid-19 vào tuần trước và bày tỏ lo lắng về xu hướng dịch bệnh trên toàn cầu.

Ca nhiễm Covid-19 toàn cầu tiếp tục tăng cao và sự lên tiếng của WHO - Ảnh 1.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: CNN

"Đây không phải là điều mà chúng ta mong muốn trong suốt 16 tháng bùng phát dịch bệnh. Đã đến lúc mọi người nên kiểm tra thực tế về những gì chúng ta đang làm trong quá trình chống dịch", bà van Kerkhove nói trong buổi họp báo vào ngày 12/4.

Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, một số quốc gia châu Á và Trung Đông cũng đang tiếp tục gia tăng các ca nhiễm Covid-19. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesu nhận định "chính sự nhầm lẫn, tự mãn và không nhất quán trong các biện pháp y tế công cộng" là nguyên nhân chính gây ra tình trạng dịch bệnh hiện tại.

Các ca nhiễm và tử vong trên thế giới vẫn tiếp tục tăng mặc dù hơn 780 triệu liều vaccine đã đưa vào sử dụng trên toàn cầu. Theo Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho dù vaccine có tác dụng phòng bệnh Covid-19 cao nhưng không phải là công cụ duy nhất để phòng chống dịch. Ông Ghebreyesus cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp y tế công cộng khác như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, vệ sinh tay, xét nghiệm, truy dấu và cách ly cũng có tác dụng ngăn chặn lây nhiễm và giúp mọi người vượt qua dịch bệnh.

"Cần có cách tiếp cận nhất quán, phối hợp và toàn diện", ông Ghebreyesus nhấn mạnh.

Trong tuần trước, số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ đã tăng kỷ lục trong bối cảnh quốc gia gần 1,4 tỷ dân trong nước đang triển khai tiêm chủng với tốc độ nhanh nhất thế giới. Quốc gia này đã báo cáo 161.736 ca nhiễm mới vào ngày 13/4 – mức giảm so với 6 ngày liên tiếp tăng kỷ lục tính trong một ngày, hãng CNN thống kê số liệu từ Bộ Y tế Ấn Độ cho biết.

Ấn Độ đã báo cáo hơn 13,5 triệu ca nhiễm Covid-19, chỉ xếp sau Mỹ và Brazil.

Trong khi đó, Iran – quốc gia có số ca mắc và tử vong cao nhất Trung Đông đang bước vào làn sóng thứ tư của đại dịch. Người phát ngôn Bộ Y tế Ấn Độ cho biết tổng số các ca nhiễm liên quan đến Covid-19 đã vượt qua 2 triệu người kể từ đầu đại dịch với khoảng 4.200 bệnh nhân hiện đang điều trị ở đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU).

Hơn 4.200 bệnh nhân Covid-19 đã phải nhập viện tại các khu ICU của Iran. Chính phủ nước này đã áp dụng biện pháp phong tỏa 10 ngày trên toàn nước.

Tại Brazil, các ca nhiễm Covid-19 đã vượt ngoài tầm kiểm soát ; kỷ lục lên tới 4.195 ca tử vong chỉ trong 24 giờ vào hôm thứ Ba tuần trước. Đây là ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Bang Sao Paulo và thành phố Rio de Janeiro chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên cả hai khu vực này đều bắt đầu nới lỏng hạn chế đi lại vào ngày 12/4. Chính quyền bang Sao Paulo cho biết số ca bệnh điều trị ở các khu chăm sóc đặc biệt đã giảm từ 90,5% xuống 88,6%. Vì vậy, kế hoạch mở cửa trường học, các sự kiện thể thao và cửa hàng sẽ được thực hiện.

Trong khi đó, tỷ lệ điều trị ICU tại thành phố Rio de Janeiro vượt 92%. Trong cuộc họp báo vào cuối tuần trước, thị trưởng thành phố Eduardo Paes đã thông báo kế hoạch nới lỏng hạn chế và khẳng định "điều kiện hiện tại không cho phép thành phố phong tỏa". Thị trưởng Eduardo Paes cũng cho rằng các chủ doanh nghiệp và người dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh.

Làn sóng lây nhiễm thứ ba tại châu Âu

Ở châu Âu, nhiều quốc gia đang rơi vào làn sóng thứ ba của dịch bệnh trong bối cảnh biến thể mới phát tán dễ lây lan nhanh trong cộng đồng.

Hai nghiên cứu gần đây cho biết biến thể B.1.1.7 phát hiện lần đầu tiên ở Anh có nguy cơ dễ lây lan hơn nhưng sẽ không gây bệnh ở mức độ nghiêm trọng. Các phát hiện mới khác với nghiên cứu độc lập trước đây cho rằng biến thể virus của Anh có thể gây ra nguy cơ tử vong.

Tại Đức, số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng. Các nhân viên y tế phải làm việc liên tục trong khi công suất sử dụng giường ICU liên tục trong tình trạng quá tải.

Vào tháng trước, những nhà chỉ trích đã cảnh báo châu Âu áp dụng các biện pháp hạn chế quá muộn cũng như nóng vội trong quá trình nới lỏng hạn chế. Vào ngày 12/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khuyến khích người dân nhanh chóng tiêm phòng để tránh rơi vào làn sóng lây nhiễm thứ ba của dịch bệnh.

Nước Anh đã nới lỏng hạn chế sau hơn ba tháng áp dụng lệnh phong tỏa. Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh đây là "bước tiến lớn" đối với "lộ trình tiến tới tự do" của nước này. Trong giai đoạn thứ hai, Anh tiếp tục mở cửa nhà hàng, phòng tập, dịch vụ thẩm mỹ, sở thú và các khu vực ngoài trời của quán rượu và nhà hàng.

Chính phủ Anh khẳng định việc nới lỏng các hạn chế diễn ra vào thời điểm nước này tiến hành tiêm chủng Covid-19 cho các đối tượng trên 50 tuổi, các nhân viên chăm sóc sức khỏe và những người chịu nhiều rủi ro trong dịch bệnh. Khoảng 40 triệu liều vaccine đã được tiêm tại Anh. Dự kiến, người dân Anh ở độ tuổi dưới 50 sẽ bắt đầu tiến hành tiêm chủng trong thời gian tới.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ