• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cả nước đang “thắt lưng buộc bụng”, cần dành nguồn lực để chăm lo cho người dân

Thời sự 19/10/2021 16:31

(Tổ Quốc) - Chiều 19/10, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì buổi Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XV.

Cả nước đang “thắt lưng buộc bụng”, nếu tăng lương có phần phản cảm, chưa phù hợp - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi Họp báo.

Việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII của Đảng được nhiều phóng viên báo chí quan tâm đặt câu hỏi tại buổi họp báo.

Nói về vấn đề này, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho hay, tới thời điểm này việc cải cách tiền lương đã "lỡ hẹn". Gần đây nhất, Ban Chấp hành Trung ương họp đã thống nhất lùi cải cách tiền lương không thời hạn đến một thời điểm thích hợp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, các cơ quan đã chuẩn bị kỹ giải pháp để tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương. Trong đó triển khai các nhiệm vụ cơ cấu thu, chi ngân sách để đảm bảo nguồn thu bền vững để cải cách tiền lương; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng trong sử dụng ngân sách nhà nước; quyết liệt thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng về kinh tế; tăng cường quản lý để nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước; tiết kiệm trên 10% dự toán chi thường xuyên hàng năm…

Cả nước đang “thắt lưng buộc bụng”, nếu tăng lương có phần phản cảm, chưa phù hợp - Ảnh 2.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội thông tin tại buổi họp báo.

Ông Đặng Thuần Phong cũng cho rằng, các vấn đề này đều tập trung thực hiện nhưng so với nhu cầu thì chưa đủ nguồn lực. Bên cạnh đó, đề án về tinh giảm bộ máy, việc làm phải song hành với vấn đề này nhưng chúng ta chưa thực hiện được như mong muốn. Do đó, những điều kiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu cải cách tiền lương chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, nguồn lực của quốc gia hiện tại đang được đầu tư hoàn toàn cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

Cũng theo ông Đặng Thuần Phong, đây là giai đoạn cả nước đang "thắt lưng buộc bụng", lo phòng chống dịch chờ phục hồi kinh tế. Do vậy, giai đoạn này nếu tăng lương có phần chưa phù hợp.

Cùng nói về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đây là vấn đề rất quan trọng, có tác động đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức.

Cả nước đang “thắt lưng buộc bụng”, nếu tăng lương có phần phản cảm, chưa phù hợp - Ảnh 3.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời tại buổi họp báo.

Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 thời gian qua đã ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến kinh tế xã hội của đất nước. Dịch bệnh không chỉ tác động đến chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh, đến đời sống mà còn phải chi ngân sách cho công tác phòng chống dịch. Cụ thể như việc chi các khoản mua kít xét nghiệm, mua vaccine phòng COVID-19, thiết bị y tế, chi cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Theo ông Bùi Văn Cường, việc tăng lương theo lộ trình đã đặt ra tại Nghị quyết 27 là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh bị đứt gãy chuỗi sản xuất, thiệt hại kinh tế lớn, tăng trưởng khoảng trên 3% thì nguồn lực để đầu tư cho phát triển, cho an sinh xã hội và chăm lo cho người dân cần thiết hơn.

Cũng theo ông Bùi Văn Cường, việc lùi cải cách tiền lương đến thời điểm nào thì đã được giao cho Chính phủ, các cơ quan liên quan xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên, Trung ương cũng xác định các nhóm đối tượng có thu nhập thấp sẽ được ưu tiên trước, trong đó có những người đã về hưu trước năm 1995 được xem xét trước.

Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp này

Về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc quyết định nhóm chất vấn và người chất vấn thuộc thẩm quyền quyết định của đại biểu Quốc hội. Bước đầu đã tổng hợp 59 nhóm vấn đề, dự kiến đến thời điểm cuối đợt họp trực tuyến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, sau đó quyết định nhóm vấn đề chất vấn và Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời chất vấn. Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp này.

"Theo quy định của pháp luật, các tiêu chí để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn là những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Không chất vấn những vấn đề đã có trong Nghị quyết về chất vấn và Nghị quyết về giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm chất vấn và phải phù hợp với tổng thời gian tổ chức phiên họp chất vấn", ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ