Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Trong bất kỳ giai đoạn nào thì người cao tuổi luôn là vốn quý và có vai trò, vị trí quan trọng trong gia đình cũng như toàn xã hội. Vì vậy để "Người cao tuổi được phát huy và chăm sóc đầy đủ" là rất cần thiết và cũng là trách nhiệm trong mỗi gia đình cũng như của toàn xã hội.


(Tổ Quốc) - Trong bất kỳ giai đoạn nào thì người cao tuổi luôn là vốn quý và có vai trò, vị trí quan trọng trong gia đình cũng như toàn xã hội. Vì vậy để "Người cao tuổi được phát huy và chăm sóc đầy đủ" là rất cần thiết và cũng là trách nhiệm trong mỗi gia đình cũng như của toàn xã hội.


Công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi được Đảng và Nhà nước quan tâm

Luật NCT năm 2009 quy định 5 nhóm chính sách đối với NCT bao gồm: Chăm sóc sức khỏe; hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, giao thông công cộng; bảo trợ xã hội; chúc thọ, mừng thọ và tổ chức tang lễ; phát huy vai trò NCT. Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ luật Lao động; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Trợ giúp pháp lí đều quy định cụ thể chính sách với NCT.

Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 267/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam tại cuộc họp của Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Việt Nam năm 2023.


Các cấp, ngành, các đoàn thể và toàn xã hội tiếp tục quan tâm, ưu tiên thực hiện công tác này, tạo điều kiện cho người cao tuổi phát huy vai trò, thêm nhiều đóng góp cho xã hội (ảnh minh họa)

Với chủ đề của năm 2023 "Người cao tuổi được chú trọng chăm lo và phát huy vai trò", tại cuộc họp của Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Việt Nam năm 2023, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 267/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam đã cho biết: Trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra hiện nay, công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi đang ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Hoạt động bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi được lồng ghép trong nhiều chương trình, nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương. Người cao tuổi được tạo điều kiện để tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, thể dục, thể thao... tại địa bàn, khu dân cư.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các cấp, ngành, các đoàn thể và toàn xã hội tiếp tục quan tâm, ưu tiên thực hiện công tác này, tạo điều kiện cho người cao tuổi phát huy vai trò, thêm nhiều đóng góp cho xã hội; các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục bảo đảm tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 và các chế độ, chính sách, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về người cao tuổi.

Các cấp, ngành, các đoàn thể và toàn xã hội tiếp tục quan tâm, ưu tiên thực hiện công tác này, tạo điều kiện cho người cao tuổi phát huy vai trò, thêm nhiều đóng góp cho xã hội

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

Tuy nhiên, công tác người cao tuổi vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc: Nhiều người cao tuổi còn có hoàn cảnh khó khăn (5% người cao tuổi chưa có Bảo hiểm y tế theo quy định, nhiều người cao tuổi còn đang sống trong nhà tạm, dột nát…); mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi thấp, chỉ bằng 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021 - 2025; dịch vụ trợ giúp xã hội, chăm sóc y tế, văn hóa, rèn luyện thể chất, chăm sóc xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu đối với người cao tuổi, đặc biệt tại các thành phố lớn, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; nguồn lực thực hiện công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi tại một số địa phương còn khó khăn.

Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam tiếp thu ý kiến của các đại biểu: Hoàn thiện báo cáo đề xuất đưa vào Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023 các nội dung về: giải pháp thực hiện cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho khoảng 5% người cao tuổi chưa có thẻ Bảo hiểm y tế; giải pháp xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình người cao tuổi; nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết trợ cấp xã hội, hưu trí xã hội đối với người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi; Rà soát, đánh giá, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về người cao tuổi nhằm ứng phó kịp thời xu hướng già hóa dân số và dân số già đang diễn ra ở Việt Nam.


Nhiều hoạt động được triển khai hưởng ứng

Tính đến tháng 2-2023, cả nước có gần 17 triệu người cao tuổi. Với chủ đề "Người cao tuổi được phát huy và chăm sóc đầy đủ", Tháng hành động vì người cao tuổi năm 2023 có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, gia đình và cộng đồng xã hội trong việc thực hiện Luật Người cao tuổi, các chính sách, công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trong đời sống hiện nay.

Cả xã hội chung tay để "Người cao tuổi được phát huy và chăm sóc đầy đủ" - Ảnh 3.

Các phong trào, các cuộc vận động như "Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi", phong trào "Tuổi cao - Gương sáng"... được các cấp, ngành triển khai sâu rộng, hiệu quả ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp, phát huy vai trò, đóng góp tích cực của người cao tuổi trong gia đình, xã hội; đề cao trách nhiệm, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ban, bộ, ngành đoàn thể và toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

Tại Hà Nội, trong các dịp Ngày truyền thống người cao tuổi (6-6), "Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam", các cấp hội thành phố cùng với các cấp, ngành, đơn vị tổ chức thăm hỏi, tặng quà 126.880 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa và người cao tuổi trong diện thực hiện chính sách có nhiều khó khăn với tổng số tiền trên 37,48 tỷ đồng. Ban Đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội cũng đã ký chương trình phối hợp với các sở, ngành, Bệnh viện Mắt quốc tế và Bệnh viện Thu Cúc nhằm tăng cường hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi Thủ đô. Hiện nay, 100% Hội Người cao tuổi xã, phường, thị trấn phối hợp xây dựng Quỹ "Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi" với tổng số dư trên 69 tỷ đồng. Bên cạnh đó 30/30 quận, huyện, thị xã thành lập được 257 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau với trên 14.000 hội viên... hằng tháng trợ cấp xã hội cho 364.152 người cao tuổi từ 60 tuổi đến 79 tuổi khuyết tật, nghèo, cô đơn, không nơi nương tựa; 92.166 người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu. Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 882.643 người cao tuổi, đạt tỷ lệ 84,6%. Có 446.955 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; 509.121 người cao tuổi có sổ theo dõi sức khỏe ban đầu.

Cả xã hội chung tay để "Người cao tuổi được phát huy và chăm sóc đầy đủ" - Ảnh 4.

TP.Hồ Chí Minh hiện có khoảng hơn 1 triệu người cao tuổi; trong đó có hơn 600.000 hội viên người cao tuổi đang sinh hoạt tại 310 Hội Người cao tuổi cơ sở, 2.129 chi hội, 20.597 tổ hội. Trong những năm qua các cấp hội đã, đang xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, qua đó mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cộng đồng. Nhiều lượt người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, cải thiện về kinh tế, sức khỏe, tinh thần; tạo điều kiện để người cao tuổi tiếp tục đóng góp cho cộng đồng và sống vui, sống khỏe, sống có ích, góp phần làm tốt công tác chăm sóc và phát huy vai trò Người cao tuổi tại cộng đồng. 5 năm qua, phong trào "Tuổi cao - gương sáng" nói chung và người cao tuổi làm kinh tế giỏi nói riêng ngày càng phát triển sâu rộng, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nhân "Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023" thành phố Hồ Chí Minh sẽ khám, chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi từ ngày 1-10 đến ngày 31-10. Các hoạt động y tế được thực hiện và triển khai bao gồm: khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, tư vấn sức khỏe, tư vấn điều trị bệnh thông thường miễn phí cho người cao tuổi; tăng cường tổ chức khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú đối với người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các quy định hiện hành; tăng cường tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo cho người cao tuổi nghèo khó, sống ở khu vực nông thôn, bị khuyết tật, không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội…;

Các hoạt động thăm khám sức khỏe dành cho người cao tuổi được triển khai sâu rộng trên nhiều tỉnh, thành cả nước (ảnh minh họa)

Hướng tới Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm 2023 (diễn ra từ ngày 1 đến 31/10), BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn số 3008/BHXH-TT hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh truyền thông hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023 với chủ đề "Người cao tuổi được phát huy và chăm sóc đầy đủ". BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu HĐND, UBND tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ người cao tuổi tham gia BHYT từ nguồn ngân sách địa phương; đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ trao tặng thẻ BHYT cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; BHXH các huyện, thành phố và thị xã chủ động tham mưu cho HĐND, UBND có chính sách hỗ trợ người cao tuổi tham gia BHYT từ nguồn ngân sách địa phương; tăng cường chỉ đạo truyền thông và huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thẻ BHYT cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông việc ứng dụng công nghệ thông tin của ngành BHXH Việt Nam trong giải quyết, chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho người tham gia, nhất là các dịch vụ liên quan đến người cao tuổi.

Ngoài ra các hoạt động phổ biến kiến thức, pháp luật, mừng thọ... cũng được triển khai đến người cao tuổi trên cả nước (ảnh minh họa)

Theo thống kê, hiện cả nước có 16,1 triệu người cao tuổi, trong đó, khoảng 95% người cao tuổi có thẻ BHYT. Số ít còn lại chưa tham gia thuộc các đối tượng chưa đủ điều kiện được cấp thẻ BHYT miễn phí, có hoàn cảnh khó khăn… Do đó, việc đề nghị đơn vị, địa phương chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách, huy động nguồn lực xã hội tặng thẻ BHYT cho người cao tuổi là giải pháp quan trọng giúp họ được chăm sóc đầy đủ trong những năm tháng tuổi già.


Quan tâm tới đời sống tinh thần

Năm 2023 là năm đầu tiên Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan tiếng hát người cao tuổi có quy mô rộng khắp, sôi động ở tất cả các cấp, các địa phương, là sân chơi bổ ích, tạo không khí phấn khởi, để người cao tuổi tiếp tục sống vui, khỏe, hạnh phúc. Đồng thời Liên hoan cũng là hoạt động tri ân sâu sắc đối với cán bộ, hội viên người cao tuổi tâm huyết với phong trào và công tác Hội người cao tuổi ở địa phương.

Liên hoan là hoạt động để đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; là cơ hội để người cao tuổi gặp gỡ, giao lưu, ôn truyền thống, đem lời ca tiếng hát ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, sự thay đổi của đất nước, thành tựu đổi mới của quê hương; khẳng định vị thế, vai trò của người cao tuổi đối với cộng đồng, xã hội.

Theo ban tổ chức, Liên hoan tiếng hát người cao tuổi Việt Nam khu vực 1, gồm các tỉnh phía Bắc, tổ chức tại tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 29 - 30/9. Liên hoan tiếng hát người cao tuổi khu vực 2, gồm các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa, dự kiến diễn ra đầu tháng 10. Liên hoan tiếng hát người cao tuổi khu vực 3, gồm các tỉnh miền Nam, tổ chức tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, từ ngày 13 - 15/9. Liên hoan tiếng hát người cao tuổi cấp toàn quốc năm 2023 được tổ chức tại Hà Nội, dự kiến vào cuối tháng 10.

Năm 2023 là năm đầu tiên Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan tiếng hát người cao tuổi có quy mô rộng khắp, sôi động ở tất cả các cấp, các địa phương

Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi lần đầu tiên diễn ra trên quy mô toàn quốc đã góp phần khẳng định công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi của các cấp, ngành và toàn xã hội luôn được quan tâm. Liên hoan là dịp để người cao tuổi các tỉnh, thành giao lưu, tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền thống của tỉnh bạn; góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của quê hương, dân tộc. Đây cũng là dịp nâng cao đời sống tinh thần, khích lệ người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích. Qua đó người cao tuổi càng nêu gương sáng cho con cháu về tinh thần "Tuổi cao chí càng cao", tuổi cao vẫn tích cực, hăng say rèn luyện để sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Khơi dậy và lan tỏa phong trào văn hóa văn nghệ trong xã hội, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Mặc dù công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và khó khăn. Để người cao tuổi được phát huy và chăm sóc đầy đủ hơn nữa trong thời gian tới cần sự chung tay của các gia đình cũng như toàn xã hội. Phát biểu tại lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến kêu gọi các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân tích cực hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi. Phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, kính trọng và tạo mọi điều kiện để phát huy vai trò của người cao tuổi; dành tình cảm yêu quý, đặc biệt, chăm sóc người cao tuổi về vật chất và tinh thần để người cao tuổi sống vui, sống khỏe trong môi trường an toàn, tràn đầy tình yêu thương của gia đình và xã hội.

Nhị Xuân


*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện