Các thành phố ngôi sao tại châu Âu: "Kỳ quan" để lại từ thời Phục hưng
(Tổ Quốc) - Vẻ đẹp hình học của những thành phố này thực sự khiến người ta không thể rời mắt nếu ngắm từ trên cao
Giống như những bông hoa tuyết được nhìn từ một ống kính phóng đại, phong cách quy hoạch phức tạp nhưng lại vô cùng gọn gàng của một số thành phố châu Âu luôn nhận được sự thán phục.
Ra đời trong khoảng thế kỷ 16 và 17, mô hình quy hoạch "thành phố ngôi sao" từng là một cách hoàn toàn mới để thiết kế các khu định cư và thành lũy. Nó cũng được một số bộ óc thông minh nhất thời bấy giờ vận dụng để bảo đảm an toàn cho các thành phố của mình khỏi sự tấn công của kẻ thù.
Hãy cùng nhìn lại một số ví dụ tiêu biểu nhất.
Naarden, Hà Lan : Hà Lan có lẽ đất nước có nhiều thành phố theo mô hình quy hoạch "ngôi sao nhất", trong đó ấn tượng hàng đầu là Naarden - thành phố nằm cách thủ đô Amsterdam 20km về phía đông.
Brielle, Hà Lan : Brielle giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử Hà Lan kể từ năm 1572 sau khi nó bị lực lượng "Sea Beggars" chiếm giữ và đánh dấu một cột mốc lớn trong cuộc chiến giành độc lập của người Hà Lan.
Heusden, Hà Lan: Hoàn thiện vào năm 1597, ngày nay Heusden gây ấn tượng với hệ thống pháo đài, thành lũy được thiết kế ngay ngắn nhờ vào dự án tái thiết kéo dài tới 40 năm. Dựa trên tấm bản đồ có niên đại 300 năm, các kiến trúc sư đã biến thành phố cổ đổ nát thành một điểm du lịch thu hút hàng trăm nghìn du khách mỗi năm trước khi COVID-19 xuất hiện.
Willemstad, Hà Lan: Nằm ở vùng Bắc Brabant, thị trấn nhỏ này là một ví dụ xuất sắc khác của mô hình "thành phố sao" tại Hà Lan.
Bourtange, Hà Lan: Thành phố đông bắc Hà Lan chỉ cách biên giới với Đức vài km. Pháo đài Bourtange được xây dựng vào năm 1593 và được sử dụng tới tận năm 1851.
Palmanova, Ý: Nằm rất gần với biên giới ngày nay giữa Ý và Slovenia, Palmanova là một trong những thành phố hình học lớn nhất và cũng được bảo tồn tốt nhất. Người dân Cộng hòa Venice xây dựng thành phố vào cuối thế kỷ 16 nhằm bảo vệ cho biên giới đông bắc của mình. Hiện Palmanova đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Peschiera del Garda, Ý: Nếu Palmanova bảo vệ cho sườn đông của Venice thì sườn tây của quốc gia từng tồn tại gần một thiên niên kỷ - lại phải nhờ vào Peschiera del Garda. Được bao phủ bởi sông hồ xung quanh, thành phố cũng là một Di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Almeida, Bồ Đào Nha: Nằm ở phía bắc và rất gần biên giới với Tây Ban Nha, thị trấn này tuân thủ chặt chẽ theo mô hình "thành phố sao". Trong Chiến tranh Bán đảo (1804-17), Almeida bị quân Napoleon chiếm giữ sau một vụ nổ thuốc súng khiến hàng trăm lính Anh và Bồ Đào Nha thiệt mạng.
Elvas, Bồ Đào Nha : Cách Lisbon 200km, Elvas "canh giữ" biên giới phía đông của đất nước trước những người Tây Ban Nha trong nhiều thế kỷ.
Neuf-Brisach, Pháp : Đây là một "thành phố sao" khác được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới và nằm trong mạng lưới các pháo đài do kỹ sư quân sự vĩ đại dưới thời Vua Louis XIV là Sébastien Le Prestre de Vauban thiết kế.
Terezín, Cộng hòa Czech: Được xây dựng vào cuối thế kỷ 18 như một thị trấn quân sự, vào Thế chiến thứ nhất, Terezin trở thành một trại tù nhân chính trị. Sau khi phát xít Đức chiếm Tiệp Khắc, toàn bộ thị trấn được sử dụng làm trại tập trung và khu định cư cho người Do thái. Tù nhân Do thái từ khắp châu Âu được đưa về đây. Ngày nay nó thuộc về Bảo tàng Do thái Terezin.
Zamosc, Ba Lan : Là một Di sản Thế giới, Zamosc vẫn gìn giữ được kiến trúc có nguồn gốc từ thế kỷ 16. Do là một điểm dừng cho các thương nhân đến từ phương đông và phương tây, kiến trúc của Zamosc có sự kết hợp từ nhiều phong cách châu Âu. Quy hoạch thành phố cũng được thiết kế bởi một kiến trúc sư người Ý.
Karlovac, Croatia: "Thành phố ngôi sao" này được xây dựng bởi gia tộc Habsburg như một thành lũy bảo vệ đất đai của mình trước Đế chế Ottoman. Trong một thế kỷ sau đó, người Ottoman từng 7 lần tấn công Karlovac nhưng đều không thành công.
Ảnh: CNN