Cách người Đức chi tiêu thời bão giá

(Tổ Quốc) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 tại Đức lên đến 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo hãng tin Bloomberg, người dân Đức đang tìm mọi cách để có thể thích nghi với tình hình lạm phát hiện nay.

Anh Constantin Dobirr, nhân viên văn phòng thống kê bang Hesse-Đức cho biết giá cả hàng hóa tại đây đều tăng chóng mặt. Từ mật ong cho đến sữa đậu nành đều tăng giá hơn so với lần trước anh đi kiểm tra ở các siêu thị.

Với đà lạm phát cao nhất kể từ khi 2 miền Đông-Tây Đức thống nhất hơn 30 năm qua, anh Dobirr cho biết rất khó để không phát hiện được vấn đề ở những siêu thị. Ngoài việc tăng giá, nhiều mặt hàng còn dùng chiêu trò khi giảm số lượng thực của sản phẩm.

Thu hẹp do lạm phát: Câu chuyện cuộc sống người Đức thời bão giá - Ảnh 1.

Một ví dụ điển hình mà anh Dobirr, một trong 56 nhân viên kiểm tra giá cả của văn phòng thống kê chỉ ra là một hộp ngũ cốc có giá 2,79 Euro không đổi nhưng khối lượng tịnh lại giảm 12% so với tháng trước.

Hiện tượng giảm đơn vị sản phẩm này được các nhà kinh tế học gọi là "Thu hẹp do lạm phát" (Shrinkflation) khi các mặt hàng bị thu nhỏ về kích cỡ hoặc số lượng, hoặc thậm chí đôi khi thay đổi công thức, giảm chất lượng trong khi giá của mặt hàng trên vẫn như cũ hoặc tăng thêm.

Tồi tệ hơn, nhiều mặt hàng tại Đức hiện không chỉ giảm số lượng mà còn tăng giá vì không chịu nổi đà lạm phát quá cao. Tại Hamburg, thành phố lớn thứ 2 của Đức, chính quyền địa phương đã nhận được 250 đơn phàn nàn trong tháng 8/2022, cao gấp 3 lần thông thường về việc các mặt hàng vừa giảm số lượng vừa tăng giá bán.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 tại Đức lên đến 7,9% so với cùng kỳ năm trước và theo khảo sát các chuyên gia kinh tế của hãng tin Bloomberg, con số này có thể lên đến 9,5%.

Tổ chức tư vấn Ifo Institute tại Munich thì còn bi quan hơn khi cảnh báo CPI có thể lên đến 11% vào đầu năm tới, mức cao nhất mà Tây Đức từng chứng kiến kể từ mùa đông năm 1951.

Trong khi đó, tổ chức nhân đạo lớn nhất Đức là Die Tafel thì cho biết số người nhận cứu trợ lương thực hiện nay đã vượt 2 triệu người, mức tăng 50% so với đầu năm 2022.

Theo Ifo, giá lương thực đã tăng chóng mặt trong khi hàng loạt mặt hàng khác, từ điện tử cho đến hàng hóa thô cũng lên giá ở Đức. Hậu quả là gần như mọi nhà bán lẻ lương thực và hơn 2/3 số nhà sản xuất thực phẩm tại nước này đang lên kế hoạch tăng giá trong vòng 3 tháng tới.

Hãng tin Bloomberg cho hay ngày càng nhiều người Đức đến mua sắm tại những cửa hàng giá rẻ, hoặc sử dụng những ứng dụng như Smhaggle, chuyên so sánh giá cả cùng một sản phẩm giữa các siêu thị để giúp người dân tiết kiệm túi tiền.

Thu hẹp do lạm phát: Câu chuyện cuộc sống người Đức thời bão giá - Ảnh 2.

Chỉ số giá tiêu dùng cho tất cả sản phẩm (đen) và riêng thực phẩm lẫn những đồ uống không cồn (đỏ) tại Đức

Lan rộng

Thuật ngữ "Shrinkflation" xuất hiện lần đầu vào năm 1969 khi nhà báo Arthur Buchwald viết những bài bình luận châm biếm về lạm phát. Từ này bắt đầu được công nhận rộng rãi trong thập niên 1970 khi hàng loạt hãng sản xuất muốn bảo vệ lợi nhuận biên của mình trước đà tăng chi phí và giảm tốc tăng trưởng, thế là họ bắt đầu nghĩ ra những mánh khóe mới.

Khi các hãng cắt giảm đơn vị sản phẩm, bán ít hơn trên mỗi thành phẩm để giữ giá thì họ sẽ tránh được việc bị mất doanh số trong thời buổi lạm phát cũng như giữ được hình ảnh thương hiệu.

Nếu như việc nhiều chuỗi siêu thị tại Mỹ, ví dụ như Costco, giữ nguyên giá gà quay trong 10 năm qua để đổi lấy tăng giá những mặt hàng khác bù vào thì nhiều thương hiệu lại không làm được như vậy.

Ngày nay, câu chuyện cắt giảm đơn vị sản phẩm đã chẳng có gì mới, tuy nhiên do mức độ suy giảm ít nên chúng không gây ra sự chú ý của người tiêu dùng. Hãng tin Bloomberg cho biết tình hình này đang diễn ra ở mọi nơi trên thế giới chứ không riêng gì Đức, lan rộng từ Australia cho đến Ấn Độ, từ Anh trải qua Mỹ.

Tại Anh, câu chuyện "Shrinkfaltion" đã xuất hiện từ sau khi người dân nước này bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Hãng Mondelez International đã giảm trọng lượng thanh chocolate Toblerone của mình, nhưng buộc phải khôi phục lại như cũ sau khi bị người tiêu dùng phản đối.

Theo Bloomberg, để khiến người tiêu dùng khó nhận ra, các hãng sản xuất rất cẩn trọng trong việc giảm đơn vị sản phẩm. Họ có thể giữ nguyên kích cỡ nhưng chỉ giảm nhẹ về trọng lượng, qua đó khiến khách hàng không biết rằng mình đang mua cùng số tiền nhưng ít hàng hơn.

Ví dụ thanh kẹo chocolate của Cadbury Dairy Milk đã giảm từ 200gr xuống còn 180gr, hộp sữa chua Corner của hãng Muller giảm từ 130gr xuống còn 124gr, gói bánh chocolate Maryland của hãng Biscuit Company giảm từ 230gr xuống còn 200gr.

Thu hẹp do lạm phát: Câu chuyện cuộc sống người Đức thời bão giá - Ảnh 3.

Đồng quan điểm, hãng bán hàng trực tuyến Britsuperstore dùng số liệu phân tích của "Money Saving Expert" cho biết người Anh đang phàn nàn khá nhiều về chocolate, tiếp đó là phô mai, sữa khi kích cỡ sản phẩm thay đổi, không đúng như trước nữa.

Vô vọng

Hãng tin Bloomberg cho biết với tình hình lạm phát như hiện nay, người tiêu dùng sẽ chẳng thể làm gì nhiều nếu vẫn muốn mua hàng với mức giá cũ. Họ sẽ buộc phải chấp nhận chất lượng sản phẩm sẽ không còn như trước, hoặc phải chịu bỏ tiền nhiều hơn.

Theo Bloomberg, việc cắt giảm đơn vị sản phẩm này thường diễn ra với những thương hiệu lớn nhằm giữ uy tín, do đó khách hàng có thể thử tìm đến những nhãn hàng ít nổi tiếng hơn. Ít nhất thì những thương hiệu nhỏ sẽ tăng giá sản phẩm chứ không muốn mất thêm chi phí thay đổi kích cỡ đơn vị để giữ hình ảnh.

Về phía công ty, có rất nhiều lời giải thích được đưa ra cho hành động trên. Một số biện minh rằng khách hàng vẫn chấp nhận mua ít hơn nếu giá không đổi, trong khi số khác cho rằng họ đang bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng với những sản phẩm nhiều đường, hay bảo vệ môi trường...

Ví dụ hãng Mondelex, tập đoàn này cho biết đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua phải giảm kích thước thanh kẹo chocolate Dairy Milk nhằm giữ được sự cạnh tranh, đảm bảo doanh số với đối thủ khi chi phí tăng do lạm phát.

Trong khi đó, khảo sát của Shopmate cho thấy 50% cửa hàng bán lẻ tại Anh nhận định rằng các thương hiệu tốt nhất là giảm bớt kích cỡ thay vì tăng giá sản phẩm bởi khách hàng hiện nay rất nhạy cảm về giá và điều này ảnh hưởng cực lớn đến doanh số.

*Nguồn: Bloomberg

Băng Băng

Tin mới