Cấm dầu Nga: 1 nước châu Âu than thiệt hại quá lớn, 1 nước châu Á tranh thủ mua dầu giá rẻ

An An | 08-06-2022 - 19:34 PM

(Tổ Quốc) - Tổng thống Serbia nói rằng, các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga đã ảnh hưởng nặng nề tới quốc gia vùng Balkan này.

Serbia nói thiệt hại 600 triệu USD do EU cấm vận Nga

Vào ngày 6/6 vừa qua, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết, quốc gia này đã phải gánh chịu những tổn thất đáng kể do các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, đặc biệt là vấn đề nguồn cung dầu mỏ.

"Chỉ bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu của Nga, họ [Liên minh châu Âu EU] đã trực tiếp lấy đi 600 triệu USD từ túi của chúng tôi!", hãng tin RT (Nga) dẫn lời Tổng thống Vucic nhấn mạnh, số tiền này là tiền thuế của người dân Serbia.

Tổng thống Vucic nói rằng dầu Kirkuk của Iraq hiện đắt hơn 31 USD/thùng. "Họ đã lấy 600 triệu USD từ chúng tôi, và chúng tôi vẫn phải dồn thêm tiền vào khí đốt", ông nói.

Nhà lãnh đạo Serbia nhận định, tình hình năng lượng toàn cầu đang trở nên phức tạp hơn. "Trên thực tế, chúng tôi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhưng không chính thức", ông nói, các vấn đề năng lượng đang được "giải quyết hàng ngày".

Tuần trước, EU đã thông qua vòng trừng phạt thứ sáu đối với Nga, bao gồm lệnh cấm vận một phần dầu mỏ. Các quốc gia thành viên có sáu tháng để ngừng nhập khẩu dầu của Nga bằng đường biển hoặc đường ống, và tám tháng để chấm dứt việc mua "các sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác". Tuy nhiên, sẽ có một miễn trừ tạm thời cho các quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng của Nga, như Cộng hòa Séc, Hungary và Bulgaria.

Mặc dù phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ EU nhưng Serbia đã từ chối tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga và duy trì quan hệ với Moscow. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào tháng trước rằng, Tổng thống Vucic tuyên bố, Serbia sẽ tiếp tục theo đuổi "lợi ích của riêng mình".

Cấm dầu Nga: 1 nước châu Âu than thiệt hại quá lớn, 1 nước châu Á tranh thủ mua dầu giá rẻ - Ảnh 1.

Serbia nói đang thiệt hại 600 triệu USD do lệnh cấm của EU. Ảnh: Nikkei

Ba Lan cho phép người dân vào rừng kiếm củi

Trong bối cảnh chi phí năng lượng ngày càng tăng, giới chức Ba Lan đã cho phép người dân vào rừng kiếm củi sưởi ấm. Ba Lan đang lâm vào tình trạng khan hiếm than sau lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga.

"Điều này là có thể, nếu được sự đồng ý của các cán bộ kiểm lâm, [người dân] có thể kiếm củi làm nhiên liệu", tờ Next Gazeta dẫn lời Thứ trưởng Bộ Khí hậu và Năng lượng Edward Siarka ngày 6/6 cho biết.

Những người muốn khai thác củi trước hết phải qua đào tạo và được đơn vị lâm nghiệp địa phương cho phép. Người dân cũng chỉ được nhặt cành cây rơi gãy, không được chặt cây.

"Chỉ được nhặt nhạnh những cành cây gẫy. Đồng thời, không được lấy các cành cây dày hơn 7 cm", ông Marek Mroz, quan chức của Cục Lâm nghiệp Bang Katowice, cho biết.

Ông này giải thích rằng, số củi thu được phải nộp cho đơn vị kiểm lâm địa phương, để xuất hóa đơn. Những người khai thác củi sẽ phải trả từ 7 đến 30 zloty (khoảng 7 USD) cho khoảng 0,25 mét khối củi.

Nhu cầu về nguyên liệu thô ở Ba Lan đã vượt xa sản lượng nội địa kể từ khi lệnh cấm đối với than của Nga được áp dụng. Trong suốt cuộc xung đột quân sự hiện nay, Warsaw đã kêu gọi cấm vận hoàn toàn đối với năng lượng của Nga. Vào tháng 3, quốc gia EU cho biết họ sẽ chấm dứt tất cả các hoạt động nhập khẩu năng lượng của Nga, bao gồm dầu, khí đốt và than vào cuối năm 2022.

Theo báo cáo, nhập khẩu gỗ của Ba Lan từ Nga và Belarus đã ngừng hoàn toàn khi xung đột bùng nổ, và nhập khẩu từ Ukraine đã giảm khoảng 75%.

Cấm dầu Nga: 1 nước châu Âu than thiệt hại quá lớn, 1 nước châu Á tranh thủ mua dầu giá rẻ - Ảnh 2.

Người dân Ba Lan có thể vào rừng kiếm củi nhưng với nhiều quy định chặt chẽ. Ảnh: Reuters

Ấn Độ muốn mua thêm dầu Nga

Tờ Bloomberg ngày 6/6 đưa tin, Ấn Độ đang đàm phán với tập đoàn dầu khí quốc doanh Rosneft của Nga để tăng nguồn cung dầu cho nước này.

Theo tiết lộ, các công ty dầu khí quốc doanh Ấn Độ và Rosneft đang "làm việc chung để hoàn thiện và đảm bảo các hợp đồng cung cấp dầu thô mới kéo dài 6 tháng của Nga cho Ấn Độ".

Các công ty Ấn Độ bao gồm nhà máy lọc dầu Indian Oil Corp, Hindustan Petroleum và Bharat Petroleum, cũng như các nhà sản xuất tư nhân Reliance Industries và Nayara Energy. Tuy nhiên, các công ty Ấn Độ chưa lên tiếng về thông tin này.

Nguồn tin của Bloomberg nói rằng, chi tiết về khối lượng và giá cả của những đợt giao hàng mới này, sẽ cao hơn so với những mặt hàng mà Nga đã cung cấp cho Ấn Độ và đang được thương lượng với các ngân hàng Ấn Độ nhằm hỗ trợ cho các thỏa thuận.

Theo RT, một số doanh nghiệp dầu mỏ nước ngoài gần đây đã do dự mua dầu thô của Nga do có nguy cơ đối mặt với các lệnh trừng phạt thứ cấp. Mỹ và Anh trước đó đã đặt lệnh cấm vận đối với dầu của Nga, trong khi EU đã thống nhất về lệnh cấm một phần vào tuần trước.

Tuy nhiên, Ấn Độ đã tăng cường mua hàng hóa của Nga trong ba tháng qua, với mong muốn tận dụng mức chiết khấu. Xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ đã tăng gần 25 lần trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái.

Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng và phải nhập khẩu 85% lượng dầu mà nước này cần để sử dụng trong nước. Nước này vẫn tiếp tục mua dầu của Nga ngay cả sau khi Washington và Brussels cố gắng gây áp lực buộc New Delhi ngừng hợp tác với Moscow để cắt đứt khả năng tiếp cận nguồn thu từ dầu của nước này. Tuy nhiên, Ấn Độ cho rằng lượng dầu mà nước này nhập khẩu từ Nga ít hơn nhiều so với nhập khẩu của châu Âu và chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng tiêu thụ cả nước.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM