Câu đố tiếng Việt: “Con cà con kê” thực ra là con gì? Ai cũng nghĩ đó là CON GÀ, đáp án lại THÚ VỊ hơn bạn tưởng

(Tổ Quốc) - "Con cà, con kê" là chuyện lan man, dông dài, không theo chủ đề nào. Nhưng cà hay kê là con gì?

Thành ngữ là tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa của nó thường không thể giải thích được một cách đơn giản bằng nghĩa của các từ tạo nên nó. Thành ngữ ngắn gọn, hàm súc, có tính hình tượng, tính biểu cảm cao và được sử dụng rộng rãi trong lời ăn tiếng nói cũng như sáng tác thơ ca văn học tiếng Việt. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân như cách phát âm, cách biến âm… mà một số thành ngữ tục ngữ ngày nay bị dùng sai so với nguyên tác.

Bên cạnh đó, một số câu thành ngữ cho đến nay vẫn chưa thể xác nhận được trong các cách giải thích chuẩn xác nhất về sự vật, sự việc được nhắc tới trong đó. Câu thành ngữ "con cà, con kê" là một ví dụ. Ai cũng biết "con cà, con kê" (dị bản "cà kê dê ngỗng") là chuyện lan man, dông dài, không theo chủ đề nào. Tuy nhiên, cuộc tranh luận con "cà" con "kê" là con gì dù thỉnh thoảng được đem ra "mổ xẻ" nhưng vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.

Câu đố tiếng Việt: “Con cà con kê” thực ra là con gì? Ai cũng nghĩ chỉ là CON GÀ, đáp án khác THÚ VỊ hơn nhiều - Ảnh 1.

Có luồng ý kiến cho rằng con "cà" chính là con gà theo cách nói của người Việt xưa, còn con "kê" cũng là con gà theo nghĩa Hán Việt.

Có luồng ý kiến cho rằng con "cà" chính là con gà theo cách nói của người Việt xưa, còn con "kê" cũng là con gà theo nghĩa Hán Việt. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ giải thích: Con gà âm Hán là kê, tiếng Mường là kha, tiếng Nghệ Tĩnh là ga, cổ âm đồng hóa với ca, cà. "Con cà, con kê" là nói đi nói lại cùng một chuyện, dài dòng, luẩn quẩn và trùng lặp, "hết con gà lại quay lại... con gà".

Ý kiến thứ hai lại cho rằng "cà" và "kê" ở đây thực chất là hai loại cây. Lê Gia trong sách "1575 thành ngữ, tục ngữ cần bàn thêm" giải thích: Quả cà và bông kê là 2 thứ "rất nhiều hột", khi gieo ương thì mọc rất nhiều cây con và thường gọi là "con cà, con kê", để "chỉ sự sinh sản ra quá nhiều, thường dùng chỉ về sự nhiều việc, nhiều chuyện xảy ra". Và nói kiểu "con cà, con kê" là nói tràng giang đại hải, nói nhiều quá mức cần thiết.

Thêm vào đó, dị bản "cà kê, dê ngỗng" cho chúng ta thêm bằng cứ để khẳng định "con cà, con kê" không thể "đều là gà". Bởi nếu vậy, dị bản "cà kê, dê ngỗng" phải là "cà kê, dê dương" mới đúng với nghĩa nói quanh quẩn, hết chuyện cà (gà) rồi lại quay lại gà, hết chuyện dê rồi lại chuyện dê (dương).

Lại có ý kiến cho rằng thành ngữ "con cà, con kê" sử dụng từ có gốc tiếng Pháp là từ caquet (phiên âm là "ca kê"), chỉ tiếng gà cục tác, nghĩa bóng là ba hoa. "Cà kê" là cách đọc Việt hóa của từ này. Cho đến nay, chưa thể xác nhận được trong các cách giải thích trên, cách nào là chuẩn nhất.

Một số câu ca dao, thành ngữ khác nói về sự khôn khéo trong giao tiếp:

- Nói gần nói xa chẳng qua nói thật: Không cần phải nói lời vòng vo, dài dòng mà chẳng vào vấn đề, hãy nói lời thật lòng, súc tích, ngắn gọn dễ hiểu.

- Rượu lạt uống lắm cũng say/ Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm: Nói nhiều, nói dai lại dễ thành nói dại, chẳng những không có tác dụng gì mà còn tự rước vạ vào thân.

- Khôn ngoan, chẳng lọ nói nhiều/ Người khôn, nói một vài điều cũng khôn: Người xưa quan niệm, nói nhiều chưa chắc là người có hiểu biết mà đôi khi là do “thùng rỗng kêu to”.

- Sảy chân, gượng lại còn vừa/ Sảy miệng, biết nói làm sao bây giờ: Câu ca dao muốn nói chúng ta nên cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, một khi vạ miệng thì rút lại không được nữa.

- Người khôn ăn nói nửa chừng/ Để cho người dại nửa mừng nửa lo: Người khôn theo nghĩa lớn là để giúp đời, theo nghĩa nhỏ thì chí ít phải có ý tưởng minh bạch về bất kể việc gì đó. Nhưng cái khôn của người Việt không vậy! Mục đích của cái khôn không phải thể trình ra quan niệm hay trí tuệ, mà là để sống ưu thế hơn.


Hiểu Đan

Tin mới