Cầu Thăng Long hoàn thành những thảm bê tông nhựa cuối cùng để chuẩn bị thông xe
(Tổ Quốc) - Dự án sửa chữa, nâng cấp mặt cầu Thăng Long đang băng băng "về đích". Theo dự kiến, đến ngày 8/1/2021, dự án sẽ chính thức hoàn thành và khai thác trở lại.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đang trong giai đoạn thi công cuối cùng. Chiều 28/12, mẻ bê tông nhựa Polime cuối đã được nhà thầu thảm xong trên mặt cầu.
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, ông Vũ Hải Tùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào ngày 8/1/2020. Theo hợp đồng ký giữa đại diện chủ đầu tư và nhà thầu thì thời gian thi công dự án sửa mặt cầu Thăng Long là 150 ngày, tính từ ngày 16/8/2020 đến ngày 12/1/2021. Như vậy, dự án sẽ "về đích" sớm 4 ngày.
Mặt cầu, sau khi hoàn thành đổ bê tông siêu tính năng sẽ được thảm một lớp BTN Polime.
Hàng trăm thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho công tác thảm lại mặt cầu Thăng Long.
Bê tông nhựa được đổ từ thùng xe tải xuống máy thảm. Công tác thảm bê tông nhựa được thực hiện hoàn toàn bằng máy móc.
Công nhân dọn dẹp xung quanh khu vực thảm bê tông để đảm bảo không rơi vãi ra xung quanh.
Công việc được giám sát rất chặt chẽ của các chuyên gia đến từ Nhật Bản.
Các khâu đều được các chuyên gia đến từ Nhật Bản kiểm tra rất kĩ lưỡng.
Những chiếc máy ủi hoạt động liên tục trên công trường để đảm bảo công tác thảm lớp bê tông nhựa cuối cùng trên mặt cầu Thăng Long hoàn thành trong chiều 28/12.
Tính đến thời điểm hiện tại, dự án sửa mặt cầu Thăng Long đang đảm bảo đúng tiến độ và có khả năng hoàn thành trước kế hoạch đề ra.
Được biết, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long dựa trên ứng dụng giải pháp kết cấu mặt cầu bản thép liên hợp nhẹ, với công nghệ hàn đinh neo plasma (vào bản mặt thép) và bê tông siêu tính năng UHPC là công nghệ có tính kinh điển, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới. Trong quá trình triển khai dự án, các kỹ sư, chuyên gia Việt Nam đã làm chủ được công nghệ này. Đến nay, các công tác chính của quá trình thi công đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra. Tuổi thọ của lớp bê tông siêu tính năng tương đương với tuổi thọ của kết cấu thép, có thể lên đến 30 năm.
Theo ý kiến của các chuyên gia và các nhà khoa học, từ thời điểm này cần tính đến các giải pháp nhằm bảo vệ cầu Thăng Long khi công trình này đưa vào sử dụng. Việc kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện lưu thông qua cầu thông qua lắp đặt trạm cân tự động và từ chối cho xe quá tải lưu thông qua cầu như một số tuyến đường bộ cao tốc đang áp dụng được các chuyên gia đánh giá là giải pháp mang lại hiệu quả để bảo vệ cầu Thăng Long.
Theo dự kiến, đến ngày 8/1/2021, dự án sẽ chính thức hoàn thành và đưa vào khai thác.
Bảo Trung