Cầu thủ trẻ Việt Nam được học cách trả lời phỏng vấn, sử dụng mạng xã hội

(Tổ Quốc) - Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF là nơi hiếm hoi tại Việt Nam chú trọng đến phát triển kỹ năng mềm cho cầu thủ trẻ.

Ngày 26/11, cầu thủ lứa 2003 – 2006 được tham dự buổi chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng phỏng vấn. Người đứng lớp là bình luận viên Đặng Phương Nam, một cựu cầu thủ và HLV có tiếng.

Theo Trung tâm PVF, buổi học cung cấp lý thuyết, ví dụ thực tế thông qua các cuộc trả lời phỏng vấn người nổi tiếng. Mục đích cuối cùng là giúp các cầu thủ trẻ hiểu về tầm quan trọng của kỹ năng trả lời phỏng vấn báo chí.

Cầu thủ trẻ Việt Nam được học cách trả lời phỏng vấn, sử dụng mạng xã hội - Ảnh 1.

BLV Đặng Phương Nam chia sẻ về cách trả lời phỏng vấn báo chí với các cầu thủ trẻ tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF (Ảnh: PVF)

Cầu thủ trẻ Việt Nam được học cách trả lời phỏng vấn, sử dụng mạng xã hội - Ảnh 2.

Cầu thủ trẻ PVF thực hành trả lời phỏng vấn với người hỏi là BLV Đặng Phương Nam (Ảnh: PVF)

Hình ảnh Trung tâm PVF chia sẻ từ lớp học có thể thấy BLV Đặng Phương Nam đưa ra cả một số mẹo trả lời phỏng vấn khi gặp câu hỏi phức tạp như "trung lập hoá các câu hỏi tiêu cực", "nhắc lại câu hỏi nếu bạn cần thời gian", "hạn chế nói tôi không biết",…

Không chỉ có kỹ năng trả lời phỏng vấn, Trung tâm PVF từng tổ chức các buổi chia sẻ kỹ năng mềm với các chủ đề như "nhận biết hình ảnh cá nhân, cách sử dụng mạng xã hội"; "cách đặt mục tiêu cùng kỹ năng hoàn thành mục tiêu".

Ở Việt Nam, các học viện, trung tâm đào tạo trẻ vẫn tập trung chủ yếu vào rèn luyện và phát triển kỹ năng bóng đá cho cầu thủ trẻ. Trong khi đó, khía cạnh kỹ năng mềm như trên thường để các cầu thủ tự tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ lứa đàn anh,… Nhiều cầu thủ khi được triệu tập lên đội tuyển quốc gia đã rất bối rối khi được yêu cầu trả lời phỏng vấn trực tiếp trước báo chí. 

Thế hệ cầu thủ trước đây chủ yếu chịu sức ép trực tiếp từ báo chí, truyền thông. Đến hiện tại, sức ép đến cả từ người hâm mộ trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh.

Mạng xã hội có thể trở thành kênh xây dựng hình ảnh cá nhân tốt, giúp cầu thủ kiếm thêm thu nhập ngoài bóng đá. Tuy nhiên, nếu không có kỹ năng kiểm soát tốt thì có thể dẫn đến những hệ luỵ ảnh hưởng xấu. Những vụ lùm xùm của cầu thủ Việt Nam khoảng 5 năm trở lại đây hầu hết bắt nguồn từ mạng xã hội.

Trường hợp gần nhất liên quan đến việc thủ môn Bùi Tấn Trường "livestream muộn trên một mạng xã hội", từ đó nhiều thông tin tiêu cực được tạo nên xoay quanh cá nhân thủ môn sinh năm 1986.

Vụ việc thậm chí còn liên quan đến đội tuyển Việt Nam. HLV Park Hang-seo có buổi trò chuyện riêng với Tấn Trường. Kết quả là thủ môn này cam kết không livestream trên mạng xã hội trong thời gian tập trung cùng đội tuyển Việt Nam.

Trước đó, nhiều cầu thủ Việt Nam vướng vào lùm xùm lớn trên mạng xã hội, có thể kể đến "Quang Hải bị hack Facebook cá nhân, lộ nhiều thông tin nhạy cảm"; "bảng báo giá quảng cáo của thủ môn Bùi Tiến Dũng", "ảnh nhạy cảm của Công Phượng và bạn gái cũ",... 

Tấn Trường: Sao mọi người lại ghét tôi, chửi tôi

HIẾU LƯƠNG

Tin mới