Phóng viên báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn với Tổng giám đốc Công ty cổ phần CNHT Minh Nguyên Việt kiều này nhân dịp ông được mời tham dự chương trình Xuân Quê hương Tết Kỷ Hợi 2019.
- Thưa ông Châu Bá Long, cách đây vài năm, báo chí đưa đậm hàng tiêu đề: "Việt Nam không thể sản xuất nổi dù chỉ là một cái đinh vít". Giờ đây, câu nói này có còn đúng trong bối cảnh hiện nay không, thưa ông?
+ Ông Châu Bá Long: Tôi cho là không, tới thời điểm hiện tại đã có nhiều đơn vị cung ứng linh kiện điện tử. Tôi đơn cử, Samsung Việt Nam hiện nay không chỉ là nhà máy tập lắp ráp linh kiện điện tử mà còn là nơi trực tiếp sản xuất những linh kiện điện tử quan trọng. Nhờ việc trực tiếp sản xuất những linh kiện điện tử trọng tâm của điện thoại thông minh như: kính 3D, camera, khung kim loại, màn hình, pin… mà tỷ lệ nội địa hóa của Samsung đã tăng lên 58%. Trong số này, nhiều nhà máy trong đó có Công ty Minh Nguyên chúng tôi cũng đã tham gia ở nhiều hạng mục.
Ngoài ra, chúng tôi còn đang sản xuất sản phẩm linh kiện nhựa và khuôn mẫu chất lượng cao. Công ty cung ứng nhiều ngành công nghiệp: hàng gia dụng kỹ thuật số, linh kiện điện tử, phụ tùng xe hơi cho một số nhãn hàng nổi tiếng như Mitsubishi…
Câu nói đó tuy hiện nay đã không còn đúng với thực tế, nhưng cũng vì "tự ái" vì câu nói này mà chúng tôi mới có Minh Nguyên ngày nay.
- Được biết cha anh sinh ra ở Trung Quốc, anh học tại Việt Nam sau đó định cư ở Úc và về Việt Nam lập nghiệp. Anh học được gì từ những môi trường này khi phát triển ngành CNHT ở Việt Nam?
+ Ông Châu Bá Long: Môi trường nước ngoài hay Việt Nam thời điểm hiện tại tương đối tốt khi so sánh với các nước trong khu vực và các nước châu Âu, Mỹ. Nếu mình biết tận dụng khai thác nguồn nhân lực thì mình sẽ có sự chuẩn bị nội tại cho mình.
Theo tôi, nếu mình có tư duy và mình phải có sự chuẩn bị về mặt nhân lực, các khâu quản lý, hay chấp nhận phải đổi mới, chấp nhận học hỏi… thì nhờ sự hỗ trợ thì chắc chắn mình sẽ nhận được những hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp. Đó là những thứ tôi cho rằng không nên ngần ngại để chuẩn bị cho riêng mình, chịu học hết những thứ mình không biết để tạo ra được kiến thức cho riêng doanh nghiệp, từ từ, dần dần kiến thức đó sẽ tạo thành thứ đặc thù riêng.
Nếu trong một môi trường như vậy, tư duy mình không có sẽ không nắm bắt được. Tới một lúc nào đó, chúng ta cần định hướng phát triển doanh nghiệp lên mức như thế nào, phải có một chiến lược rõ ràng. Tới một thời điểm nhất định, thế giới sẽ phát triển tới một nền công nghiệp 4.0 hay 5.0 thì mình cũng phải có sự chuẩn bị để cùng bước theo.
Nếu không có sự chuẩn bị thì mình sẽ thấy: "à, những công nghệ mình đang có đã bị lạc hậu rồi". Đó có thể được coi là một bài học mà chúng ta học được từ CNHT Trung Quốc.
Ngay khi từ Úc về tôi nhận ra rằng thị trường của Việt Nam có nét giống với Thái Lan, trong tương lai gần sẽ phát triển về CNHT cho ô tô và sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam.
- Vậy cái khó nhất của một doanh nghiệp Việt kiều khi đầu tư lĩnh vực CNHT là điều gì thưa ông?
+ Ông Châu Bá Long: Thời gian đầu cũng gặp nhiều khó khăn lắm, mình không biết phải làm thủ tục xin về đất đai, rồi thủ tục về CNHT này như thế nào, sau đó mình xin thành lập doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao TP HCM.
Ở đây, chúng tôi phải rất cám ơn tới UBND TP HCM, các sở ban ngành của TP đã giúp đỡ, hỗ trợ Minh Nguyên để làm sao mình có thể đi vào sản xuất kịp thời cho bên Samsung vì theo yêu cầu của họ đặt ra là thời điểm mình đã chốt rồi thì phải bám sát nó, làm sao đi vào sản xuất đúng yêu cầu của họ lúc đó mình mới chính thức tham gia vào chuỗi cung ứng này.
- Các DN công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa chưa là đại lý cấp 1, nên bắt đầu từ đâu để theo đuổi mục tiêu sẽ trở thành các nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn như Minh Nguyên thưa ông?
+ Ông Châu Bá Long: tôi có thể chia sẻ điều này, khi mình tham gia chuỗi cung ứng các tập đoàn, họ sẽ quan tâm mình có mindset- tư tưởng hay không, sự nỗ lực cố gắng của mình ra sao.
Tại sao tôi lại nói từ "mindset": tư tưởng của mình phải thay đổi, tư tưởng chịu thay đổi. Những điều này các tập đoàn rất là thích vì mình sẽ phải thay đổi về công nghệ, thị trường… Hay nguồn nhân lực, nếu mình không đào tạo nguồn nhân lực sẽ không bám sát được công nghệ, khi ấy mình không thể sản xuất được công hàng chất lượng đạt yêu cầu của họ đề ra.
Tại Minh Nguyên, chúng tôi không có quan hệ chủ và người làm thuê, chỉ có những người đồng chí hướng cùng nhau hợp tác vì mục tiêu chung
CEO Châu Bá Long
Khi mình muốn tham gia vào chuỗi cung ứng họ có rất nhiều tiêu chí đánh giá. Muốn đạt được không chỉ là các công nhân mà còn từ cấp quản lý lên tới quản lý cấp cao hơn, từ trên xuống dưới phải đồng lòng. Cái nào mình không biết thì học, cái nào mình cần là phải đào tạo.
Các tập đoàn đều có chuyên gia hỗ trợ cho mình, khi mình gặp vấn đề khó sẽ hỏi và họ hỗ trợ được gì họ sẽ nói ngay. Minh Nguyên cũng được Samsung và Bộ Công Thương, Sở Công Thương TPHCM hỗ trợ các chương trình tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Qua các chương trình tư vấn cải tiến sản xuất, doanh nghiệp cố gắng học hỏi và thay đổi được sản xuất, kiểm soát chất lượng. Qua một thời gian đánh giá sự cải tiến của mình, thì doanh nghiệp có thể đạt cấp 3, cấp 2 từng bước hoàn thiện để thành đại lý cấp 1.
- Trong tưởng tượng của ông, Minh Nguyên sẽ như thế nào trong 5 năm tới?
+ Ông Châu Bá Long: Mong muốn của Minh Nguyên là trở thành người kết nối đa số các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT để tạo thành hệ sinh thái riêng. Muốn làm được điều đó, các doanh nghiệp phải có cùng tư duy, định hướng, dám chấp nhận rủi ro, sự thay đổi, dám chia sẻ điểm mạnh điểm yếu của từng doanh nghiệp để hỗ trợ, tương tác cho nhau. Khi đã thành một hệ nhóm nếu mình nhận được một đơn hàng này, mình có thể chia sẻ tới các doanh nghiệp còn lại, người làm công đoạn này, người làm công đoạn khác, nhưng người kiểm soat đầu cuối vẫn là phải là doanh nghiệp đầu tàu.
- Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!