Anh Chánh Văn Hoàng Anh Tú từng là cái tên quen thuộc của thế hệ học trò 7x, 8x trên chuyên mục "gỡ rối tơ vương" của báo Hoa Học Trò. Năm 2013, anh tạm biệt nghề báo vốn gắn bó hơn 20 năm để chuyển sang làm kinh tế bằng kinh doanh các chuỗi nhà hàng hải sản, đồ ăn Thái…
Một chiều tháng 3, anh chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Tổ Quốc về những khó khăn của ngày đầu khởi nghiệp. Đã có những lúc tưởng như anh - một nhà báo vốn chỉ quen với những con chữ - phải khép lại con đường kinh doanh còn dang dở.
-Thưa anh, đang giữ vị trí quan trọng của một tờ báo tên tuổi, lý do nào khiến anh rời công việc làm báo để chuyển sang làm kinh doanh?
+ Đôi khi là cơ duyên. Tôi làm nghề báo hơn 20 năm. Trong khoảng thời gian trước và sau năm 2013 thì báo chí bắt đầu đi xuống, nhất là báo giấy. Mọi thứ không còn ổn như trước đây. Cá nhân tôi thấy rằng mình quen làm báo giấy, chưa quen làm báo điện tử nên nếu tiếp tục nghề báo sẽ rất khó khăn. Thêm lý do quan trọng nữa là vì mưu sinh, vì kinh tế mà chúng ta đều biết rằng nếu làm báo thì không thể có cuộc sống ổn về kinh tế. Vì thế, năm 2013, tôi quyết định nghỉ công việc làm báo để tập trung cho kinh doanh.
-Đâu là điều khó khăn nhất khi anh bắt đầu khởi nghiệp ở tuổi không còn trẻ, đặc biệt là bước ngoặt từ một người làm báo sang làm kinh doanh nhà hàng?
+ Tôi nghỉ làm báo khi tôi 35 tuổi, là lứa tuổi không còn trẻ nữa. Khi khởi nghiệp tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn vì kinh doanh nhà hàng là lĩnh vực hoàn toàn mới đối với tôi.
Thoạt đầu ai cũng nghĩ chỉ cần biết nấu ăn thì có thể kinh doanh nhà hàng... Đây cũng là suy nghĩ của tôi nên cũng vì thế vợ chồng tôi đã lựa chọn kinh doanh nhà hàng hải sản.
Cùng với việc tôi có một tên tuổi nhất định trong nghề báo nên tôi đã suy nghĩ răng mở nhà hàng là lợi thế rất lớn.
"Cá nhân tôi thấy rằng mình quen làm báo giấy, chưa quen làm báo điện tử nên nếu tiếp tục nghề báo sẽ rất khó khăn.
Hoàng Anh Tú
Thời gian đầu mở nhà hàng, tôi may mắn có nhiều bạn bè trong giới báo chí, truyền thông và giới nghệ sĩ giúp đỡ. Họ là những người đã giúp chuỗi nhà hàng "3 Yêu tinh" của tôi đi qua được những khó khăn ban đầu.
Ví như, thời gian đầu, do không hiểu biết nhiều nên suy nghĩ của tôi là đặt niềm tin vào bếp trưởng và phụ thuộc vào họ. Nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy. Ví như bếp trưởng cho rằng, khi nhập thực phẩm thì tôm đông lạnh cũng được nhưng thực tế khách hàng lại không hài lòng. Hoặc có nhiều chuyện liên quan đến kiểm soát nguồn gốc và lượng thực phẩm mà với những người mới khởi nghiệp như vợ chồng tôi không thể kiểm soát được.
Vì thế, nếu không có sự yêu quý và giúp đỡ từ bạn bè thì chắc chắn việc kinh doanh của chúng tôi đã thất bại và đóng cửa trong vòng chỉ 3 tháng. Rất nhiều lần vợ chồng tôi đã có ý định đóng cửa hàng khi có quá nhiều vấn đề xảy ra về an toàn thực phẩm, sự cạnh tranh "không sạch sẽ" trong kinh doanh, các vấn đề liên quan đến ê kíp bếp...
-Đến nay thì công việc kinh doanh hiện tại của anh như thế nào?
+ Cuối năm 2018 vợ chồng tôi đã bán các nhà hàng gồm chuỗi 3 nhà hàng hải sản "3 Yêu tinh" và chuỗi nhà hàng Thái Deli để tập trung vào làm rèm.
Chúng tôi chuyển sang làm rèm cửa từ 2 năm trước đây. Đến thời điểm này, tôi tự hào công ty của mình đã nằm trong top 3 về thị trường rèm tại Hà Nội.
Lý do tôi kết thúc kinh doanh ngành dịch vụ để chuyển sang sản xuất rèm là vì thời điểm này Hà Nội đang xây dựng rất nhiều những khu đô thị. Hiện chúng tôi có 2 showroom tại Hà Nội với thương hiệu là LOVE IS YOU và 2 xưởng may gồm 60 nhân viên.
-Anh có những suy nghĩ rất hiện đại về cuộc sống gia đình. Quan điểm của anh được chia sẻ và lan rộng. Vậy theo anh, làm giàu như thế nào là đủ để giữ vững hạnh phúc gia đình?
+ Thực sự nói thế nào là đủ về tiền bạc là câu hỏi rất khó. Với tỷ phú, từng đó tiền cũng chưa đủ với họ. Với bất kể ai cũng vậy, tiền không bao giờ là đủ.
Trong cuộc sống, đặc biệt là trong hôn nhân, biết đủ hay cảm thấy thiếu thốn phụ thuộc vào cuộc sống hôn nhân của hai người đó. Nếu họ cảm thấy hạnh phúc thì chuyện kiếm tiền không phải là áp lực.
Nghiên cứu của Mỹ cho thấy nếu hai vợ chồng kiếm đủ 75.000 USD/năm là đủ hạnh phúc rồi. Ở Việt Nam, trong các bài phỏng vấn một số đại gia Việt thì họ cho biết tổng tài sản chỉ cần 100 tỷ đồng là vui vẻ, hạnh phúc rồi!
Tôi cho rằng, mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau về tiền, tuỳ vào chi tiêu. Việc kiếm được bao nhiêu tiền để gia đình hạnh phúc không nằm ở con số mà ở việc hai vợ chồng không phải lo lắng đến chuyện ngày mai ăn gì, tích luỹ như thế nào..., mà tiền bạc chỉ là niềm vui thôi. Còn nếu như hôn nhân bất hạnh thì bao nhiêu tiền cũng thấy thiếu.
"Việc kiếm được bao nhiêu tiền để gia đình hạnh phúc không nằm ở con số mà ở việc hai vợ chồng không phải lo lắng đến chuyện ngày mai ăn gì, tích luỹ như thế nào...?
Hoàng Anh Tú
-Theo anh, trong gia đình ai là người nên giữ tiền?
+ Với tôi thì người giữ tiền trong gia đình nên là phụ nữ. Có thể tư duy của tôi hơi cổ hủ khi cho rằng, đàn ông là cái giỏ đàn bà là cái hom.
Tôi tin rằng người phụ nữ giữ tiền tốt hơn. Với phần đông phụ nữ, mục tiêu lớn nhất đời họ là gia đình nên họ giữ tiền là để phục vụ cho gia đình. Nhiều phụ nữ Việt rất chắt chiu và cân đối chi tiêu trong gia đình. Tất nhiên, cũng tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình cụ thể. Có một số gia đình đàn ông giữ tiền tốt hơn phụ nữ bởi người phụ nữ trong gia đình đó không biết điều tiết chi tiêu, hay tư duy tiền bạc của người ta không giỏi.
Nhưng tựu chung, người phụ nữ giữ tiền thì cuộc hôn nhân của họ sẽ ổn hơn. Còn đàn ông có tiền trong tay dễ rơi vào những cạm bẫy trong cuộc sống hơn.
-Xin cảm ơn anh!
Hà Giang