"Chiến binh bất tử" Novak Djokovic và nỗ lực chấm dứt kỷ nguyên thống trị của Federer-Nadal: Muốn đội vương miện, phải chịu được sức nặng của nó

Tú Khê | 22-06-2021 - 06:52 AM

(Tổ Quốc) - Đánh bại Federer và Nadal trên chính "sân nhà" của họ, chuẩn bị xô đổ cả bức tường thành 20 Grand Slam, Novak Djokovic đang đứng trước cơ hội rất lớn để trở thành kẻ thống trị làng quần vợt.

Tại Roland Garros 2021, Novak Djokovic đã giành được Grand Slam thứ 19 trong sự nghiệp, sau khi thắng ngược trong trận chung kết. Chỉ cần một danh hiệu nữa, tay vợt có biệt danh là "Nole" sẽ san bằng kỷ lục với Rafael Nadal và Roger Federer, đặt dấu chấm hết cho bức tường thành ngăn cách giữa anh và hai huyền thoại còn lại của làng quần vợt.

Nole là người đầu tiên vô địch mỗi Grand Slam ít nhất hai lần. Anh từng đánh bại Nadal và Federer trên chính mặt sân sở trường của họ, đồng thời là người có thành tích đối đầu tốt nhất trong "Big 3".

Đầu năm nay, Federer đã phải rút lui khỏi giải Roland Garros để giữ sức cho mùa sân cỏ. Còn Nadal, sau trận thua trước Djokovic ở bán kết, cũng tuyên bố từ bỏ Wimbledon và Olympic Tokyo để bảo vệ sức khỏe, kéo dài sự nghiệp.

Nhiều người tin rằng, với phong độ ấn tượng và cái đầu "lạnh" của mình, tương lai mà Nole vượt qua Federer và Nadal để trở thành kẻ thống trị làng quần vợt cũng không còn xa nữa.

Chiến binh bất tử Novak Djokovic và nỗ lực chấm dứt kỷ nguyên thống trị của Federer-Nadal: Muốn đội vương miện, phải chịu được sức nặng của nó - Ảnh 1.

"Cá chép hóa rồng" giữa làn đạn khốc liệt của chiến tranh

Novak Djokovic sinh năm 1987, lớn lên giữa làn đạn của chiến tranh Nam Tư. Khi đó, quần vợt không phải một bộ môn thể thao nổi tiếng ở đây.

Năm Nole 4 tuổi, cha mua cho anh một cây vợt đầy màu sắc và vài quả quá bóng wiffle. Anh thường dành vài tiếng mỗi ngày để đánh bóng vào tường tại nhà hàng của gia đình.

Trong một lần tình cờ, Djokovic phát hiện ra một sân quần vợt mới được xây dựng. Anh trở thành những khán giả đầu tiên đến đây xem thi đấu, cũng như bắt đầu tập thử bộ môn thể thao này.

Năm 1993, tài năng thiên bẩm của Djokovic đã thu hút sự chú ý của Jelena Gencic - một trong những HLV quần vợt giỏi nhất Nam Tư. Bà mở lời, hỏi anh có muốn học quần vợt một cách bài bản để trở thành tay vợt chuyên nghiệp không?

Nole không hề ngần ngại, đồng ý ngay lập tức. Gencic chính thức thu nhận anh làm học trò, mở ra một trang mới trong sự nghiệp của chàng trai người Serbia này.

"Djokovic khi đó mới 6 tuổi, nhưng có đôi mắt tham vọng và linh hồn tràn đầy sự khát khao trở thành nhà vô địch. Tôi tin chắc rằng cậu ấy sẽ trở thành một nhà vô địch quần vợt", HLV Gencic nhớ lại khoảnh khắc năm xưa.

Gencic có một sân tập quần vợt tại vùng núi Kopaonik. 6 năm tiếp theo, Djokovic luôn theo bà đến đây tập luyện.

Nỗi sợ bị không kích bao trùm mọi buổi huấn luyện, đặc biệt là sau khi Chiến tranh Kosovo leo thang. Năm 2014, Djokovic vẫn còn nhớ rõ về nỗi ám ảnh này: "Chúng tôi sẽ đến những nơi bị đánh bom nhiều nhất để tập luyện, đoán rằng họ sẽ không ném bom lại những chỗ đó trong vòng 2 ngày nữa".

Chiến binh bất tử Novak Djokovic và nỗ lực chấm dứt kỷ nguyên thống trị của Federer-Nadal: Muốn đội vương miện, phải chịu được sức nặng của nó - Ảnh 2.

Gencic là một bậc thầy lão luyện về quần vợt, người đào tạo các nhà vô địch Grand Slam nổi tiếng như Seles, Ivanisevic, Jausovec và Majoli. Khi nhận ra Djokovic đã "đủ lông đủ cánh" và cần một sân khấu lớn hơn, bà thúc giục anh đăng ký học tại Nicky Pilic Tennis School ở Munich (Đức).

Ngày ra đi, Nole hứa với "người mẹ thứ hai" của mình rằng anh sẽ trở thành cây vợt giỏi nhất thế giới trong tương lai.

Năm 2003, Djokovic chính thức trở thành tay vợt chuyên nghiệp khi mới chỉ 15 tuổi. 3 năm sau, anh giành chức vô địch ATP đầu tiên, rồi dần dần lọt vào top 10 thế giới. Cuối cùng, cây vợt người Serbia cũng chạm tay được tới chức vô địch Grand Slam đầu tiên, giữ đúng lời hứa trở thành số 1 thế giới với người thầy năm nào của mình.

Năm 2013, Jelena Gencic qua đời ở tuổi 76. Có thể nói, nếu không có bà, cũng sẽ chẳng có Djokovic của ngày hôm nay.

"Tôi biết rằng linh hồn bà sẽ luôn ở bên tôi và trên sân quần vợt, bởi đó là điều bà yêu nhất trong cuộc đời mình. Không kết hôn hay sinh con, bà cống hiến cả cuộc đời cho quần vợt để bồi dưỡng những tài năng trẻ. Tôi sẽ tiếp tục nơi bà ấy đã dừng lại", Djokovic nói.

"Tất cả những danh hiệu tôi giành được từ trước đến nay đều là vinh quang của tôi và bà ấy".

Chiến binh bất tử Novak Djokovic và nỗ lực chấm dứt kỷ nguyên thống trị của Federer-Nadal: Muốn đội vương miện, phải chịu được sức nặng của nó - Ảnh 3.

Jelena Gencic và cậu học trò tài năng của mình

Đường lên đỉnh chông gai khi đối thủ lớn nhất lại là... chính mình

Ở giải Croatia Mở rộng năm 2006, tài năng trẻ Djokovic đã hiên ngang bước vào trận chung kết với Wawrinka, sau chuỗi 9 chiến thắng liên tiếp. Khán giả dành sự cổ vũ nhiệt liệt dành cho tay vợt vô danh người Serbia, khi ấy mới 19 tuổi.

Thoạt đầu, Djokovic dẫn trước tuyệt đối. Thế nhưng, không lâu sau đó, mọi âm thanh trên khán đài bỗng dưng biến mất. Anh không thể di chuyển, đầu óc trở nên quay cuồng, ngay cả quả bóng trước mặt cũng hết sức mờ ảo. Trước sự bàng hoàng của khán giả và đối thủ, Nole gục ngã ngay trên mặt sân đất nện.

Đây không phải lần đầu Djokovic gặp vấn đề thể lực.

1 năm trước, trong trận ra mắt giải Pháp Mở rộng, tay vợt người Serbia cũng đột ngột cảm thấy kiệt sức và khó thở, buộc phải dừng trận đấu lại ở set thứ ba. Anh cũng từng ngất xỉu trên sân trong khuôn khổ giải Mỹ Mở rộng.

Các bài kiểm tra sức khỏe cho thấy, Djokovic không có dự trữ thể chất tốt, lại gặp căng thẳng về tâm lý. Điều này giống như một rào cản ma thuật: bất cứ khi nào tay vợt này muốn tiến thêm một bước để trở thành kẻ mạnh nhất, sẽ có một sợi dây vô hình níu giữ anh lại.

Mỗi năm, các tay vợt chuyên nghiệp phải thi đấu liên tục suốt 11 tháng. Ngay cả khi vừa giành chiến thắng trong một trận đấu kinh điển, nhưng lại bỏ cuộc giữa chừng ở những vòng sau, thành công sẽ còn rất xa vời.

Djokovic đã nghĩ rất nhiều về sự nghiệp của mình. Ước mơ của anh không chỉ là trở thành tay vợt hàng đầu; Nole còn muốn tên tuổi mình sánh ngang với các huyền thoại như Federer và Nadal.

Chiến binh bất tử Novak Djokovic và nỗ lực chấm dứt kỷ nguyên thống trị của Federer-Nadal: Muốn đội vương miện, phải chịu được sức nặng của nó - Ảnh 4.

Vì thế, tay vợt người Serbia cố gắng cải thiện tình trạng của mình. Anh chăm chỉ tập tạ cả sáng lẫn chiều, thay đổi HLV và sử dụng phương pháp tập luyện khác để xem liệu mình có thể ngăn cơ thể khỏi bị đuối sức không.

"Đôi khi, tôi chạy bộ vài giờ để đảm bảo rằng mình không gặp vấn đề gì về thể chất. Thậm chí, tôi còn phải phẫu thuật mũi để thở dễ dàng hơn", Nole chia sẻ.

Những người đang gặp khó khăn trên đỉnh cao thường nói: "Đối thủ lớn nhất là chính mình". Djokovic hiểu rằng mình chỉ là một ngôi sao mới nổi, vẫn còn tiềm năng lớn để phát huy. Nếu không thể khắc phục những thiếu sót về thể chất từ sớm, anh sẽ không thể nào tiến xa trong sự nghiệp quần vợt.

Năm 2008, ở tuổi 21, Djokovic giành được Grand Slam đầu tiên tại giải Úc Mở rộng. Tuy nhiên, khi anh đang hướng tới chức vô địch 1 năm sau đó, tình trạng thể chất yếu kém lại buộc tay vợt này nghỉ thi đấu ở vòng tứ kết.

Cuối năm 2009, Djokovic chuyển nơi huấn luyện đến Abu Dhabi (UAE). Anh hy vọng thời tiết tương tự ở Vịnh Ba Tư sẽ giúp mình chuẩn bị tốt hơn cho giải Úc Mở rộng vào năm tới.

Thế nhưng, khi đối mặt với Tsonga ở trận tứ kết năm 2010, lời nguyền thể lực lại ập đến với Djokovic. Anh phải xin nghỉ giữa hiệp, lao vào phòng thay đổi để nôn thốc nôn tháo, rồi tiếp tục trở lại thi đấu trong trạng thái trống rỗng.

"Nửa sau trận đấu giống như một cực hình", tay vợt người Serbia rùng mình khi nhớ lại.

Dù sở hữu nhiều chức vô địch trong tay, Djokovic từng nghi ngờ liệu thể lực và tinh thần của mình có đủ sức cạnh tranh với những tay vợt hàng đầu thế giới không. Anh không thiếu kỹ năng, tiền bạc và niềm tin chiến đấu, vậy vấn đề nằm ở đâu?

Chiến binh bất tử Novak Djokovic và nỗ lực chấm dứt kỷ nguyên thống trị của Federer-Nadal: Muốn đội vương miện, phải chịu được sức nặng của nó - Ảnh 5.

Tháng 7/2010, một chuyên gia dinh dưỡng đã tiến hành kiểm tra chế độ ăn của Djokovic. Hóa ra, anh bị dị ứng gluten, khiến cho lượng protein này trong cơ thể anh vượt mức báo động. Đây là hiện tượng khá phổ biến, cứ 100 người lại có 1 người mắc phải. Tuy nhiên, đối với Nole, nó có thể đe dọa chấm dứt sự nghiệp của anh.

Kể từ đó, tay vợt người Serbia kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn uống của mình. Phong độ trên sân cũng vì thế mà ổn định hơn.

Năm 2011, anh đạt được một loạt thành tích lớn trong sự nghiệp: thắng 10/11 trận đối đầu với Federer và Nadal, 10 chức vô địch trong năm (3 Grand Slam tại Úc Mở rộng, Wimbledon và Mỹ Mở rộng, 5 Master), thắng 70 trận cả năm (thua 6 trận, lập kỷ lục 41 trận thắng liên tiếp), xếp hạng số 1 thế giới.

Đây là giai đoạn mà Djokovic lần đầu chạm đến đỉnh cao. Thần tượng của anh - cựu tay vợt số 1 người Mỹ Pete Sampras - từng nhận xét: "Djokovic trong năm 2011 là tay vợt vĩ đại nhất mà tôi từng thấy trong đời. Anh ấy thậm chí có thành tích cá nhân tốt nhất trong lịch sử thể thao".

Khúc ca khải hoàn của "chiến binh bất tử" 

Trên sân, Novak Djokovic thi đấu chính xác như một cỗ máy. Biết mình không phải "xạ thủ hạng nặng" có thể giao bóng mạnh, kể từ năm 2015, anh tập trung trau dồi kỹ năng để hành động chuẩn xác và tinh gọn, nhưng đủ linh hoạt và biến hóa.

Huyền thoại quần vợt Andre Agassi - người sở hữu những cú giao và nhận bóng xuất sắc - đã nhận xét, kỹ thuật của anh còn tốt hơn cả ông hồi còn ở đỉnh cao. Agassi từng làm HLV cho Nole trong một thời gian dài.

Ở góc độ chuyên môn, không quá lời khi nói rằng Djokovic là tay vợt có kỹ thuật tốt nhất.

Chiến binh bất tử Novak Djokovic và nỗ lực chấm dứt kỷ nguyên thống trị của Federer-Nadal: Muốn đội vương miện, phải chịu được sức nặng của nó - Ảnh 6.

Thế nhưng, quần vợt không bao giờ chỉ là một cuộc đấu kỹ thuật. Mỗi cú đánh trên sân là biểu hiện cho sức mạnh và trạng thái gần đây của người chơi. Không ai có thể ở trên đỉnh cao mãi mãi. Dưới lịch thi đấu dày đặc và các buổi tập cường độ cao, chấn thương là điều không tránh khỏi.

Tại Wimbledon 2017, Djokovic đã tuyên bố rút lui khỏi tất cả các trận còn lại trong năm vì chấn thương khuỷu tay. Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp mà Nole phải nếm mùi tạm ngừng thi đấu vì chấn thương. Dự định lập kỷ lục tham gia Grand Slam 51 lần liên tiếp, vô địch Grand Slam 6 năm liên tiếp của anh cũng phải dừng lại.

Bất chấp tin đồn giải nghệ, sau 6 tháng tĩnh dưỡng, Djokovic trở lại sân đấu bằng giải WImbledon. Dù chỉ được xếp hạng thứ 14, tay vợt người Serbia không hề cảm thấy nản lòng.

"Tôi chưa bao giờ coi bất cứ điều gì là tất yếu. Tôi luôn nhớ rằng có hàng nghìn VĐV quần vợt trên thế giới này đang cạnh tranh vị trí của tôi", anh nói. "Nếu có một điều tôi học được từ môn thể thao này, đó là phải nhanh chóng vui lên sau thất bại, bỏ lại những điều khó chịu phía sau, phải kiểm soát được cảm xúc của mình."

Phong độ của Djokovic dần dần hồi phục. Tháng 7/2018, Djokovic đánh bại Anderson trong nhiều set liên tiếp để giành chức vô địch Wimbledon lần thứ tư.

Chiến binh bất tử Novak Djokovic và nỗ lực chấm dứt kỷ nguyên thống trị của Federer-Nadal: Muốn đội vương miện, phải chịu được sức nặng của nó - Ảnh 7.

1 tháng sau đó tại Cincinnati Masters, Djokovic đạt được "Golden Master", trở thành người đầu tiên đạt danh hiệu này kể từ khi ATP Masters ra đời vào năm 1990. Tháng 9/2018, anh giành chức vô địch Grand Slam lần thứ 14 tại giải Mỹ Mở rộng.

Tháng 2/2020, Djokovic trở lại ngôi vị số 1 thế giới sau khi giành danh hiệu Grand Slam thứ 17 tại giải Úc mở rộng. 4 tháng sau đó, anh mắc Covid-19 nhưng nhanh chóng hồi phục, rồi giành danh hiệu ATP Tour Masters 1000 lần thứ 36, vượt qua kỷ lục của Nadal.

Tháng 3/2021, Djokovic tiếp tục vượt qua kỷ lục 310 tuần ở vị trí số 1 thế giới mà Federer đã thiết lập trước đó. Anh trở thành tay vợt đầu tiên trong lịch sử giành được những thành tựu huy hoàng sau chấn thương.

Muốn đội vương miện, phải chịu được sức nặng

10 năm gần đây là kỷ nguyên huy hoàng của quần vợt nam. Trận tranh tài nào cũng diễn ra hết sức hấp dẫn, nhiều gương mặt tài năng cạnh tranh nhau vô cùng khốc liệt. Djokovic, Nadal và Federer cũng chạy đua với nhau từng ngày.

"10 năm trước, tôi có thể không cảm thấy hạnh phúc khi ở cùng thời kỳ với Nadal và Federer. Nhưng bây giờ thì tôi thực sự hạnh phúc", anh nói.

Chiến binh bất tử Novak Djokovic và nỗ lực chấm dứt kỷ nguyên thống trị của Federer-Nadal: Muốn đội vương miện, phải chịu được sức nặng của nó - Ảnh 8.

Năm 2015, sau khi đạt được những kỳ tích mà Federer và Nadal chưa từng làm được, Nole nói rằng anh sợ mình không tìm được động lực thi đấu. Điều này đã khiến người hâm mộ lo lắng trong một thời gian dài.

Khi chạm lên đến đỉnh cao, ta sẽ nghĩ ta có mọi thứ, động lực cũng mất dần. May mắn thay, Djokovic đã chọn tiếp tục vung vợt, bất kể đang ở đỉnh cao hay dưới vực thẳm. Anh muốn khiến cho mọi người vui vẻ và bản thân anh cũng thích điều đó.

Tại Wimbledon 2018, Djokovic đã viết một bức thư kể về cách bản thân vượt qua giai đoạn suy sụp trong sự nghiệp. Gia đình là một động lực quan trong giúp anh tìm lại sức mạnh đã mất của mình. Mở đầu bức thư, tay vợt người Serbia đã viết một cách đầy dịu dàng: "Bức thư này được viết giữa những lần thay tã và đọc cho con nghe những mẩu chuyện nhỏ".

Sự dịu dàng này cũng đảm bảo sự vững chắc cho ngai vàng của Djokovic. Bất kể thành công hay thất bại, vô địch hay bị loại, Djokovic luôn tâm niệm: "Ngày mai là một ngày mới. Tôi sẽ tiếp tục tiến về phía trước và tiếp tục chiến đấu để giành chiến thắng trong mọi trận đấu. Bất kể kết quả thế nào, tôi đều rất trân trọng".

Là một trong những tay vợt có tinh thần và tâm lí thi đấu vững chãi nhất hành tinh, Nole luôn biết cách phục hồi mạnh mẽ để trở lại đỉnh cao của mình.

"Chỉ khi cơ thể, ý chí và cảm xúc được cân bằng, bạn mới có thể thi đấu trong trạng thái tốt nhất", anh nói. Ở tuổi 34, Nole có lẽ sẽ còn thống trị thế giới quần vợt trong khoảng thời gian rất lâu nữa.

(Theo Zhihu)