Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Sau một thời gian bị gián đoạn, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Văn hóa trong năm vừa qua đã được Đảng, Nhà nước đồng ý để ngành Văn hóa tham mưu, khẩn trương ban hành một chương trình mới nhằm khơi thông nguồn lực, đáp ứng với yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

(Tổ Quốc) - Sau một thời gian bị gián đoạn, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Văn hóa trong năm vừa qua đã được Đảng, Nhà nước đồng ý để ngành Văn hóa tham mưu, khẩn trương ban hành một chương trình mới nhằm khơi thông nguồn lực, đáp ứng với yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đã nhấn mạnh việc đầu tư cho văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Thế nhưng, khi nhìn lại chặng đường vừa qua, trong một thời gian dài, nhiều nơi, nhất là trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò tham gia thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và theo đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hoá còn rất khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm.

Có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng này, và một trong những nguyên nhân chính đó là "điểm nghẽn" về thể chế, chính sách. Nhìn thấy được điều này, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế chính sách với một tư duy hoàn toàn mới đó là chuyển từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa.

Năm 2022, nhằm khẩn trương xây dựng và ban hành các chính sách cụ thể hóa Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, ngành Văn hóa đã nỗ lực để tham mưu cho Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội đồng ý chủ trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Văn hóa.

"Đây là một tín hiệu rất vui mừng, được kỳ vọng là một bước ngoặt về thể chế làm  không chỉ trong ngắn hạn mà còn ở nhiều nhiệm kỳ sau" - Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã khẳng định điều này khi phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành VHTTDL năm 2022 được tổ chức ngày 22/12/2021.

Có thể khẳng định, đó không chỉ là tâm tư, nguyện vọng của những người đang công tác trong ngành Văn hóa mà đã thực sự trở thành một giải pháp cấp bách trong bối cảnh lĩnh vực Văn hóa được xác định là một sức mạnh nội sinh để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.

ĐBQH Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội từng trăn trở trước các đại biểu Quốc hội về việc đầu tư cho văn hóa: "Trong giai đoạn trước, đầu tư cho văn hóa chủ yếu thực hiện thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa. Sau khi chương trình này kết thúc năm 2015, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn kinh phí sự nghiệp hàng năm nhưng luôn ở mức thấp".

Chính sách quan trọng tạo “đột phá” cho Văn hóa phát triển - Ảnh 1.

Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và các dự án thành phần về văn hóa thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã được Chính phủ phê duyệt với số kinh phí hạn chế nhưng đến nay chưa được giao dự toán, cấp vốn thực hiện hoặc chưa được giải ngân. Những khó khăn về nguồn lực đầu tư đã ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển văn hóa, dẫn đến nhiều di sản, di tích văn hóa lịch sử bị mai một, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Để phát triển văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chiến lược, chương trình đã ban hành. Trong đó, cần sớm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa theo Nghị quyết 572 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: "Cần phải coi trọng phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa".

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngày 3/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh về một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023 đó là: "Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa".

Có thể thấy rằng, thực tiễn của quá trình phát triển đã chứng minh, chỉ có sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước bằng pháp luật, đầu tư một cách đúng hướng, có trọng tâm trọng điểm bằng những chính sách phù hợp thì ngành Văn hóa mới có được sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, khẳng định được vai trò, vị thế của văn hóa đối với kinh tế, chính trị và xã hội trong tổng thể phát triển toàn diện, rộng lớn của Đất nước.

Từ nhận thức này, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Văn hóa được kỳ vọng sau khi ban hành sẽ tạo sự đột phá nhằm khơi thông nguồn lực để lĩnh vực Văn hóa phát triển trong chặng đường từ nay đến 2030 và cả giai đoạn sau đó. Đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Văn hóa sẽ tập trung thực hiện để sớm tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội thông qua trong năm 2023 này./. 


Thế Công
Thu Mai