Lễ hội đồng diễn Arirang "tái xuất": Phô diễn hình ảnh mới về Triều Tiên
Với hàng trăm nghìn vận động viên thể dục và vũ công cùng tham dự, lễ hội đồng diễn Arirang là một trong những sự kiện văn hóa được biết tới nhiều nhất của Triều Tiên.
Từ năm 2002 tới năm 2013, lễ hội Arirang được tổ chức thường niên, không chỉ là một sự kiện được người dân Triều Tiên chờ đón mà còn thu hút không ít du khách. Tuy nhiên, năm 2013, nó đột nhiên bị ngừng mà không rõ lý do cụ thể. Cho tới tận tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Kim Jong-un mới quyết định một lần nữa tổ chức lại đại lễ đồng diễn này, với kỳ vọng đây sẽ là một động lực mới cho du lịch, cũng như tái thiết lập Triều Tiên như một đất nước đang tập trung vào phát triển nền kinh tế.
Lễ hội Arirang là một màn đồng diễn múa nghệ thuật khổng lồ, tương tự như các buổi lễ khai mạc và bế mạc trong các kỳ Thế vận hội. Mỗi năm lễ hội có các chủ đề khác nhau, từ lịch sử, kinh tế, chính trị cho tới văn hóa.
Không có con số cụ thể, nhưng các nhà phân tích ước tính, có tới 100.000 người được huy động biểu diễn cho chương trình này và đó được coi là một minh chứng cho tinh thần đoàn kết của đất nước.
Gia đình của những người tham gia lễ hội thường nhận được những món quà "hiếm có" như TV màu… Thậm chí, mọi người còn phải cạnh tranh để giành được suất tập luyện và biểu diễn. Thông thường, lễ hội diễn ra tại sân vận động 1/5 tại thủ đô Bình Nhưỡng, nơi được cho là sân vận động lớn nhất thế giới.
Trong chương trình, các vận động viên thể dục và vũ công biểu diễn trên sân cỏ, còn các học sinh ngồi trên khán đài, sử dụng một tập sách có các trang màu sắc khác nhau có thể lật được, từ đó tạo ra những hình ảnh và từ ngữ khổng lồ thay đổi theo từng tiết mục.
Theo Simon Cockerell, một nhà quản lý của công ty du lịch Koryo, từng tham dự nhiều lễ hội Arirang từ năm 2002 tới 2013, chủ đề được yêu thích nhất là ngợi ca Triều Tiên trước cuộc chiến bảo vệ đất nước trước Nhất Bản và trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 – 53.
"Những người Triều Tiên chứng kiến lễ hội đó đều rất cảm động", ông Cockerell kể lại.
Nhà nghiên cứu Triều Tiên Andray Abrahamian cho biết, trong các kỳ đại lễ đồng diễn của Triều Tiên, "hầu hết họ đều tái hiện lại câu chuyện dân tộc trong khi cùng lúc phô diễn những kỹ năng biểu diễn và phối hợp rất xuất sắc".
Nói về chủ đề lễ hội Arirang 2018, Lee Woo-young, giáo sư Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul phân tích: "Trong quá khứ, các chủ đề lớn là chống chủ nghĩa đế quốc và bài Mỹ; nhưng giờ đây, Triều Tiên muốn nói nhiều hơn về các thành tựu kinh tế, thay vì thái độ thù địch và chỉ trích các nước khác".
"Họ muốn nhấn mạnh rằng họ yêu hòa bình và sẵn sàng cùng tồn tại như thế nào", ông Lee nhận xét.
Minh Đức