Chủ các khách sạn đang “gồng mình” chịu lỗ

(Tổ Quốc) - Áp lực từ các khoản vay ngân hàng là lý do trực tiếp khiến các chủ khách sạn phải quyết định rao bán, dù biết rằng có thể bị “ép” giá, phải bán với giá rẻ.

Dường như, thị trường khách sạn chưa bao giờ chứng kiến khó khăn như thời điểm hiện nay. Nếu đợt dịch lần 1, 2 và 3, nhiều khách sạn vẫn gồng được, thì làn sóng Covid-19 lần thứ 4 này, gần như khiến hàng loạt khách sạn ở Tp.HCM, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An… rao bán cắt lỗ. Thậm chí, trong số đó nhiều khách sạn rao bán nhiều lần, giảm giá sâu vẫn khó tìm được khách mua lại ở thời điểm này.

Ghi nhận cho thấy, tại Đà Nẵng, dịch bệnh Covid-19 kéo dài gần 2 năm nay khiến hoạt động du lịch tại TP này gần như đình trệ. Kinh doanh ế ẩm, hoạt động cầm chừng, nhiều doanh nghiệp buộc phải rao bán khách sạn. Thế nhưng, dù rao bán với giá rẻ nhằm cắt lỗ cũng không có ai mua.

Những tuyến phố du lịch ven biển như Võ Nguyên Giáp, Hồ Nghinh, Hà Bổng, quận Sơn Trà, Tp.Đà Nẵng trước đây luôn sầm uất không chỉ vào mùa du lịch cao điểm. Khách du lịch luôn tấp nập ở thành phố biển. Hàng loạt khách sạn lớn nhỏ "mọc lên" trên các tuyến phố phục vụ khách lưu trú, nghỉ dưỡng. Thế nhưng, gần 2 năm qua qua, khi dịch Covid-19 kéo dài, hầu hết chủ đầu tư ở đây đều không thể cầm cự thêm được nữa. Nhiều chủ khách sạn cho biết, tưởng chừng mùa hè năm nay vẫn đón được khách nội địa để có nguồn thu, nhưng đến nay, cơ hội cuối cùng để phục hồi cũng không còn.

Không có khách, chi phi vận hành cũng không, nhiều đơn vị đã cắt giảm nhân sự, đóng cửa khách sạn, rao bán là tình cảnh của nhiều doanh nghiệp lưu trú tại Đà Nẵng. Một số khách sạn tìm giải pháp tạm thời là đăng ký làm điểm cách ly có trả phí cho đối tượng F1 hoặc cho người cách ly từ vùng dịch về.

Chủ các khách sạn đang “gồng mình” chịu lỗ - Ảnh 1.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại Tp.HCM, Bà Rịa -Vũng Tàu… khi mà dịch Covid-19 hoành hành hơn 2 tháng nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chưa kể, phân khúc khách sạn vốn đã bị tổn thương bởi các đợt dịch trước đó.

Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, hiện nay các khách sạn đang được rao bán ở nhiều phân khúc, giá có thể rẻ hơn so với trước đại dịch từ 15-25%. Áp lực từ các khoản vay ngân hàng là lý do trực tiếp khiến các chủ khách sạn phải quyết định rao bán, dù biết rằng có thể bị "ép" giá, phải bán với giá rẻ.

"Việc ngành du lịch trong khoảng 2 năm nay luôn trong tình cảnh "đìu hiu" vì thiếu vắng du khách, đặc biệt là khách quốc tế, khiến cho nhiều chủ khách sạn không thể làm gì hơn là "gồng mình" chịu lỗ. Một số khách sạn được tận dụng làm nơi cách ly nhưng con số là không nhiều, chưa kể chi phí vận hành còn cao hơn trong giai đoạn hoạt động bình thường do phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch", ông Jackson cho hay.

Hiện đại dịch Covid-19 nhìn chung vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, ngành du lịch chưa biết chừng nào mới có thể quay trở lại hoạt động bình thường. Trường hợp chúng ta khống chế thành công đại dịch Covid-19 thì ngành du lịch cũng khó hồi phục ngay được mà cần phải đợi thêm 1-2 năm kế tiếp. Vậy nên, đối mặt với viễn cảnh thách thức đó, nhiều chủ khách sạn đã phải đưa ra quyết định dù rất khó khăn.

Việc rao bán khách sạn tràn lan như vậy có tác động gì đến thị trường bất động sản nói chung, vị chuyên gia này cho rằng, khó khăn của người này lại có thể là cơ hội của người kia. Nếu như trước đây, những khách sạn ở vị trí đẹp tại các khu du lịch nổi tiếng, doanh thu cao và giá trị tài sản không ngừng gia tăng theo thời gian thì rất khó cho nhiều nhà đầu tư có thể tiếp cận vì giá quá cao. Thậm chí chủ sở hữu cũng không muốn bán vì đang có được nguồn thu nhập rất đều đặn và đáng kể. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, nhiều chủ khách sạn 3-5 sao phải rao bán chúng và tạo nên cơ hội cho các nhà đầu tư trường vốn và có tầm nhìn dài hạn. Nếu mua lại thành công, chủ đầu tư sau sẽ được thừa hưởng thương hiệu hay đội ngũ vận hành của các khách sạn này, từ đó có thể tiếp tục hoạt động khi mà đại dịch Covid-19 qua đi mà không tốn công sức, thời gian và tiền bạc để xây dựng từ đầu.

"Nếu đầu tư có sẵn nguồn vốn và tự tin với dòng tiền của mình thì có thể đầu tư vào phân khúc này. Nếu họ thấy rõ khả năng hồi phục không phải ngày một ngày hai, chấp nhận được nhiều gánh nặng tài chính để duy trì trong một quãng thời gian nhất định thì về lâu dài, khoảng 3-5 năm tới, có thể thu về thành quả. Một khi ngành du lịch hồi phục, khách quốc tế tiếp tục quay trở lại thì khách sạn không chỉ hoạt động nhộn nhịp như trước đại dịch mà giá trị của bất động sản nhiều khả năng cũng sẽ tăng lên", chuyên gia Colliers Việt Nam dành lời khuyên.

Hạ Vy

Tin mới