Chuyến công du của bà Harris qua góc nhìn chuyên gia người Việt ở Singapore: Tiềm năng hợp tác kinh tế với Mỹ sẽ xoay quanh những ưu tiên đối nội của Chính quyền Biden, khó có đột phá

Chi Lan - Linh Anh | 25-08-2021 - 11:46 AM

(Tổ Quốc) - Trao đổi với Trí Thức Trẻ, Thạc sĩ Hoàng Hà, chuyên gia Viện ISEAS-Yusof Ishak (Viện nghiên cứu Đông Nam Á) tại Singapore, cho rằng chuyến đi của bà Kamala Harris có ý nghĩa về mặt chính trị-ngoại giao hơn là về mặt kinh tế-thương mại. Một chuyến đi kéo dài vài ngày khó có thể tạo ra đột phá trong hợp tác kinh tế song phương.

Chuyến công du của bà Harris qua góc nhìn chuyên gia người Việt ở Singapore: Tiềm năng hợp tác kinh tế với Mỹ sẽ xoay quanh những ưu tiên đối nội của Chính quyền Biden, khó có đột phá - Ảnh 1.

Vài tháng qua, giới chức Mỹ dồn dập có các hoạt động ở Đông Nam Á. Theo quan điểm của chị, Đông Nam Á có ý nghĩa như thế nào tới Chính quyền của Tổng thống Joe Biden?

Các hoạt động ngoại giao của chính quyền Biden từ khi nhậm chức đến nay cho thấy thứ tự ưu tiên của các khu vực trên thế giới trong chính sách đối ngoại Mỹ. Trong sáu tháng đầu tiên của năm 2021, chính quyền Biden tập trung vào hai ưu tiên hàng đầu: (i) Củng cố quan hệ đồng minh truyền thống ở Đông Bắc Á (Nhật và Hàn Quốc), Châu Âu (bao gồm NATO và G7) và tăng cường đối tác chiến lược với Ấn Độ và nhóm Bộ Tứ; (ii) Định hình khuôn khổ cho mối quan hệ mang tính cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc – đối thủ chiến lược hàng đầu của Mỹ. Ngoài ra, Trung Đông cũng là một khu vực đòi hỏi nhiều nỗ lực ngoại giao của Mỹ với những điểm nóng luôn chực chờ bùng nổ và mục tiêu rút khỏi Afghanistan trước ngày 31/8 của Tổng thống Biden.

Chỉ đến giữa năm 2021, chính quyền Biden mới cấp tập triển khai một loạt các hoạt động ngoại giao với các nước Đông Nam Á. Điều này cho thấy Đông Nam Á không phải là địa bàn số một nhưng cũng có thể xem là một trong những khu vực ngày càng có ưu tiên cao trong bàn cờ chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đông Nam Á chiếm khoảng 1/5 tổng số viện trợ vắc-xin của Mỹ trên toàn cầu. Trong bảy nước được Mỹ viện trợ vắc-xin nhiều nhất thì có đến 3 nước Đông Nam Á, bao gồm Indonesia (8 triệu liều), Philippines (6.239.000 liều), Việt Nam (5 triệu liều).

Tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với Mỹ tập trung ở hai khía cạnh kinh tế và địa chính trị. Tập hợp lại, các nước ASEAN tạo thành nền kinh tế lớn thứ 3 ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và lớn thứ năm trên thế giới. Quan trọng hơn nữa, đây là những nền kinh tế mở, năng động, tham gia vào hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Chuyến công du của bà Harris qua góc nhìn chuyên gia người Việt ở Singapore: Tiềm năng hợp tác kinh tế với Mỹ sẽ xoay quanh những ưu tiên đối nội của Chính quyền Biden, khó có đột phá - Ảnh 2.

ASEAN là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ tư của Mỹ, chỉ sau Canada, Mehico và Trung Quốc. Mỹ cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại tăng 98% từ 177 tỉ USD lên 352 tỷ USD trong vòng một thập kỷ qua. Xuất khẩu sang ASEAN góp phần tạo ra hơn 625,000 việc làm ở Mỹ.

Về mặt địa chính trị, Đông Nam Á được coi là một trong những địa bàn trọng điểm của cạnh tranh Mỹ-Trung. Nói theo ngôn ngữ của bầu cử Tổng thống Mỹ –  Đông Nam Á có thể coi như "bang chiến trường" – nơi không có số phiếu đại cử tri lớn nhưng có thể quyết định thành bại của cuộc đua.

Mỹ có lợi ích chiến lược trong việc duy trì tự do hàng hải ở Đông Nam Á vì khu vực này là trung tâm nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nằm trên các tuyến đường biển chiến lược. Một Đông Nam Á "mở và tự do" góp phần đảm bảo lợi ích kinh tế và hiện diện quân sự của Mỹ xuyên suốt từ Tây Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương.

Ngoài ra, chính quyền Biden đặc biệt ưu tiên các chương trình nghị sự toàn cầu mới như an ninh mạng, an ninh chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Điều này rất phù hợp với những ưu tiên đang nổi lên của các nước trong khu vực bởi vì Đông Nam Á là điểm nóng về biến đổi khí hậu của thế giới, có nhiều tiềm năng tự nhiên về phát triển năng lượng sạch, là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và cũng là khu vực có tốc độ phát triển Internet và kinh tế số mạnh mẽ. Do đó, Đông Nam Á vừa là thị trường, vừa là điểm đến đầu tư, vừa là đối tác có tiềm năng lớn của chính phủ và doanh nghiệp Mỹ trong những lĩnh vực mới này.

Chuyến công du của bà Harris qua góc nhìn chuyên gia người Việt ở Singapore: Tiềm năng hợp tác kinh tế với Mỹ sẽ xoay quanh những ưu tiên đối nội của Chính quyền Biden, khó có đột phá - Ảnh 3.

Ở chiều ngược lại, việc bà Harris công du Đông Nam Á ở thời điểm này có ý nghĩa như thế nào với khu vực, vốn có 660 triệu dân và là nền kinh tế phát triển nhất thế giới?

Chuyến công du của bà Kamala Harris nằm trong một loạt những nỗ lực ngoại giao của chính quyền Biden trong hai tháng gần đây nhằm tái khẳng định cam kết gắn bó của Mỹ đối với Đông Nam Á. Trong bài phát biểu chính sách đối ngoại ở Singapore sáng ngày 23/8, bà Kamala Harris nhấn mạnh tầm quan trọng của Đông Nam Á trong tầm nhìn của Mỹ về một Ấn Độ-Thái Bình Dương "mở, tự do và dựa trên luật lệ", đồng thời cam kết thúc đẩy hợp tác với các nước khu vực trên bình diện song phương lẫn đa phương. 

Đây là một tín hiệu tích cực, đánh dấu "sự trở lại" của Mỹ sau bốn năm ngoại giao có phần "hỗn loạn" của chính quyền Trump vốn không mặn mà với vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ cũng như với các thể chế đa phương ở khu vực như ASEAN.

Đa phần các nước Đông Nam Á đều chủ trương tạo lập một trật tự khu vực có sự hiện diện và hợp tác sâu rộng với tất cả các cường quốc, bao gồm Mỹ. Đây là không gian chiến lược tối ưu nhất cho việc đảm bảo độc lập tự chủ trong chính sách đối ngoại của các nước vừa và nhỏ, tạo ra nhiều lựa chọn trong hợp tác quốc tế, và hạn chế Đông Nam Á trở thành sân sau của bất kỳ cường quốc nào.

Trong một bài bình luận gần đây, tờ CNBC đã nói rằng "kinh tế" là cách tốt nhất để Mỹ gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Sự coi trọng của Mỹ sẽ thúc đẩy như thế nào cho phát triển kinh tế của khu vực hay không? Việc bà Harris thăm Singapore và Việt Nam có thể mang lại những lợi ích gì trong hợp tác kinh tế với Mỹ của 2 quốc gia này?

Chuyến đi của bà Kamala Harris có ý nghĩa về mặt chính trị-ngoại giao hơn là về mặt kinh tế-thương mại. Chúng ta không nên hi vọng một chuyến đi kéo dài vài ngày có thể tạo ra đột phá trong hợp tác kinh tế song phương.

Trong bốn năm lãnh đạo của chính quyền Trump và kể cả dưới thời Biden cho đến nay, nhiều nhà phân tích cho rằng chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ chỉ tập trung vào mảng an ninh-chính trị và thiếu hụt ở mảng kinh tế, đặc biệt sau quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017. Kể cả hiện nay dưới thời Biden, việc Mỹ trở lại TPP vẫn là một hi vọng xa vời.

Chuyến công du của bà Harris qua góc nhìn chuyên gia người Việt ở Singapore: Tiềm năng hợp tác kinh tế với Mỹ sẽ xoay quanh những ưu tiên đối nội của Chính quyền Biden, khó có đột phá - Ảnh 4.

Sáng kiến Tái thiết Thế giới (B3W) do Mỹ khởi xướng trong khuôn khổ nhóm G7 nhằm hỗ trợ xây dựng hạ tầng bền vững ở các nước đang phát triển vẫn chưa có đường hướng triển khai và cam kết nguồn lực cụ thể.

Trong bối cảnh đó, có lẽ cần có cách tiếp cận khác về ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở khu vực. Mỹ vẫn là thị trường rộng mở với hàng hóa từ các nước Đông Nam Á và đầu tư của Mỹ ở khu vực vẫn luôn được dẫn dắt bởi khu vực tư nhân, đặc biệt là các tập đoàn lớn về tài chính, công nghệ, sản xuất và năng lượng. Sự can thiệp của chính phủ Mỹ vào các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp rất tối thiểu, trừ phi vì lý do an ninh quốc gia.

Do đó, không nên mong đợi chính quyền Biden có một chiến lược kết nối kinh tế vĩ mô ở Ấn Độ-Thái Bình Dương tương tự như Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc với sự tham gia của khu vực kinh tế nhà nước và những cam kết hàng tỉ USD cho xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thay vào đó, nếu nhìn vào kết quả của chuyến thăm Singapore trong hai ngày vừa qua của bà Kamala Harris, có thể thấy tiềm năng hợp tác kinh tế với Mỹ trong tương lai sẽ tương tác với những ưu tiên đối nội của chính quyền Biden, ví dụ như các công nghệ năng lượng và công nghệ môi trường hiện đại để góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế số và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng, bao gồm trong lĩnh vực y tế.

Chuyến công du của bà Harris qua góc nhìn chuyên gia người Việt ở Singapore: Tiềm năng hợp tác kinh tế với Mỹ sẽ xoay quanh những ưu tiên đối nội của Chính quyền Biden, khó có đột phá - Ảnh 5.

Thực tế, các nước Đông Nam Á đều đã thể hiện rõ việc không muốn "chọn phe". Theo quan điểm của chị, chuyến thăm của bà Harris có ý nghĩa như thế nào đối với Mỹ trong việc gia tăng ảnh hưởng với khu vực?

Chuyến thăm của bà Harris không làm thay đổi lập trường có tính nguyên tắc của các nước Đông Nam Á là không "chọn phe". Chuyến thăm gửi đi một tín hiệu tích cực về cam kết gắn bó của Mỹ nhưng sẽ không tạo ra đột phá lớn trong việc nâng tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực.

Như Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long, đã nói trong buổi họp báo với bà Kamala Harris ngày 23/8, lòng tin của khu vực về "quyết tâm và cam kết của Mỹ sẽ tùy thuộc vào những hành động tiếp theo của Mỹ trong tương lai". Tuyên bố chính sách rất quan trọng nhưng quan trọng hơn cả vẫn là quyết tâm chính trị và sự đầu tư nguồn lực ngoại giao, quân sự và kinh tế một cách bền vững nhằm duy trì ổn định sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực.

Ngoài ra, chỉ có Việt Nam và Singapore là điểm đến của bà Kamala Harris lần này. Mặc dù bà có đưa ra nhiều thông điệp chung cho Đông Nam Á nhưng các nước còn lại trong khu vực rất đa dạng về thể chế chính trị và đường lối đối ngoại, do đó họ có thể có cách nhìn nhận khác nhau về tác động của chuyến công du này.

Theo quan điểm của chị, vì sao Mỹ lại chọn Singapore và Việt Nam mà không phải quốc gia nào khác trong khu vực?

Chúng ta có thể nêu câu hỏi ở chiều ngược lại là tại sao Thái Lan và Philippines – vốn là hai đồng minh của Mỹ ở khu vực – không phải là điểm đến của bà Kamala Harris trong chuyến công du lần này. Hay tại sao không phải là Indonesia – nước lớn nhất trong khu vực và được coi là đầu tàu của ASEAN? Có thể giải thích theo nhiều hướng khác nhau.

Cách giải thích đơn giản nhất là có sự phân công về hoạt động ngoại giao trong chính quyền Biden nhằm đảm bảo sự hiện diện đồng đều ở nhiều nước trong khu vực nhưng vẫn có thứ tự ưu tiên. Ngoại trưởng Indonesia vừa đi thăm Washington và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ hồi tháng năm cũng đi Indonesia, Thái Lan và Campuchia - nước sẽ đảm nhiệm vị trí chủ tịch ASEAN trong năm tới.

Chuyến công du của bà Harris qua góc nhìn chuyên gia người Việt ở Singapore: Tiềm năng hợp tác kinh tế với Mỹ sẽ xoay quanh những ưu tiên đối nội của Chính quyền Biden, khó có đột phá - Ảnh 6.

Thái Lan và Philippines mặc dù là đồng minh truyền thống của Mỹ nhưng nội hàm và phạm vi bảo đảm an ninh của hai mối quan hệ đồng minh này hạn chế hơn rất nhiều so với đồng minh chiến lược Mỹ-Nhật hay Mỹ-Hàn ở Đông Bắc Á. Ngoài ra, quan hệ Mỹ-Thái và Mỹ-Philippines những năm gần đây cũng đi xuống vì nhiều lý do, trong đó có một thực tế là ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Trung Quốc tại Philippines và Thái Lan rất được lãnh đạo hai nước này hoan nghênh và ngày càng cạnh tranh và lấn át ảnh hưởng của Mỹ.

Theo tôi, trong đánh giá tầm quan trọng chiến lược của từng quốc gia Đông Nam Á đối với Mỹ, ranh giới giữa "đồng minh" và "đối tác" ngày càng bị lu mờ. Tất cả các nước Đông Nam Á, dù là đồng minh truyền thống của Mỹ hay không, đều theo đuổi chính sách "nước đôi" – có nghĩa là đều tìm cách tăng cường quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc cũng như với tất cả các cường quốc khác.

Chính vì thế, trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden đối với Đông Nam Á, hạng mục "đối tác" ngày càng được nâng tầm ngang bằng hoặc thậm chí có phần hơn cả hạng mục "đồng minh". Lựa chọn Việt Nam và Singapore cho thấy chính quyền Biden đánh giá cao tầm quan trọng của hai nước này trong chiến lược của Mỹ về một Ấn Độ-Thái Bình Dương mở, tự do và dựa trên luật lệ.

Cả hai nước đều ủng hộ và coi trọng sự hiện diện của Mỹ, về mặt kinh tế lẫn quân sự, nhằm góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế ở khu vực. Hợp tác an ninh-quốc phòng giữa Mỹ và Singapore rất sâu rộng, thực chất và có bề dày lịch sử. Đối với Việt Nam, lĩnh vực này vẫn ở dạng tiềm năng nhưng Mỹ đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo đảm chính sách đối ngoại độc lập tự chủ cũng như bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia ở Biển Đông.

Chuyến công du của bà Harris qua góc nhìn chuyên gia người Việt ở Singapore: Tiềm năng hợp tác kinh tế với Mỹ sẽ xoay quanh những ưu tiên đối nội của Chính quyền Biden, khó có đột phá - Ảnh 7.

Đây là lần đầu tiên một Phó Tổng thống Mỹ tới thăm Việt Nam. Điều này có mang ý nghĩa đặc biệt nào không?

Kamala Harris là Phó tổng thống nữ đầu tiên cũng là Phó tổng thống có gốc Á-Phi đầu tiên của Mỹ. Cũng như cựu Tổng thống Barack Obama trước đây, xuất thân khiêm tốn và thành tựu sự nghiệp của bà Kamala đã là một nguồn cảm hứng lớn, đặc biệt đối với giới trẻ và phụ nữ. Bản thân sự hiện diện của bà gửi đi một thông điệp hấp dẫn về "sức mạnh mềm" của Mỹ với những giá trị như bình đẳng cơ hội và quyền phụ nữ.

Ngoài ra, tiền đồ chính trị của bà rất rộng mở với tiềm năng là ứng viên Tổng thống Mỹ trong tương lai. Những điều này khiến cho chuyến công du đầu tiên của bà đến Đông Nam Á có thêm những màu sắc đặc biệt, hấp dẫn sự chú ý hơn.

Theo góc nhìn của chị, Mỹ mong muốn gì ở Việt Nam trong chuyến thăm này?

Như đã nói ở trên, Mỹ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, tiếp tục củng cố lòng tin và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Có thể một mục tiêu cụ thể hơn từ phía Mỹ là mong muốn nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên tầm "đối tác chiến lược". Liệu Việt Nam đã sẵn sàng để gọi tên "đối tác chiến lược" với Mỹ hay chưa vẫn còn bỏ ngỏ, mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng quan hệ Mỹ-Việt hiện nay về bản chất đã có nội hàm chiến lược.

Chuyến công du của bà Harris qua góc nhìn chuyên gia người Việt ở Singapore: Tiềm năng hợp tác kinh tế với Mỹ sẽ xoay quanh những ưu tiên đối nội của Chính quyền Biden, khó có đột phá - Ảnh 8.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội gì từ chuyến công du của bà Harris, trên lĩnh vực kinh tế, y tế và địa chính trị? Liệu Việt Nam có thể tận dụng chuyến thăm để mở rộng cơ hội hợp tác vắc-xin giữa doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ và tiếp cận nguồn vắc-xin lớn hơn cho Chính phủ Việt Nam hay không?

Chuyến đi của bà Kamala Harris góp phần nâng cao hình ảnh và vị trí địa chính trị của Việt Nam tại khu vực và trong quan hệ với các cường quốc khác. Bên cạnh đó, trong bài phát biểu tại Singapore ngày 24/8, bà Kamala thẳng thắn chỉ trích các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp và các hành vi chèn ép, hăm dọa những quốc gia ven biển khác của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, bao gồm phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Những thông điệp mạnh mẽ này của bà Kamala Harris phù hợp với lập trường và lợi ích của Việt Nam về vấn đề Biển Đông.

Về việc tranh thủ chuyến thăm của bà Kamala Harris để mở rộng cơ hội hợp tác vắc-xin giữa doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ, tôi không dám chắc về khả năng thành công đến đâu vì điều này phụ thuộc chủ yếu vào quyết định của các hãng dược liên quan, chứ không phải chính quyền Mỹ. Trên thực tế, Ngoại trưởng Indonesia trong chuyến thăm Mỹ đầu tháng 8 cũng có yêu cầu tương tự nhưng không nhận được bất kỳ đảm bảo nào từ các quan chức Mỹ. Theo tôi được biết, hãng dược BioNTech của Đức – đồng sản xuất vắc-xin Pfizer – tuyên bố sẽ xây dựng cơ sở sản xuất vắc-xin cho khu vực ở Singapore.

Trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống dịch, Việt Nam cần kêu gọi Mỹ tăng cường hỗ trợ vắc-xin hơn nữa, không chỉ bằng viện trợ vắc-xin mà còn thông qua tác động lên các hãng dược Mỹ để đẩy nhanh tiến độ cung cấp vắc-xin cho Việt Nam. Mỹ cũng có thể cung cấp hỗ trợ hậu cần như bảo quản lạnh. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Vắc-xin hiện nay thực sự là mặt hàng chiến lược và những hỗ trợ thiết thực của Mỹ về vắc-xin sẽ góp phần tăng cường niềm tin chiến lược giữa hai nước.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM