Chuyến công du Iran của Tổng thống Putin: Nóng lòng nắm tay chờ sự xuất hiện của một người

An An | 21-07-2022 - 07:00 AM

(Tổ Quốc) - Tổng thống Putin đã tới Iran và gặp gỡ với một số lãnh đạo thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Iran hôm thứ 19/7 để thực hiện chuyến công du quốc tế đầu tiên vượt ra ngoài biên giới của Liên Xô cũ kể từ khi sau xung đột với Ukraine. Tại đây, ông chủ điện Kremlin đã gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Khamenei, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Theo hãng tin Reuters, chuyến đi của ông Putin, diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Israel và Ả Rập Xê-út, cho thấy một thông điệp mạnh mẽ gửi tới phương Tây về kế hoạch tăng cường quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn với một số nước như Iran khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây của Moscow.

NGA - IRAN TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ

"Tôi rất vui mừng được ở trên đất Iran mến khách ... Chúng ta có thể tự hào về những con số kỷ lục trong tăng trưởng thương mại. Chúng ta đang tăng cường hợp tác trong các vấn đề an ninh quốc tế, đóng góp đáng kể vào việc giải quyết xung đột Syria", Tổng thống Putin nói trong cuộc gặp song phương với người đồng cấp Iran Raisi.

Washington Post cho rằng, phát biểu này chứng tỏ, trong khi các công ty phương Tây đã rời khỏi Nga thì Moscow vẫn có những người bạn đáng tin cậy.

Về phía Iran, ông Raisi cũng tán dương cam kết "quan trọng" về hợp tác an ninh giữa hai nước, nói rằng hai nước có "kinh nghiệm tốt" trong việc chống khủng bố.

Trong khi đó, lãnh tụ Iran Khamenei ca ngợi sự hợp tác chung giữa Nga và Iran là "mang lại lợi ích sâu sắc".

"Các sự kiện thế giới cho thấy Iran và Nga cần tăng cường hợp tác", ông nói.

Chuyến công du Iran của Tổng thống Putin: Nóng lòng nắm tay chờ sự xuất hiện của một người - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong cuộc hội đàm ngày 19/7. Ảnh: AP

Cũng trong ngày 19/7, công ty dầu khí quốc gia Iran đã ký một thỏa thuận trị giá 40 tỷ USD với tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom, theo một tuyên bố từ Shana, hãng tin của Bộ Dầu mỏ Iran. Thỏa thuận bao gồm phát triển các mỏ khí đốt của Iran và xây dựng các đường ống xuất khẩu khí đốt mới.

Ngoài lĩnh vực năng lượng, Nga và Iran sẽ tăng cường hợp tác để giảm thiểu tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Người đứng đầu bộ phận Quan hệ Công chúng của Ngân hàng Trung ương Iran cho biết, nhằm thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Iran và Nga về phát triển tiền tệ và ngân hàng, trưa 19/7, thị trường ngoại hối Iran đã ra mắt giao dịch tiền tệ "rial-rúp" và các nhà xuất khẩu của Iran có thể giao dịch bằng đồng rúp theo tỷ giá hối đoái đã thỏa thuận thông qua các ngân hàng và sàn giao dịch được chỉ định, giống như đô la và euro.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Iran Ali Salehabadi cho rằng, đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển quan hệ kinh tế giữa Iran và Nga.

Trước đó ngày 18/7, ông Putin thừa nhận trong cuộc họp với quan chức chính phủ rằng, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã tạo ra những khó khăn "khổng lồ" cho nền kinh tế Nga. Ông đã tìm cách mở rộng thương mại với châu Á và Trung Đông để bù đắp cho việc nhập khẩu từ phương Tây đang giảm mạnh. Chuyến công du quốc tế duy nhất khác của Tổng thống Putin kể từ tháng 2 là vào cuối tháng trước khi ông đến Tajikistan và Turkmenistan.

Theo báo Mỹ, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga và Iran đã quen với các lệnh trừng phạt của phương Tây và việc cải thiện quan hệ với Iran là một đường lối dài hạn trong chính sách đối ngoại của Nga. Đồng thời, ông cho biết thêm rằng, một thỏa thuận hợp tác chiến lược có thể sẽ được ký kết trong những tháng tới.

TT PUTIN CẢM ƠN THỔ NHĨ KỲ VỀ VAI TRÒ HÒA GIẢI

Hãng tin CNN cho biết, Tổng thống Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine và vấn đề Syria.

Khi nói về Ukraine, ông Putin cảm ơn nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục làm trung gian hòa giải giữa hai nước và cảm ơn phía Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực cung cấp nền tảng hòa giải các cuộc đàm phán về xuất khẩu và vận chuyển lương thực.

"Nhờ sự hòa giải của ngài, chúng tôi đã tiến về phía trước", Tổng thống Putin nói. "Tuy nhiên, không phải tất cả các vấn đề đã được giải quyết. Nhưng có tiến triển thì cũng là chuyện tốt rồi.

Tổng thống Erdogan nói rằng các cuộc đối thoại ngoại giao giữa hai quốc gia vẫn tiếp tục.

"Đó là một lợi thế lớn mà chúng tôi có thể làm được", ông Erdogan cho biết thêm, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò trung gian, Ankara "hy vọng cách tiếp cận của Nga vẫn đi theo chiều hướng tích cực".

Về vấn đề xuất khẩu và vận chuyển ngũ cốc của Ukraine, ông Erdogan cho rằng quan điểm của phái đoàn Nga trong cuộc hội đàm gần đây tại Istanbul là tích cực và mang tính xây dựng, do đó, kết quả của cuộc hội đàm hôm 19/7 sẽ có tác động tích cực đến thế giới.

Chuyến thăm của ông Putin diễn ra sau khi ông Erdogan - lãnh đạo của thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ - lặp lại lời đe dọa ngăn chặn Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh, sau lần đồng ý có điều kiện hồi tháng 6.

TT Thổ Nhĩ Kỳ đến muộn khiến TT Putin phải chờ

SỰ CỐ BẤT NGỜ

Đáng chú ý, trước cuộc hội đàm song phương Nga-Thổ, một sự cố bất ngờ đã xảy ra.

Theo Guardian (Mỹ), khi cuộc đối thoại chuẩn bị diễn ra, Tổng thống Putin bước vào phòng tọa đàm nhưng ông được chào đón bởi những chiếc ghế trống, các phóng viên và tiếng bấm máy tanh tách. Ông dừng lại, nắm hai tay chờ đợi, nhìn xung quanh, khuôn mặt lộ vẻ nóng lòng. Và sau khoảng một phút thì ông Erdogan bước vào....

Thực tế, đây là một cảnh tượng quen thuộc trong một số cuộc hội đàm của Tổng thống Nga với các lãnh đạo và quan chức quốc tế. Tuy nhiên điều khác là, người đến muộn thường là Tổng thống Putin.

Ví dụ, Tổng thống Putin từng đến muộn hơn dự kiến 50 phút trong cuộc gặp với Giáo hoàng Francis vào năm 2013, ông cũng từng khiến cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel phải chờ 40 phút hồi năm 2012 v.v....

Hồi năm 2020, Tổng thống Putin cũng "bắt" Tổng thống Erdogan đợi khoảng 20 phút trước cuộc gặp song phương. Một nhà báo cấp cao của tờ The Nation (UAE) hài hước nói rằng, đó là "sự báo thù ngọt ngào" của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

MB dẫn dắt làn sóng đổi mới "Z hoá" ngành ngân hàng

Là ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số và sáng tạo, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) liên tục ra mắt thị trường những sản phẩm "siêu thẻ" độc đáo, tích hợp nhiều tính năng, đồng thời "săn lùng" kho ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng của mình, thể hiện rõ sự "yêu và chiều" của MB dành cho thế hệ khách hàng hiện đại.