• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyển đối số ngành du lịch: Khi cách quản lý và kinh doanh truyền thống đã không đủ khả năng chống chọi với dịch bệnh

Du lịch 05/10/2020 15:46

(Tổ Quốc) - Trước bối cảnh nặng nề của dịch bệnh COVID-19 đối với riêng ngành du lịch, có thể thấy rằng, cách quản lý và kinh doanh truyền thống đã không đủ khả năng chống chọi. Từ đó đòi hỏi phải có sự chuyển đổi số để thúc đẩy doanh nghiệp, cơ quan quản lý nâng cao năng lực, hiệu quả kinh doanh duy trì hoạt động và phát triển trong lĩnh vực này.

Chuyển đổi số để tăng hiệu quả kinh doanh

Trong một buổi hội thảo bàn về chiến lược kích cầu du lịch lần 2 sau dịch bệnh COVID-19, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, nếu chỉ dùng các giải pháp kích cầu thông thường như giảm giá, yêu cầu hỗ trợ thì không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Chuyển đối số ngành du lịch: Xu hướng tất yếu để phát triển - Ảnh 1.

Điểm bay dù lượn Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

Theo ông Vũ Thế Bình, doanh nghiệp nên chuyển đổi số để khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh để lại. Theo đó, cần nghiên cứu, tìm hiểu chuyển đổi số để đưa du lịch thành ngành kinh tế số, vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch.

“Thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. Trên hết, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của mọi doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh” - ông Bình nêu quan điểm.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, định hướng vô cùng quan trọng với quá trình chuyển đổi số đó là quá trình chủ động tham gia của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Đối với doanh nghiệp, trước hết phải chuyển đổi số tất cả các sản phẩm giới thiệu điểm đến thành cơ sở dữ liệu lớn, đồng thời triển khai những ứng dụng số để truyền tải thông tin, số liệu đó đến với thị trường.

Còn đối với người tiêu dùng, ông Siêu cho rằng, hiện khách du lịch đã và đang làm quen, có xu hướng sử dụng mạnh các sản phẩm thương mại điện tử trực tuyến, trải nghiệm qua hỗ trợ của công nghệ số.

Vấn đề nhận thức giúp chuyển đổi số thành công

Theo bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Giám đốc Chính sách công Việt Nam, Tập đoàn Facebook, các nền tảng số chính là tiềm năng để thúc đẩy du lịch. Các doanh nghiệp du lịch cần nhanh chóng chuyển đổi số để tận dụng các nền tảng kỹ thuật trong lĩnh vực marketing, quảng bá sản phẩm du lịch của mình.

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Gotadi cho rằng, chi phí chuyển đổi số rất đắt đỏ, không dễ dàng, trong khi đó nền tảng chúng ta rất khó so sánh với các quốc gia lớn mạnh nên cần phải tạo ra một cộng đồng liên kết, hỗ trợ lẫn nhau. Để chuyển đổi số thành công, đầu tiên là vấn đề nhận thức.

Từ rất sớm, một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã thực hiện chuyển đổi số để quảng bá hình ảnh, sản phẩm nhằm thu hút du khách như: Hang Múa, Vườn chim Thung Nham. Công cụ này tiết kiệm được nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, quảng bá kịp thời hình ảnh, chất lượng và chương trình bán sản phẩm. Việc chuyển đổi số trong du lịch sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch tiết kiệm chi phí marketing, quảng bá sản phẩm và đầu tư đào tạo cho nguồn lao động du lịch trực tiếp chất lượng cao.

Bà Dương Thị Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình

Trao đổi về vấn đề này, ông Tuấn Hà - Giám đốc Công ty Vinalink cho rằng, chuyển đổi số trong ngành du lịch không hẳn là giải pháp hoành tráng mà nhiều khi đơn giản là giữ được quan hệ với khách hàng thông qua những ứng dụng Zalo, Facebook, Google.

“Việc chuyển đổi số không có gì là to tát nhưng nhiều tập đoàn lớn, nhiều công ty du lịch vẫn chưa tận dụng được, chưa tận dụng hết cơ sở dữ liệu khách hàng. Đây không hẳn là chuyển đổi máy móc, phần mềm mà nhiều khi chỉ cần tận dụng tối ưu khách hàng cũ của doanh nghiệp một cách chính xác, tốt nhất là đã thành công rồi” - ông Tuấn Hà nêu quan điểm.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ