Trong suốt buổi phỏng vấn, ông Rudy tỏ ra hào hứng khi chia sẻ về những trải nghiệm trong gần 20 năm sinh sống và làm việc ở Việt Nam. Trước cơ hội trở thành thành viên Hội đồng Quản trị trẻ nhất ở Hà Lan khi mới tuổi 30, Rudy đã quyết định bỏ lại tất cả để theo đuổi đam mê khám phá. Việt Nam tình cờ trở thành lựa chọn của ông chỉ sau một lần trải nghiệm.
Với khao khát được sống như một người bản xứ, ông Rudy tự tin mình có thể nhìn ảnh và kể tên bất kỳ bãi biển nào của Việt Nam. Chính vì thế, bạn bè còn đặt cho ông một biệt danh khác là Mr. Beach. Với Rudy, những kỷ niệm đáng nhớ nhất ở Việt Nam đều gắn liền với con người nơi này.
Trước khi đến Hội An, ông có phải là một người "nghiện" cafe không?
Thưc ra, điều thú vị là tôi không phải là một người thích cafe. Sau khi đến Mỹ làm việc ở một công ty trong ngành tài chính, tôi và chủ tịch của công ty đã trở thành bạn bè. Đó là Dave - nhà đồng sáng lập của Hội An Roastery, chính ông ấy mới là một "dân nghiện cafe".
Năm 2014, chúng tôi đã gặp lại và cùng nhau khám phá mảnh đất Việt Nam, du lịch từ miền Bắc cho đến miền Nam. Khi đó, tôi làm việc trong lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam được một thời gian nên cũng tự hỏi tại sao xuất khẩu của Việt Nam lại đứng sau Brazil khi hương vị lại không hề kém cạnh.
Thật tình cờ là sau đó, Dave có mở một cửa hàng cafe ở Colorado nên tôi đã đến Mỹ. Ông ấy đã hướng dẫn tôi cách vận hành một doanh nghiệp cafe, từ A đến Z, bao gồm cả… cách uống cafe. Khi ấy, tôi vẫn chưa biết nhiều về cafe, mà tôi chỉ thích cafe Việt Nam, đặc biệt là cafe sữa đá với vị ngọt lịm của sữa đặc.
Ông có thể chia sẻ một chút về công việc trong ngành chứng khoán và đầu tư của mình trước đây được không?
Tôi từng làm việc trong ngành ngân hàng bán lẻ Hà Lan. Tôi có khá nhiều kỷ niệm vui về quãng thời gian đó. Khi mới tốt nghiệp, bạn bè tôi ai cũng muốn được làm việc ở cấp quản lý ngay lập tức, trong khi tôi lại lựa chọn chỉ làm ở vị trí không quá nổi trội.
Tôi bắt đầu công việc với vị trí giao dịch viên ngân hàng, nhưng mỗi tối tôi nghiên cứu, tìm tòi về ngành ngân hàng và bảo hiểm. Và chỉ trong 7 tháng, tôi đã đảm nhận vị trí giám đốc của 2 chi nhánh. Cuối cùng, tôi trở thành giám đốc của 75 văn phòng sau 8 năm làm việc.
Nhưng khi được đề nghị trở thành thành viên HĐQT, tôi lại nhận thấy mong muốn của mình là được đi khám phá thế giới. Lúc đó tôi mới 30 tuổi và buộc phải đưa ra lựa chọn. Thay vì trở thành thành viên HĐQT trẻ nhất Hà Lan khi đó, tôi đã nói lời tạm biệt với tiền trong 5 năm.
Sau giai đoạn đó, tôi đến Mỹ làm việc với mục đích "sắp xếp" lại hoạt động của 1 doanh nghiệp trong một thời gian ngắn. Khi trở lại với Hà Lan, tôi tổ chức một bữa tiệc và gặp một giám đốc của công ty môi giới chứng khoán. Ông ấy mời tôi làm giám đốc thương mại của công ty, nhưng không may là chỉ một thời gian ngắn công ty đã phải giải thể vì một số lý do.
Kỷ niệm đáng nhớ của ông sau khi đến Việt Nam là gì?
Khoảng năm 2010, tôi đã đến Việt Nam và đi xuyên Việt trên chiếc "xe đạp đẩy" (kick bike). Tôi đã đi từ Sapa cho đến Sài Gòn. Kể từ đó, tôi không thể ngừng suy nghĩ về Việt Nam. Tôi đã vẽ ra một kế hoạch xây dựng khu resort gần biển ở quốc gia này và quyết định chào tạm biệt bố mẹ để "xách balo" tới Việt Nam sinh sống, làm việc.
Ban đầu, tôi thuê một căn hộ ở phố Nguyễn Văn Trỗi trong TP.HCM. Nhưng sau đó tôi di chuyển khắp nơi, khắp các tỉnh thành ở Việt Nam để tìm hiểu về các vùng biển với kế hoạch xây resort. Những bãi biển mà tôi thấy ấn tượng nhất đó là ở Phú Quốc và Phú Yên.
Lại một điều "không may" nữa xảy ra. Sau 7 năm cùng nhau làm việc thì cộng sự của tôi bất ngờ phá sản. Chúng tôi mất mọi thứ. Tôi phải một mình xây dựng mọi thứ từ đầu, từ các mối quan hệ cho đến đi gọi vốn cho các dự án dang dở.
Ông đã bắt đầu lại với cafe Việt như thế nào?
Khi ở "nốt trầm" của sự nghiệp, tôi cũng chuyển đến Hội An sinh sống. Tôi gặp lại Dave ở mảnh đất này, ông ấy đã chia sẻ với tôi về kế hoạch mở một cửa hàng cafe. Tôi lúc ấy đã rất háo hức và muốn đặt hoàn toàn tâm sức của mình vào kế hoạch này. Và thế là, cửa hàng Hội An Roastery đầu tiên đã "ra đời" vào tháng 1/2015.
Về cái tên của chuỗi, nó cũng nói lên tất cả vì ý tưởng của tôi cũng cực kỳ đơn giản: Cửa hàng cafe rang xay ở Hội An. Cafe ở cửa hàng của chúng tôi được rang xay mới mỗi ngày và tôi cũng tự tin nói rằng đây là những hạt cafe sạch và hoàn toàn không có hoá chất.
Người đảm nhận vai trò thiết kế cho cửa hàng chính là bố của tôi. Ý tưởng về màu sắc cũng đến từ cây và hạt cafe, màu xanh tượng trưng cho những hạt cafe chưa chín, màu nâu là hạt cafe sau khi được rang và vàng là màu đặc trưng của Hội An. Tôi cũng muốn giữ nguyên nét cổ kính của Phố Hội nên toàn bộ tường của cửa hàng đều có bề mặt thô ráp và những vết nứt.
Để có được những hạt cafe thực sự chất lượng, chúng tôi đã phải đi khắp Việt Nam và tìm ra sản phẩm mà mình tâm đắc nhất ở Quảng Trị. Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với những người nông dân ở đây mà không qua bất kỳ bên trung gian nào về việc trồng, thu hoạch cafe organic. Hội An Roastery cũng trả mức lương cao hơn để những người nông dân này thu hoạch cafe bằng tay, tức là chỉ chọn hạt chín, để lại hạt non trên cành chứ không lấy toàn bộ cành cafe.
Vì sao ông lựa chọn ở lại Việt Nam?
Việt Nam có những bãi biển, những khu rừng núi hùng vĩ và tráng lệ. Gần đây tôi đã có cơ hội đến rừng quốc gia ở Huế. Đây là một nơi rất mới, thậm chí còn không có đường mòn nhưng cảnh quan cực kỳ ấn tượng, mãi đến gần đây mới được con người khám phá. Rõ ràng rằng, Việt Nam có rất nhiều địa điểm thú vị khác để tìm hiểu.
Tôi cũng từng đi rất nhiều nơi. Thậm chí, nếu bạn đưa cho tôi một hình ảnh bất kỳ về một bãi biển nào đó, tôi có thể gọi tên ngay lập tức. Bạn bè tôi thường đùa và đặt cho tôi biệt danh là Mr. Beach - "quý ông của những bãi biển".
Còn theo những gì tôi quan sát, khi được hỏi về lý do tại sao lựa chọn Việt Nam, những người nước ngoài đến đây làm việc như tôi thường trả lời rằng, chắc chắn là vì "con người".
Có một điều tôi thấy trong chuyến đi xuyên Việt bằng xe đạp đẩy của mình cách đây nhiều năm, đó là người Việt Nam rất ham học hỏi. Kể cả trẻ con hay các bạn sinh viên, họ đều chạy đến gần tôi và hỏi chuyện, cười nói cực kỳ thân thiện. Bởi vậy, việc giao tiếp với người bản xứ gần như rất dễ dàng. Tôi hoàn toàn có thể làm bạn với một người đang dừng đèn đỏ cùng mình.
Theo tôi biết, chuỗi cửa hàng của ông sử dụng hoàn toàn cafe được sản xuất bởi người nông dân Việt Nam, nhân sự cũng chính là người dân ở địa phương. Tại sao ông lại vận hành chuỗi như vậy?
Về Hội An, khi mới đến đây, tôi thấy nơi này có gì đó rất… hoang sơ. Lúc đó chỉ có một vài cửa hàng được mở nhưng cách kinh doanh lại khá cũ kỹ. Nhưng với tôi, đó lại là một điểm đặc biệt của "ngôi làng" nhỏ bé này.
Có thể nói, điều đặc biệt ở Hội An Roastery cũng là con người. Ở Hội An Roastery, chúng tôi hướng dẫn tường tận các nhân viên là người bản địa cách chăm sóc khách hàng. Họ là những người chưa từng làm việc ở các cửa hàng cafe. Chúng tôi không có những nhân viên đã có kinh nghiệm làm việc ở các chuỗi chuyên nghiệp, mọi người đến đây đều bắt đầu từ con số 0.
Hơn nữa, những hạt cafe mà chúng tôi pha chế hàng ngày đến hoàn toàn từ Lao Bảo - Quảng Trị, khu vực gần biên giới với Lào. Có những người thậm chí còn không biết tiếng Kinh. Nhưng tôi lại có tình cảm đặc biệt với những con người này, vì họ là những người thật thà và "chân chất".
Một điều đặc biệt là, tôi kết nối với nông dân ở Lao Bảo thông qua chương trình từ thiện Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV). Chúng tôi đã hướng dẫn họ cách trồng, thu hoạch và rang xay cafe để họ có khả năng độc lập trong việc tạo ra thu nhập.
Hiện tại, khách du lịch đã trở lại với Hội An. Ông có kế hoạch gì cho chuỗi cafe của mình?
Khá là khó để đưa ra một con số, nhưng số lượng khách đến Hội An trong thời gian đại dịch diễn ra đã giảm mạnh. Chúng tôi "mất" rất nhiều khách, đặc biệt là khách từ Hàn Quốc. Ở thời điểm này, tôi hy vọng lượng khách sẽ hồi phục từ 70-80%.
Với Hội An Roastery, nếu điều kiện thị trường thuận lợi, tôi mong muốn sẽ mở thêm "franchise" với thương hiệu này, khi đã có 3 cửa hàng Hàn Quốc. Hội An chính là "cái nôi" và từ đó chúng tôi cũng muốn hướng đến một số địa điểm như Đan Mạch, Philippines và Campuchia.
Khi mới đến Việt Nam, trở ngại lớn nhất của ông là gì? Ông đã làm gì để "thích nghi"?
Tôi đã gặp "cú sốc văn hoá" khi mới chuyển từ Hà Lan đến Việt Nam. Thách thức lớn nhất với tôi khi mới đến Việt Nam là làm thế nào để học cách kinh doanh ở vùng đất này. Tôi cũng phải làm quen với lối sống của con người ở đây.
Tôi đã tìm hiểu về văn hoá, học cách tôn trọng phong cách của mỗi người Việt Nam mà tôi đã gặp. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình làm được điều đó.
Có những người nói với tôi rằng: "Ông mang tiền của mình đến đó thì họ sẽ tôn trọng ông", nhưng tôi không thích quan điểm ấy. Với tôi, khi đến một quốc gia để sinh sống và làm việc, tôi sẽ hòa nhập với nền văn hoá đó, ít nhất thì tôi có thể nói một số câu tiếng Việt cơ bản như "chào buổi sáng", "tán chuyện" với người bản xứ hay học những câu nói đùa để tạo sự hoà đồng.
Nhưng có một điểm hơi khó khăn một chút đó là tôi không hút thuốc và không uống bia. Bạn biết đấy, 75% những thoả thuận của tôi không phải được "chốt" ở trong văn phòng làm việc. Tôi có một người cộng sự khác đến từ Hà Lan hỗ trợ tôi đảm nhận "công việc" này.
Gia đình ông có đang sinh sống ở Hội An cùng ông không? Sau gần 20 năm ở Việt Nam, ông thích món ăn nào nhất và ấn tượng với điều gì nhất?
Tôi cùng vợ và con trai đã sống ở Hội An được 10 năm rồi. Khó có thể kể hết những món ăn Việt Nam mà tôi thích. Nhưng nếu chỉ được chọn một thì tôi sẽ "gọi tên" món nem, tôi cũng rất thích cao lầu.
Khi đến Việt Nam sinh sống, điều mà tôi đề cao là "trải nghiệm thực sự ở Việt Nam" vì luôn muốn có trải nghiệm như một người bản xứ. Tôi thậm chí còn không có người bạn nào là người nước ngoài ở Hội An. Như bạn đã thấy, gia đình và thậm chí cả nhân viên của tôi đều là người bản xứ.
Tôi nghĩ những người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống và làm việc nên nỗ lực tìm hiểu về cuộc sống nơi này. Hãy sống và tận hưởng nền văn hoá của chính nơi bạn đang ở, đừng nên cố gắng tìm những trải nghiệm giống với nơi bạn đến. Đặc biệt, ở Việt Nam, hãy tận hưởng bầu không khí, văn hoá, thiên nhiên của nơi này.
Sau nhiều lần đến Hội An, tôi nhận thấy, cuộc sống của người dân nơi này diễn khá "chậm", không có sự hối hả hay cạnh tranh như nhiều thành phố khác. Ông có nghĩ thành phố này là địa điểm lý tưởng để nghỉ hưu?
Tôi vẫn thấy mình khá trẻ để nói về việc nghỉ hưu. Tôi vẫn muốn làm việc, đi du lịch, khám phá nhiều địa điểm, mảnh đất mới lạ. Tôi dự định sẽ trở về quê hương Hà Lan để dành quãng thời gian này bên gia đình.
Nhưng với tôi, Đà Nẵng và Hội An cũng là những nơi rất đáng sống, đặc biệt là với quãng thời gian nghỉ hưu. Nếu có thể, tôi sẽ lựa chọn việc di chuyển qua lại, đến Việt Nam vào mùa đông và trở về Hà Lan khi thời tiết ấm hơn.